Thứ 5, Ngày 25/04/2024 -

Kết quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến tỉnh Kon Tum năm 2022
Ngày đăng: 02/02/2023  21:01
Mặc định Cỡ chữ
Phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số là nhiệm vụ chuyển đổi số trọng tâm của Chính phủ. Trong đó, triển khai cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) là một trong các nhiệm vụ cụ thể để xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.
Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Kon Tum

 

Năm 2022 các sở ban ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực thực hiện cung cấp DVCTT, tuyên truyền và hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng DVCTT để hoàn thành 05 nhóm chỉ tiêu đã được Chủ tịch UBND tỉnh giao từ đầu năm, gồm: Chỉ tiêu về cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; Chỉ tiêu, nhiệm vụ về cung cấp dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công của tỉnh; Chỉ tiêu về sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Chỉ tiêu về thanh toán trực tuyến; Chỉ tiêu về kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC).

 

Một số kết quả, tình hình thực hiện trong năm 2022

 

Đối với việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Văn phòng UBND tỉnh đã chủ trì, cung cấp, tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia 1.283 DVCTT  trên tổng số 1.765 thủ tục hành chính của tỉnh (đạt tỷ lệ 72%), đã đạt và vượt 0,2% so với chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ.

 

Đối với việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công của tỉnh,  các sở, ban ngành đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, nâng cấp danh mục DVCTT. Đã nâng tổng số DVCTT của tỉnh Kon Tum là 1.339 dịch vụ công/1.765 thủ tục hành chính và đã thực hiện đảm bảo chỉ tiêu 100% dịch vụ công đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

 

Đối với việc sử dụng DVCTT, tổng số hồ sơ giải quyết trực tuyến thông qua Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh trong năm đạt 12,14% trên tổng số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến và trực tiếp, cao gần 3 lần so với năm 2021 (năm 2021 đạt 4,6%). Tuy nhiên, còn nhiều đơn vị cấp huyện, cấp xã số lượng hồ sơ trực tuyến dưới 25%; nguyên nhân có nhiều TTHC không thể thực hiện dịch vụ công trực tuyến như lĩnh vực chứng thực, lĩnh vực đất đai.

 

Đối với thanh toán trực tuyến, trong đó việc thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục đất đai đối cấp tỉnh và cấp huyện có số lượng hồ sơ thanh toán trực tuyến 9.878/26.724 hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai đạt 36,96%, vượt chỉ tiêu đề ra (vượt 6,96%). Trong năm 2022 tổng số tiền thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính lĩnh vực đất đai của cá nhân, hộ gia đình là 23,36 tỷ đồng. Riêng thanh toán trực tuyến phí, lệ phí chưa đạt chỉ tiêu; nguyên nhân hiện nay 100% các đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã đã thực hiện thu phí, lệ phí tập trung tại quầy giao dịch của Bộ phận Một cửa bằng biên lai điện tử (cụ thể, tổng số tiền phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính được thanh toán bằng biên lai điện tử trên địa bàn tỉnh trong năm 2022  là hơn 22,2 tỷ đồng của tổng số 233.997 biên lai điện tử).

 

Đối với việc giải quyết hồ sơ TTHC, năm 2022 trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh tiếp nhận tổng số 279.889 hồ sơ. Trong đó số lượng hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn của hồ sơ đã giải quyết là 259.166 hồ sơ (đạt 96,8%).Trong đó, tại cấp tỉnh có tổng số hồ sơ tiếp nhận là 111.091 hồ sơ; số lượng hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn của hồ sơ đã giải quyết là 102.439 (đạt 97,57%); tại cấp huyện có tổng số hồ sơ tiếp nhận là 21.959 hồ sơ, số lượng hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn của hồ sơ đã giải quyết là 16.291 (đạt 95,48%); tại cấp xã có tổng số hồ sơ tiếp nhận là 146.839 hồ sơ, số lượng hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn của hồ sơ đã giải quyết là 140.906 (đạt 96,41%).

 

Đối với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh, đã được UBND tỉnh ban hành về Quy chế quản lý, vận hành; đã nâng cấp hệ thống đáp ứng yêu cầu số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và cơ bản hoàn thành việc thiết lập Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân; đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia và một số Bộ ngành Trung ương; hoàn thành việc kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin đảm bảo việc kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

 

Bên cạnh các kết quả đã đạt được và hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao như trên, còn lại đối với việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại 3 cấp trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 12,14%, nguyên nhân số lượng hồ sơ TTHC của cấp xã chiếm khoảng 50% hồ sơ toàn tỉnh (146.839/279.889 hồ sơ toàn tỉnh) chủ yếu ở lĩnh vực hộ tịch, chứng thực là các hồ sơ chủ yếu thực hiện trực tiếp; cấp huyện, cấp tỉnh chủ yếu ở lĩnh vực đất đai, đăng ký biện pháp bảo đảm (76.131/279.889 hồ sơ) chiếm 27,2% là các hồ sơ yêu cầu có chứng từ, giấy tờ gốc khi thực hiện TTHC. Ngoài ra, do nhu cầu sử dụng bằng hình thức DVCTT của người dân, doanh nghiệp chưa thật sự cao, do đó việc thực hiện thanh toán trực tuyến phí, lệ phí giải quyết TTHC chỉ thực hiện được rất ít và việc sử dụng dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính còn thấp.

 

Một số công việc trọng tâm năm 2023 và thời gian đến

 

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC hành chính tại 03 cấp trên địa bàn tỉnh. Triển khai có hiệu quả nhiệm vụ tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu dân cư giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện TTHC.

 

Tiếp tục thực hiện Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử. Triển khai rà soát danh mục DVCTT toàn trình, DVCTT một phần để hướng tới người dân, doanh nghiệp sử dụng DVCTT thực sự hiệu quả trên địa bàn tỉnh Kon Tum để góp phần cùng cả nước phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số.

 

Đình Trung