Thứ 5, Ngày 09/05/2024 -

Các mục tiêu thực hiện Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới trên địa bàn tỉnh
Ngày đăng: 12/10/2022  22:16
Mặc định Cỡ chữ
Ngày 07/10/2022, Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 41-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

 

Theo đó, mục tiêu của Chương trình nhằm nâng cao năng lực tổ chức và hoạt động của khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với hợp tác xã nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát huy hơn nữa vai trò của hợp tác xã trong việc hỗ trợ thành viên và cộng đồng; liên kết các chủ thể kinh tế khác hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình.

 

Đến năm 2030, phấn đấu thành lập mới khoảng 300 Tổ hợp tác, 150 Hợp tác xã, 05 Liên hiệp Hợp tác xã; các Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã thành lập mới hoạt động ổn định, hiệu quả. Bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá; trong đó, có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị.

 

Có trên 12% Hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.

 

Phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản trên địa bàn tỉnh, đảm bảo 100% sản phẩm truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản lên hệ thống đủ tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.

 

Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và Hợp tác xã, phấn đấu có khoảng 50% Hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.

 

Đến năm 2045, phấn đấu thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể; Mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, chất lượng hoạt động ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới.

 

Bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết; Các hợp tác xã đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ.

 

Nghị quyết đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, như: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động của các ngành, các cấp về nhiệm vụ đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước đối với kinh tế tập thể; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và Liên minh Hợp tác xã tỉnh đối với phát triển kinh tế tập thể...

 

Thái Ninh