Thứ 7, Ngày 20/04/2024 -

Chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nổi bật tuần từ 28/11-02/12/2022
Ngày đăng: 04/12/2022  07:43
Mặc định Cỡ chữ
Bình ổn hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023; Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử; Mở đợt cao điểm tuần tra, truy quét và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng; Phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm liên quan đến cá độ bóng đá; Ban hành Bộ chỉ số đánh giá Chuyển đổi số các cơ quan nhà nước; Tăng cường triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 28/11 - 02/12/2022.

 

Ảnh minh họa

 

1. Chương trình bình ổn hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023

 

Để góp phần cân đối cung cầu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân và không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý trong dịp Tết Nguyên đán; UBND tỉnh ban hành Chương trình "Bình ổn thị trường hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023".

 

Chương trình bình ổn năm nay có 02 đơn vị đăng ký tham gia (Siêu thị Win Mart và Siêu thị Co.op Mart) với tổng lượng hàng hóa dự trữ trên 53 tỷ đồng (vốn của doanh nghiệp, không vay vốn ngân sách tỉnh), gồm các mặt hàng: Thực phẩm công nghệ (Đường, bột ngọt, nước mắm, dầu ăn, mì tôm, bánh, kẹo, hạt tết các loại), lương thực (gạo, nếp các loại), thực phẩm tươi sống (thịt heo) và thực phẩm chế biến.

 

Phương thức bán hàng được tổ chức theo hình thức cố định và lưu động, cụ thể: 02 điểm cố định trên địa bàn TP. Kon Tum (Siêu thị Win Mart và Siêu thị Co.op Mart); các điểm bán hàng bằng xe lưu động tại xã Đăk Sao (huyện Tu Mơ Rông) và xã Mường Hoong (huyện Đăk Glei), thời gian thực hiện bán hàng theo Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn năm 2023.

 

Tại các điểm bán hàng cố định treo các bảng pa nô áp phích về chương trình bình ổn, các điểm bán hàng lưu động treo băng rôn trên các xe bán hàng lưu động (mẫu do Sở Công Thương quy định); Các thông tin về chương trình bình ổn được công bố công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 

2. Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật

 

Triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT và để chủ động phòng, chống có hiệu quả các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố chủ động tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trong các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

 

Bố trí nguồn lực tổ chức triển khai ngay các giải pháp kỹ thuật: Rà soát, tổ chức tiêm vắc xin phòng các bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi; chủ động triển khai giám sát dịch bệnh động vật để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện, không để lây lan diện rộng; tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật; tổ chức triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường để tiêu diệt các loại mầm bệnh, đặc biệt tại các địa phương đã, đang có dịch bệnh, có nguy cơ cao.

 

Tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nhất là qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở, họp cộng đồng về các loại dịch bệnh nguy hiểm, nguy cơ, nguyên nhân phát sinh và giải pháp phòng, chống dịch bệnh.

 

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho các tổ chức, cá nhân liên quan các quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành quy định của pháp luật và thực hiện tốt công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa chưa được phép lưu hành tại Việt Nam. Tổ chức thanh tra, kiểm tra các hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định pháp luật. Thực hiện việc thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có thông tin phản ánh của các tổ chức, cá nhân hoặc theo chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền. Kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời thông tin các cơ sở, doanh nghiệp vi phạm đến người dân để biết....

 

3. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia

 

Thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương kiểm tra, rà soát tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 của Chính phủ; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kết quả thực hiện Đề án, nhất là các tiện ích mà người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, thực hiện; đồng thời tạo mã QR Code để người dân, doanh nghiệp dễ dàng truy cập, sử dụng các dịch vụ công.

 

Trong quá trình giải quyết TTHC, giao dịch dân sự không yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú theo đúng quy định. Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến; đối với nhóm dịch vụ công liên thông về “Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ Bảo hiểm cho trẻ em dưới 06 tuổi” các địa phương tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn theo tinh thần không xác minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký cho trẻ em. Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện chi trả không dùng tiền mặt trong thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho các đối tượng chính sách được thụ hưởng từ nguồn ngân sách nhà nước...

 

4. Mở đợt cao điểm tuần tra, truy quét và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn toàn tỉnh

 

Để chủ động phòng ngừa, đảm bảo lực lượng ứng phó, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm Luật Lâm nghiệp trước, trong và sau các dịp nghỉ lễ, tết; UBND tỉnh yêu cầu các lực lượng chức năng, UBND các huyện, thành phố, đơn vị chủ rừng quan tâm, động viên đối với lực lượng bảo vệ rừng, chăm lo đáp ứng các nhu cầu về vật chất và tinh thần, đảm bảo cho việc đón xuân, vui Tết cho các lực lượng xa nhà phải ở lại làm nhiệm vụ bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng tại hiện trường, tại các chốt, trạm bảo vệ rừng... do đơn vị quản lý.

 

Duy trì hoạt động quản lý bảo vệ rừng của cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên và liên tục; Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng của cấp xã và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn. Chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động bố trí lực lượng tại các chốt, trạm bảo vệ rừng 24/24 giờ hằng ngày; Xác định, khoanh vùng các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra vi phạm, tổ chức đồng loạt ra quân, mở đợt cao điểm tuần tra, truy quét và tăng cường triển khai các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn toàn tỉnh từ nay đến sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 (đến hết ngày 05/02/2023).

 

Thường xuyên nắm bắt thông tin, tăng cường công tác tuần tra, canh gác tại các khu vực trọng điểm hay xảy ra vi phạm luật Lâm nghiệp; Tập trung lực lượng đủ mạnh để tăng cường kiểm tra, trấn áp các đối tượng vi phạm tại các khu vực rừng có nguy cơ xâm hại cao; Chủ động, kịp thời trong phát hiện, kiên quyết xử lý các vụ vi phạm, không để tình trạng vi phạm diễn biến phức tạp, kéo dài, trở thành điểm nóng.

 

Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tiếp nhận nắm bắt và xử lý thông tin về tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp; xây dựng các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, thường trực, sẵn sàng phối hợp các lực lượng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng, chữa cháy rừng; Các đơn vị chủ rừng cần hết sức chủ động trong công tác phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan đơn vị đóng chân trên địa bàn, các lực lượng khác và các chủ rừng trong khu vực giáp ranh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng và tuần tra truy quyét trong đợt cao điểm này.

 

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phát huy tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong việc tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra tình hình quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn (kể cả ban đêm, ngày nghỉ, ngày lễ, Tết), thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức trực chốt, tuần tra rừng của lực lượng bảo vệ rừng trực thuộc; Phát hiện, xử lý hoặc đề xuất cấp thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, để xảy ra vi phạm, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài nguyên rừng trên địa bàn, lâm phần quản lý.

 

5. 12 cuộc thanh tra của Thanh tra tỉnh trong năm 2023

 

Tại Quyết định số 723/QĐ-UBND ngày 30/11/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Kế hoạch thanh tra năm 2023 của Thanh tra tỉnh đối với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

 

Theo đó, năm 2023, Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện 12 cuộc thanh tra tại các cơ quan, đơn vị, địa phương về việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí; công tác đầu tư xây dựng cơ bản; mua sắm trang thiết bị; trách nhiệm thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao; công tác chấp hành các quy định của pháp luật và giải quyết TTHC trong lĩnh vực đất đai; trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra; trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, về khiếu nại, về tố cáo; thực hiện các kế hoạch, phương án cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước...

 

6. Phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến cá độ bóng đá

 

Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để người dân biết, nâng cao ý thức chấp hành không tham gia các hoạt động cờ bạc, nhất là cá độ bóng đá qua mạng internet và tích cực tố giác hoạt động cá độ bóng đá; huy động sức mạnh tổng hợp trong việc phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với hoạt động cá độ bóng đá và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; Chỉ đạo các lực lượng chức năng liên quan nắm chắc tình hình, quản lý chặt chẽ các đối tượng, địa bàn trọng điểm và triển khai các biện pháp phòng ngừa nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với hoạt động cá độ bóng đá và các loại tội phạm phát sinh liên quan cá độ bóng đá như cướp giật, trộm cắp tài sản… trên địa bàn.

 

Giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh ngăn chặn các trang website cá độ, cờ bạc và triển khai nghiệp vụ chủ động phát hiện đấu tranh triệt xóa các tụ điểm, đường dây cá độ bóng đá trên địa bàn tỉnh.

 

Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng và Công an các huyện, thành phố nắm chắc tình hình, quản lý chặt chẽ các đối tượng, địa bàn trọng diểm; tổ chức đấu tranh, trấn áp mạnh mẽ các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cờ bạc, cá độ bóng đá và các loại tội phạm phát sinh liên quan đến cá độ bóng đá trên địa bàn tỉnh; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật trong thời gian diễn ra vòng chung kết Word Cup 2022.

 

7. Ban hành Bộ chỉ số đánh giá Chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước

 

Với mục đích đánh giá, xếp hạng các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh về kết quả thực hiện xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số; nâng cao vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị trong công tác xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số; tại Quyết định số 780/QĐ-UBND ngày 02/12/2022, UBND tỉnh ban hành Bộ chỉ số đánh giá Chuyển đổi số (DTI) của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

 

Theo đó, Chỉ số DTI đối với cơ quan nhà nước cấp tỉnh (các sở, ngành) có 6 chỉ số chính (Nhận thức số, Thể chế số, Hạ tầng số, Nhân lực số, An toàn thông tin mạng và Hoạt động chuyển đổi số) với 36 tiêu chí, có thang điểm đánh giá là 1.000; Chỉ số DTI đối với cơ quan nhà nước cấp huyện gồm 8 chỉ số chính (Nhận thức số, Thể chế số, Hạ tầng số, Nhân lực số, An toàn thông tin mạng, Hoạt động chuyển đổi số, Hoạt động kinh tế số và Hoạt động xã hội số) với 68 tiêu chí, có thang điểm tính tối đa là 1.000 điểm; Chỉ số DTI đối với cơ quan nhà nước cấp xã gồm 8 chỉ số chính với 49 tiêu chí, có thang điểm tính tối đa là 1.000 điểm.

 

8. Tăng cường triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và từ 12 đến 17 tuổi

 

Thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế về việc tiếp nhận và tăng cường triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19, UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em mầm non, học sinh tại các cơ sở giáo dục; khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin Pfizer đã được phân bổ cho tỉnh nhằm tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin, đặc biệt là tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi và tiêm đủ liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; tăng tốc sử dụng có hiệu quả các loại vắc xin có hạn sử dụng ngắn hoặc vắc xin đã rã đông, tuyệt đối không để tình trạng phải hủy bỏ vắc xin do hết hạn sử dụng.

 

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của trẻ để tạo được sự đồng thuận và trẻ được tiêm chủng đầy đủ theo hướng dẫn của ngành Y tế, đảm bảo hoàn thành mục tiêu tiêm chủng; Tăng cường sự phối hợp trong công tác tổng hợp số liệu tiêm vắc xin, đặc biệt số liệu tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và từ 12 đến 17 tuổi tại các cơ sở giáo dục.

 

Yêu cầu UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; huy động các đơn vị, đoàn thể tham gia hỗ trợ công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của ngành Y tế và sử dụng có hiệu quả vắc xin đã được phân bổ cho địa phương.

 

Theo báo cáo của ngành Y tế, tính đến nay toàn tỉnh đã triển khai tiêm được hơn 1,4 triệu liều vắc xin phòng COVID-19; trong đó, tỷ lệ bao phủ liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt 99,5%, hoàn thành tiêm liều nhắc lại cho người từ 12 tuổi trở lên. Hiện nay, chỉ còn tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là chưa đạt yêu cầu.

 

Thái Ninh