Chủ nhật, Ngày 18/05/2025 -
![]() |
Chiến sĩ Đồn Biên phòng Đăk Blô giúp dân phát triển kinh tế |
Toàn tỉnh có 292,522 km đường biên giới (giáp Lào 154,222 km, giáp Campuchia 138,3km). Dọc tuyến biên giới có 13 xã, thuộc 4 huyện: Đăk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy và Ia H’Drai.
Đối với mô hình “Đưa đảng viên đội công tác địa bàn đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn (làng) và kết nghĩa giúp các hộ gia đình khó khăn trên khu vực biên giới vươn lên thoát nghèo”. Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai, phân công đảng viên đội công tác địa bàn của các Đồn Biên phòng xuống trực tiếp tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn (làng) biên giới, đồng thời kết nghĩa với các hộ gia đình nghèo trong thôn (làng) để tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ họ từng bước thay đổi nhận thức, tích cực sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế, biết tích lũy tài sản. Mô hình đã giúp cấp ủy, chi bộ thôn (làng) hoạt động có nền nếp, hiệu quả hơn. Hiện có 80 đảng viên tham gia sinh hoạt tại 71 chi bộ thôn (làng) và kết nghĩa với 122 hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, năm 2022 đã giúp 20 hộ gia đình vươn lên thoát nghèo.
Triển khai Mô hình “Hỗ trợ bò giống sinh sản giúp hộ nghèo trên khu vực biên giới”, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh trích từ nguồn quỹ vốn của đơn vị và kêu gọi nguồn lực từ các cơ quan, ban ngành, đơn vị kết nghĩa, nhà hảo tâm để mua bò giống; đồng thời chỉ đạo các đồn Biên phòng, lựa chọn từ 1 đến 2 cặp giống trong đàn bò của đơn vị, hỗ trợ hộ gia đình nghèo trên địa bàn biên giới. Đến nay mô hình đã phát triển lên 138 con với 83 hộ nghèo được thụ hưởng.
Mô hình “Phân công sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp là người dân tộc thiểu số kết nghĩa giúp đỡ các hộ gia đình người dân tộc thiểu số nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên khu vực biên giới tỉnh Kon Tum”. BĐBP tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai, hướng dẫn các đồn Biên phòng lựa chọn những sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp là người DTTS của đơn vị có năng lực, trách nhiệm, phân công kết nghĩa với hộ gia đình người DTTS nghèo trên địa bàn để thông qua đó hỗ trợ, giúp đỡ các hộ gia đình từng bước vươn lên thoát nghèo. Năm 2022 có 52 đồng chí sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp là người DTTS kết nghĩa giúp đỡ 64 hộ gia đình người DTTS nghèo trên khu vực biên giới, đã giúp đỡ được 18 hộ gia đình vươn lên thoát nghèo.
Mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”, “Mẹ đỡ đầu”; Chương trình “Nâng bước em đến trường”. Theo kế hoạch của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, các đồn Biên phòng đã lựa chọn, giúp đỡ các học sinh ý chí vươn lên trong học tập, mồ côi cha, mẹ không nơi nương tựa hoặc có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ không được đến trường để đưa về đồn nhận làm con nuôi, nuôi ăn học đến hết lớp 12 hoặc hỗ trợ với mức 500.000 đồng/cháu/tháng để các cháu trang trải chi phí học tập, sinh hoạt. Hiện nay BĐBP tỉnh đang nhận nuôi 15 cháu theo mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”, 01 cháu theo mô hình “Mẹ đỡ đầu” và 74 cháu theo chương trình “Nâng bước em đến trường”, tổng kinh phí mỗi năm trên 408 triệu đồng. Năm 2022 có 02 cháu đỗ Đại học, 01 cháu đỗ Cao đẳng.
Đối với Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Từ chủ trương của Bộ Tư lệnh và Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp với Hội LHPN tỉnh phát động triển khai chương trình; đồng thời huy động sự vào cuộc của Hội LHPN Hà Nội, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bến Tre và Ban GĐ&XH Trung ương Hội LHPN Việt Nam. Năm 2022, chương trình đã huy động nguồn lực hỗ trợ xây 07 căn nhà “Mái ấm tình thương”, 14 mô hình sinh kế, 184 suất quà hỗ trợ cho hội viên phụ nữ nghèo và các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, 02 máy vi tính, 20 bồn nước và 01 giếng nước tổng trị giá 758 triệu đồng và tổ chức 04 buổi truyền thông thu hút trên 1.350 hội viên phụ nữ tham gia.
Mô hình “Đảng viên đồn Biên phòng phụ trách hộ gia đình trên khu vực biên giới”. Các Đồn Biên phòng phân công đảng viên trong đơn vị (từ chỉ huy đồn đến cán bộ, nhân viên) mỗi đảng viên nhận phụ trách, giúp đỡ ít nhất từ 3 đến 5 hộ nghèo trên địa bàn để thường xuyên tuyên truyền, động viên, hướng dẫn, giúp đỡ họ phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, có 288 đảng viên đồn Biên phòng phụ trách, giúp đỡ 968 hộ gia đình nghèo trên khu vực biên giới, đã giúp đỡ được 142 hộ gia đình vươn lên thoát nghèo.
Mô hình “Trồng lúa nước 2 vụ”; “Trồng Sâm dây, Bời lời”; “Nuôi heo sọc dưa”; “Nuôi gà vịt bán công nghiệp”. Căn cứ vào điều kiện thổ nhưỡng từng địa bàn các Đồn Biên phòng sẽ triển khai các mô hình sản xuất, chăn nuôi phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao; qua đó, để vừa tuyên truyền, vận động vừa hướng dẫn, giúp đỡ người dân phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, đã phát triển, nhân rộng hiệu quả các mô hình lúa nước 2 vụ tại xã Đăk Plô (Đăk Glei), Sa Loong (Ngọc Hồi), Mô Rai (Sa Thầy); Trồng Sâm dây tại xã Đăk Plô, Đăk Nhoong (Đăk Glei); Nuôi heo sọc dưa tại xã Đăk Long (Đăk Glei), Sa Loong (Ngọc Hồi), Ia Dom, Ia Tơi (Ia H’Drai) giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.
Dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai, chỉ đạo, hướng dẫn các Đồn Biên phòng lựa chọn giúp đỡ các cháu học sinh có ý chí vươn lên trong học tập, mồ côi cha, mẹ không nơi nương tựa hoặc có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn có nguy cơ không được đến trường; hỗ trợ trong năm học với số tiền 7.400.000 đồng/cháu để trang trải chi phí sinh hoạt, học tập và đi lại. Hiện nay BĐBP tỉnh đang nhận hỗ trợ 200 cháu với tổng kinh phí mỗi năm 1 tỷ 480 triệu đồng.
Mô hình “Cán bộ Đoàn Đồn Biên phòng kiêm nhiệm chức danh Phó Bí thư Đoàn xã biên giới”. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp với Tỉnh Đoàn Kon Tum xây dựng kế hoạch triển khai tại các xã biên giới trên địa bàn tỉnh. Hiện có 12 cán bộ biên phòng tham gia trên 13 xã biên giới. Mô hình đã góp phần củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đoàn vững mạnh, góp phần tích cực đến việc phát triển công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trên địa bàn dân cư các xã biên giới; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đoàn cơ sở.
Mô hình “Tay kéo biên phòng” được Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai, hướng dẫn các Đồn Biên phòng lựa chọn những chiến sĩ có năng khiếu, thành lập tổ cắt tóc “Tay kéo biên phòng” để cắt tóc miễn phí cho người dân nghèo, các cháu học sinh trên khu vực biên giới vào ngày nghỉ, giờ nghỉ. Hàng năm tổ chức cắt tóc cho khoảng 16.000 lượt người dân, qua đó tạo sự gần gũi, xây dựng tinh thần đoàn kết, gắn bó, thắm tình quân dân.
Mô hình “Đồn Biên phòng kết nghĩa với xã biên giới”. Thực hiện Quy chế phối hợp giữa Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh với Huyện ủy, UBND 04 huyện biên giới: Đăk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Ia H’Drai và Kết luận của Thường trực Tỉnh ủy sau đợt công tác của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thăm, làm việc với các xã biên giới, các đồn Biên phòng trên địa bàn tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức kết nghĩa giữa 16 Đồn Biên phòng với UBND 13 xã biên giới, góp phần tăng cường hơn mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa Đồn Biên phòng với chính quyền địa phương; hỗ trợ, giúp đỡ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia và phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống Nhân dân, xây dựng nông thôn mới…
Nhìn chung, các mô hình, dự án, chương trình, phần việc được cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai trên dọc dài tuyến biên giới đã mang lại hiệu quả to lớn, thiết thực trong tăng cường mối quan hệ quân, dân; phát triển kinh tế, xã hội cho nhân dân biên giới; giữ vững đường biên, cột mốc và trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới. Từ hiệu quả mang lại, các mô hình đã và đang được nhân rộng, tạo sức lan tỏa sâu rộng, giúp người dân nơi đây từng bước chuyển đổi nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chăm chỉ lao động sản xuất, xoá bỏ hủ tục, tập tục lạc hậu, vươn lên xây dựng đời sống mới ấm no, hạnh phúc./.
Dương Nương
Tin tức liên quan