Thứ 3, Ngày 29/04/2025 -

Gia đình - nhân tố tích cực để thúc đẩy sự nghiệp phát triển xã hội
Ngày đăng: 24/06/2010  10:01
Mặc định Cỡ chữ

Gia đình là tế bào của xã hội, là nhân tố tích cực để thúc đẩy sự phát triển của xã hội thông qua việc tái sản xuất ra con người và sức lao động, nuôi dưỡng và chăm sóc các thành viên trong gia đình. Gia đình là nơi giữ gìn, phát huy những giá trị văn hoá quí báu của dân tộc, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sự thuỷ chung vợ chồng, lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ, sự tôn kính biết ơn với tổ tiên, sự thương yêu đùm bọc giữa anh chị em trong gia đình, sống có tình, có nghĩa, có nhân cách với họ hàng, làng xóm…là những giá trị tốt đẹp của gia đình người Việt Nam.
 

 

Bên cạnh đó, gia đình hiện nay cũng đang tiếp thu và thể hiện những tư tưởng tiến bộ của nhân loại: Tôn trọng và thực hiện quyền bình đẳng giới, tôn trọng nhân phẩm của mỗi cá nhân, quyền và nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục con cái… Gia đình còn là một chủ thể văn hoá, là nền tảng cho sự phát triển và hình thành nhân cách của mỗi con người. Nhân cách tốt hay xấu, phát triển đến mức độ nào phụ thuộc rất lớn vào quan hệ ứng xử giữa các thành viên trong gia đình. Trong gia đình luôn đề cao hai mối quan hệ cơ bản đó là: quan hệ hôn nhân (vợ-chồng) và quan hệ huyết thống (cha mẹ-con cái). Xem xét trên mọi phương diện thì đây là những mối quan hệ gần gũi nhất, gắn bó nhất. Cơ sở của mối quan hệ này là tình cảm yêu thương nhau hết mực và chân thành. Cách ứng xử trong gia đình không phải là trừu tượng, là lời nói suông mà là một thực tế hữu cơ qua lời nói, cử chỉ, việc làm và hành động cụ thể.
 
Ông bà chúng ta đã dạy: “Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” hoặc “Chồng giận thì vợ bớt lời, Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê”. Đây thực sự là một kinh nghiệm quí báu, một bí quyết về lối sống và là văn hoá ứng xử trong gia đình để giữ gìn và bảo vệ hạnh phúc gia đình. Văn hoá ứng xử trong gia đình không chỉ dừng lại ở lời nói, thể hiện qua cách giao tiếp mà thể hiện qua việc làm cụ thể. Đó là: “Thuận vợ, thuận chồng tát biển đông cũng cạn” hay là “Trên đồng cạn dưới đồng sâu; Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa”.
 
 
 
Quá trình hình thành và phát triển kinh tế - xã hội trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, giao lưu văn hoá với các nước trong khu vực và thế giới đang làm biến đổi cấu trúc và tác động ảnh hưởng đến các chức năng của gia đình. Ngoài các yếu tố tích cực của nền kinh tế sản xuất hàng hoá nhiều thành phần mang lại, những mặt trái của kinh tế thị trường mà biểu hiện là lối sống thực dụng, quá đề cao sức mạnh đồng tiền, ích kỷ đang là nguy cơ làm mai một, xói mòn giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình.
 
Trong những năm qua, trước những biến đổi nhanh chóng về kinh tế - xã hội, cấu trúc và chức năng của gia đình chúng ta đã có những thay đổi tích cực phù hợp với những điều kiện kinh tế, văn hoá - xã hội. Đời sống của chúng ta ngày càng được nâng lên, qui mô gia đình ít con ngày càng được xã hội chấp nhận như một chuẩn mực. Song song với những bước tiến về kinh tế - xã hội, các mối quan hệ gia đình trở nên dân chủ và cởi mở hơn, quyền và lợi ích của mỗi cá nhân ngày càng được tôn trọng và được luật pháp bảo vệ. Gia đình Việt Nam ngày càng tiếp thu và xây dựng những giá trị nhân văn mới mà tiêu biểu là quyền bình đẳng giới và quyền trẻ em. Trách nhiệm giữa vợ và chồng trong việc chăm lo xây dựng đời sống gia đình được chia xẻ và tôn trọng. Tâm lý “Trọng nam khinh nữ” cũng đã thay đổi đáng kể trong các cặp vợ chồng. Vị thế của người phụ nữ ngày càng có vai trò trong việc tham gia và quyết định tích cực vào các công việc quan trọng của gia đình như lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động chính trị, văn hoá - xã hội.
 
Song hành với những thay đổi tích cực nói trên, gia đình Việt Nam cũng đang đứng trước những thách thức do tác động của nền kinh tế thị trường. Đặc biệt, hiện tượng tảo hôn vẫn còn tồn tại ở nhiều vùng nông thôn và miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mặt khác, cũng còn không ít cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ còn có tư tưởng “Trời sinh voi, sinh cỏ”, sinh nhiều con. Chính từ những hiện tượng trên đã dẫn đến tình trạng ly hôn, ly thân, hôn nhân tan vỡ ngày càng cao. Hiện tượng phân hoá giàu nghèo giữa các hộ gia đình trong xã hội ngày càng tăng lên dẫn đến sự khác biệt lớn về mức sống, lối sống, sự chênh lệch về hưởng thụ văn hoá, giáo dục, về chăm sóc sức khoẻ, về việc làm và mức thu nhập, đã trở thành mối quan tâm của nhiều người.Tình trạng trẻ em lang thang kiếm sống, trẻ em có hành vi vi phạm pháp luật, trẻ em bị lạm dụng và sa vào các tệ nạn xã hội ngày càng nhiều, trong đó có nguyên nhân từ gia đình chiếm tỷ lệ cao đang là mối quan tâm bức xúc của mỗi gia đình và là nỗi lo chung của toàn xã hội.
 
Từ những vấn đề trên, muốn xây dựng gia đình ấm no, hoà thuận, hạnh phúc, tiến bộ, khoẻ mạnh, thiết nghĩ chúng ta không thể xem nhẹ chức năng giáo dục truyền thống đạo đức, gia phong và văn hoá ứng xử trong gia đình. Để làm được điều đó, yêu cầu quan trọng là chúng ta cần phải giáo dục nhận thức đầy đủ về đạo đức, lối sống, nhân cách trong mỗi con người, mỗi gia đình, hết sức chú trọng xây dựng nền tảng truyền thống gia đình, gia đạo, gia phong, mà các bậc ông bà, cha mẹ phải là tấm gương mẫu mực. Xây dựng Gia đình văn hóa là một yêu cầu cần được phát huy, không phải của một cấp, một ngành mà là của mỗi gia đình, đồng thời cũng là việc chung của toàn xã hội./.
(Ảnh trên : Lễ mừng thọ theo đạo hiếu VN.)
 
ĐĂNG BÌNH