Thứ 7, Ngày 27/04/2024 -

Đánh giá việc thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam
Ngày đăng: 20/12/2022  15:48
Mặc định Cỡ chữ
Sáng 20/12, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị đánh giá 5 năm triển khai, thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì hội nghị.

 

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum

 

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Y Ngọc - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở VH, TT&DL cùng các đơn vị trực thuộc.

 

Sau 5 năm triển khai, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Chiến lược, 12 ngành công nghiệp văn hóa (quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triểm lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa) đã đạt được một số thành tựu nhất định, đáng ghi nhận, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được Thủ tướng Chính phủ giao tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển 5/12 ngành công nghiệp văn hóa gồm: điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; quảng cáo; du lịch văn hóa; 7/12 ngành gồm: kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; xuất bản; thời trang; truyền hình và phát thanh giao cho các bộ, ngành liên quan phối hợp, triển khai, thực hiện.

 

UBND các tỉnh, thành phố tập trung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm, phát huy được lợi thế của ngành, lĩnh vực phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; đồng thời gắn liền quảng bá hình ảnh, con người Việt Nam góp phần bảo vệ và phát huy di sản văn hóa các dân tộc trong quá trình giao lưu hội nhập và hợp tác quốc tế. Nhiều dịch vụ, sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch văn hóa được hình thành, phát triển và trở thành các sản phẩm đặc sắc riêng của địa phương, góp phần tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp văn hóa.

 

Công tác thực hiện chính sách quan tâm, đãi ngộ đối với những người tham gia vào quá trình phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (người sáng tạo, các văn nghệ sỹ, nghệ nhân, diễn viên...) ngày càng được quan tâm, phát triển. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin từng bước được đẩy mạnh, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ cho các ngành công nghiệp văn hóa.

 

Phát triển công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, thu hút nguồn lực, tạo công ăn việc làm, phát huy lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy và đóng góp vào tăng trưởng của mỗi quốc gia. Đồng thời, công nghiệp văn hóa góp phần định vị thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế. Theo số liệu thống kê và đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tính đến năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đã đóng góp doanh thu khoảng 8,081 tỷ USD, tương đương 3,61% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

 

Tuy nhiên, với nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, kết quả triển khai, thực hiện Chiến lược vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế cần giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

 

Với những kết quả bước đầu đạt được, mục tiêu đến năm 2030, các ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 7% GDP, phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành công nghiệp văn hóa một cách bền vững, ứng dụng công nghệ tiên tiến; các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển và tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa toàn cầu. Các ngành công nghiệp văn hóa sẽ tăng trưởng mạnh, tạo ra hiệu quả kinh tế, thúc đẩy, quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam ra toàn thế giới.

 

Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ VH,TT&DL đề ra 08 nhóm nhiệm vụ trong thời gian tới: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách; Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức; Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức; Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ; Thu hút và hỗ trợ đầu tư; Thu hút và hỗ trợ đầu tư; Mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế; Bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan./.

 

Dương Nương