Thứ hai, Ngày 05/05/2025 -
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 (theo giá so sánh 2010) đạt 17.627 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2021, không đạt kế hoạch; trong đó: Nông - Lâm - Thủy sản tăng 6,19%; Công nghiệp - Xây dựng tăng 14,88%; Thương mại - Dịch vụ tăng 8,03%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 8,58%. GRDP bình quân đầu người khoảng 52,43 triệu đồng, đạt 100,83% kế hoạch, tăng 5,65 triệu đồng so với năm 2021 (46,78 triệu đồng).
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước khoảng 23.191 tỷ đồng, đạt 100,83% kế hoạch và tăng 15,95% so với cùng kỳ, trong đó: Vốn đầu tư từ khu vực tư nhân là 17.150 tỷ đồng, đạt 104,57% kế hoạch và tăng 15,49% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 10 tháng đầu năm 2022 là 3.359,98/4.000 tỷ đồng, đạt 84% dự toán tỉnh giao và bằng 136,8% cùng kỳ năm trước; ước thực hiện cả năm đạt 100% dự toán giao, bằng 109,32% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương 10 tháng đầu năm 2022 là 6.491,66/11.858,61 tỷ đồng, đạt 54,7% và bằng 108% so cùng kỳ năm trước; ước thực hiện cả năm 10.140 tỷ đồng, đạt 85,51% nhiệm vụ chi và bằng 131,4% so cùng kỳ năm trước. Công tác thu hồi nợ đọng thuế được chỉ đạo triển khai tích cực, tổng nợ thuế đến thời điểm 31-10-2022 là 159,3 tỷ đồng, giảm 86,4 tỷ đồng (giảm 35,2%) so với thời điểm ngày 31-12-2021.
Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt trong công tác giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư. Qua đó, đến ngày 20-11-2022, toàn tỉnh đã giải ngân được 1.642,5/3.385 tỷ đồng, đạt 48,52% so với thực nguồn địa phương giao và đạt 54,52% kế hoạch Trung ương giao (3.012,8 tỷ đồng). Nếu không tính nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa được phân bổ thì tỷ lệ giải ngân đạt 62,65% so với kế hoạch vốn địa phương giao và đạt 73,1% so với kế hoạch vốn Trung ương giao đầu năm. Ước thực hiện đến hết niên độ năm 2022, tỷ lệ giải ngân đạt khoảng 92% trên tổng số kế hoạch vốn địa phương giao.
Sản xuất nông nghiệp được duy trì ổn định mặc dù phải chịu ảnh hưởng bởi diễn biến thời tiết bất thường và giá vật tư đầu vào tại một số thời điểm tăng cao. Tổng giá trị tăng thêm của ngành Nông nghiệp (giá hiện hành) là 5.907 tỷ đồng, đạt 97,65% kế hoạch và bằng 107,41% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng diện tích các cây trồng chính khoảng 197.577 ha, đạt 102,25% kế hoạch và tăng 4,48% so với cùng kỳ. Các loại cây trồng chủ lực của tỉnh tiếp tục được chú trọng phát triển, đến nay, tổng diện tích cây cà phê khoảng 29.708,9 ha, đạt 101,42% kế hoạch; cao su khoảng 77.030 ha, đạt 101,36% kế hoạch; cây Mắc ca khoảng 2.362,7 ha, đạt 106,5% kế hoạch (trồng mới 1.143,5 ha, đạt 114,4% kế hoạch); cây ăn quả ước khoảng 9.375 ha, đạt 100% kế hoạch (trồng mới ước khoảng 3.000 ha, đạt 100% kế hoạch); Sâm Ngọc Linh khoảng 1.741 ha, đạt 100% kế hoạch (trồng mới ước khoảng 509 ha, đạt 101,8% kế hoạch); cây dược liệu khác khoảng 4.857 ha, đạt 104,15% kế hoạch (trồng mới 2.193,63 ha, đạt 109,68% kế hoạch).
Triển khai kịp thời các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh hại trên các loại cây trồng, không để lây lan trên diện rộng, nhất là bệnh gây hại trên cây Sâm Ngọc Linh. Công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi, Cúm gia cầm A/H5N1 được triển khai kịp thời, đến nay tình hình dịch bệnh cơ bản được khống chế. Chăn nuôi tiếp tục ổn định, tổng đàn gia súc đạt 274.500 con, đạt 100% kế hoạch, bằng 102,9% so với cùng kỳ; trong đó tổng đàn bò khoảng 84.500 con, đạt 100% kế hoạch. Diện tích nuôi trồng thủy sản tại ao hồ nhỏ trên địa bàn toàn tỉnh khoảng ha, đạt 104,8% kế hoạch, bằng 107,11% so với cùng kỳ; tổng sản lượng thủy sản ước khoảng 8.353 tấn, đạt 113,6% kế hoạch, tăng 16,5% so với cùng kỳ.
Theo kết quả rà soát Bộ tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh có 38 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí (trong đó, có 36 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới), có 15 xã cơ bản đạt chuẩn từ 15-17 tiêu chí, 28 xã đạt chuẩn từ 10-14 tiêu chí và 04 xã đạt chuẩn từ 7-9 tiêu chí, bình quân là 15,61 tiêu chí/xã; giảm 0,54 tiêu chí/xã so với cuối năm 2021 do Bộ tiêu chí mới có nhiều chỉ tiêu cao hơn. Dự kiến đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 43 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, tăng 08 xã so với năm 2021, 04 xã nông thôn mới nâng cao (tăng 4 xã so với năm 2021), 02 xã nông thôn mới kiểu mẫu (tăng 02 xã so với năm 2021), số tiêu chí đạt chuẩn bình quân/xã là 16 tiêu chí/xã (giảm 0,15 tiêu chí so với năm 2021). Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được duy trì thực hiện, toàn tỉnh có 157 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 5 sao (trong đó: có 01 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia, 21 sản phẩm 4 sao và 135 sản phẩm đạt 3 sao).
Đã trồng mới hơn 5.192 ha rừng, đạt 115,4% kế hoạch; trồng được 1.582.398 cây phân tán, đạt 262,94% kế hoạch, nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh lên 63,12%, đạt kế hoạch đề ra. Toàn tỉnh hiện có 29 mô hình quản lý rừng cộng đồng với tổng diện tích 6.484 ha đang được quản lý, bảo vệ tốt; đã thực hiện giao rừng cho 15 cộng đồng trên địa bàn huyện Kon Plông với diện tích khoảng 2.014,8 ha, hiện đang tiếp tục triển khai việc giao đất, giao rừng trên địa bàn các huyện còn lại. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện ngay từ những tháng đầu mùa khô. Công tác quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, vận chuyển lâm sản trái pháp luật tiếp tục được các cấp, các ngành triển khai quyết liệt. Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện 80 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp với khối lượng vi phạm khoảng 414,461m3 gỗ; diện tích thiệt hại khoảng 32,125 ha; giảm 100 vụ, khối lượng vi phạm tăng 14,190 m3 gỗ các loại, diện tích thiệt hại giảm 41,1 ha so với cùng kỳ.
Tỉnh đã ban hành và triển khai có hiệu quả Kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022; trong đó, đã chỉ đạo triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho người dân.
Tổng giá trị tăng thêm của ngành Công nghiệp, xây dựng (giá hiện hành) 9.361 tỷ đồng, đạt 106,17% kế hoạch và bằng 123,7% so với cùng kỳ năm 2021. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ năm trước như: Điện sản xuất 3.300 triệu Kwh, đạt 100% kế hoạch và tăng 68,94% so với cùng kỳ; tinh bột sắn 300.000 tấn, đạt 100% kế hoạch và tăng 4,06% so với cùng kỳ; Gỗ cưa hoặc xẻ (trừ gỗ xẻ tà vẹt) 42.500m3, đạt 100% kế hoạch và tăng 21,45% so với cùng kỳ. Công nghiệp chế biến có bước phát triển, với sự tham gia từ nhiều loại hình kinh tế, một số cơ sở chế biến cà phê đã ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao trong quá trình sản xuất, một số sản phẩm đã từng bước thâm nhập và được đón nhận tại các thị trường lớn, có tiêu chuẩn cao như: Singapore, Bỉ, Thụy sĩ, Tây Ban Nha, Mê Hy Cô, Hàn Quốc... Các dự án thủy điện được triển khai thực hiện đảm bảo theo quy hoạch, đã có 02 dự án điện mặt trời và 02 dự án điện gió được bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện. Đề án “Phát triển Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, có tính đến năm 2030” được quan tâm triển khai thực hiện; trong năm 2022, đã thành lập mới 01 cụm công nghiệp, nâng tổng số cụm công nghiệp được thành lập trên địa bàn tỉnh là 14 cụm, trong đó có 08 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích là 303,7 ha; tỷ lệ lấp đầy bình quân của các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động đạt 67%. Đã thu hút được 41 doanh nghiệp, 426 cơ sở sản xuất đầu tư vào cụm công nghiệp; thu hút được hơn 2.400 lao động. Hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung Khu công nghiệp sản xuất, chế biến dược liệu tập trung vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam; trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy mô Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y (giảm từ 70.438 ha xuống còn 16.000 ha).
Tổng giá trị tăng thêm của ngành Thương mại - Dịch vụ (giá hiện hành) 12.593 tỷ đồng, đạt 98,69% kế hoạch, tăng 111,49% so với cùng kỳ năm 2021. Hoạt động thương mại, dịch vụ được phục hồi, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước thực hiện cả năm khoảng 30.898 tỷ đồng, đạt 108,45% kế hoạch và tăng 22,84% so với cùng kỳ. Hàng hóa lưu thông trên thị trường đa dạng, phong phú về chủng loại, giá cả hàng hóa ổn định, chất lượng đảm bảo. Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn được duy trì thực hiện có hiệu quả. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường. Kim ngạch xuất khẩu ước khoảng 320,8 triệu USD, đạt 118,81% kế hoạch và tăng 10,43% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu ước khoảng 6,6 triệu USD, đạt 100% kế hoạch và tăng 4,76% so với cùng kỳ. Đã chỉ đạo tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, phục hồi hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Qua đó, ngành du lịch của tỉnh đã có nhiều khởi sắc và tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó, đã tổ chức thành công Diễn đàn Du lịch Kon Tum “Tiềm năng và Triển vọng” và Hội nghị “Bàn về giải pháp phát triển sản phẩm du lịch liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2022”, gây ấn tượng trong lòng du khách. Ước cả năm 2022 thu hút được 1.100.000 lượt khách, đạt 122,22% kế hoạch và tăng gấp 03 lần so với cùng kỳ; tổng doanh thu ước đạt 265 tỷ đồng, đạt 106% kế hoạch và tăng hơn 03 lần so với cùng kỳ năm trước.
Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 16-5-2022 của Tỉnh ủy “về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án thu hút đầu tư để phù hợp với nhu cầu phát triển của tỉnh; xây dựng Hệ thống giám sát, theo dõi quản lý tiến độ dự án đầu tư của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh đã chủ động tiếp xúc, kêu gọi, làm việc với nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm đến nay, đã thu hút 19 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 1.655,6 tỷ đồng. Ngoài ra, đã thu hút một số nhà đầu tư có tiềm lực đến khảo sát và tìm kiếm cơ hội đầu tư như: Tập đoàn Sun Group, Nutifood, Hùng Nhơn, Công ty Cổ phần Him Lam... Tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cơ bản được duy trì. Ước cả năm thành lập mới 320 doanh nghiệp, đạt 103,23% kế hoạch và tăng 6,31% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký khoảng 6.350 tỷ đồng, đạt 116,30% kế hoạch và bằng 89,44% so với cùng kỳ. Nâng tổng số doanh nghiệp trên toàn tỉnh lên 3.947. Thành lập mới 48 hợp tác xã, đạt 160% kế hoạch và tăng 54,84% so với cùng kỳ, nâng tổng số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh lên 232 hợp tác xã; tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số tham gia hợp tác xã khoảng 17%, đạt 100% kế hoạch.
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được chỉ đạo triển khai kịp thời; đã tổ chức rà soát, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Kon Tum; trình Chính phủ thống nhất chủ trương và triển khai lập Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen, Quy hoạch chung thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông; lập và phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất 10/10 huyện, thành phố thời kỳ 2021-2030; hiện đang hoàn thiện Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh thời 2021-2025 để trình Trung ương thẩm định; đã hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Xây dựng thẩm định Đề án đề nghị công nhận thành phố Kon Tum là đô thị loại II. Hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư. Đến nay, tỷ lệ đô thị hóa đạt 38,26%, hệ thống đô thị cơ bản đảm bảo chất lượng phù hợp với loại đô thị và cấp quản lý hành chính đô thị; tỷ lệ dân cư đô thị sử dụng nước sạch đạt khoảng 91%, đạt 101,1% kế hoạch; tỷ lệ rác thải sinh hoạt (ở đô thị và nông thôn) được thu gom và xử lý đạt 83,33%, đạt 99,8% kế hoạch.
Công tác cải cách hành chính tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt. Đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường thu hút đầu tư và công bố xếp hạng chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh đối với các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố năm 2021; thành lập Ban chỉ đạo về Cải cách hành chính tỉnh, tiến hành kiểm tra đột xuất 58 cơ quan, đơn vị; qua đó, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục các hạn chế, yếu kém, xử lý các cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tiếp tục đẩy mạnh việc cung cấp, sử dụng Dịch vụ công trực tuyến phục vụ tổ chức, cá nhân giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn. Chỉ đạo quyết liệt công tác kiện toàn, sắp xếp, tổ chức lại các tổ chức hành chính thuộc và trực thuộc sở theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tổ chức lại một số đơn vị sự nghiệp. Đã thực hiện tinh giản biên chế với 57 trường hợp; tổ chức tốt kỳ thi tuyển dụng công chức các cơ quan, tổ chức hành chính cấp tỉnh, cấp huyện năm 2022; thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức hằng năm. Công tác kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường đối với một số cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh được tăng cường, đến nay, tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường đạt 84,6%, đạt 101,32% kế hoạch. Tỷ lệ xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đạt 66,7% đơn vị, đạt 103,76% kế hoạch.
Có thể nói, trong năm 2022, các cấp ủy, tổ chức đảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa và tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 03-12-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI “lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2022” và đạt được những kết quả quan trọng. Kinh tế phục hồi và phát triển, đa số các chỉ tiêu quan trọng của tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch./.
Trịnh Minh
Tin tức liên quan