Thứ 7, Ngày 26/04/2025 -

Giải pháp phát triển GD-ĐT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Ngày đăng: 14/03/2023  09:38
Mặc định Cỡ chữ
Với mục tiêu tiếp tục thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng gắn với việc triển khai thực hiện đổi mới sách giáo khoa, chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Kon Tum, ngành GD-ĐT tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 

Ảnh minh họa

 

Mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2030:

 

Giáo dục mầm non: Đối với trẻ em, có ít nhất 25% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 95% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được đến cơ sở giáo dục mầm non, trong đó có 60% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ phù hợp theo độ tuổi; có ít nhất 80% các huyện, thành phố tập trung đông trẻ em người DTTS có mô hình về tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ; 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non phù hợp với điều kiện vùng miền, dân tộc và đặc điểm riêng của trẻ.

 

Đối với giáo viên: Bảo đảm định mức giáo viên/nhóm, lớp theo quy định. Đối với cơ sở giáo dục mầm non: Phấn đấu xóa bỏ 100% phòng học nhờ, phòng học tạm; xây mới trường học theo dự báo quy hoạch mạng lưới trường lớp mầm non của các địa phương; bổ sung đủ bộ đồ chơi ngoài trời, bộ đồ chơi trong lớp cho trường học mới và phòng học mới do tăng quy mô.

 

Giáo dục phổ thông: Đối với giáo dục tiểu học: Trên 80% cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia; Đối với giáo dục trung học: Trên 65% trường THCS, THPT đạt chuẩn quốc gia. Duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông; trên 45% học sinh DTTS tốt nghiệp THCS, THPT chuyển sang học nghề; trên 85% học sinh DTTS tốt nghiệp THPT tham gia học đại học và cao đẳng, trung cấp hoặc đào tạo nghề; duy trì và giữ ổn định tỉ lệ học sinh DTTS tốt nghiệp THPT toàn tỉnh đạt 95% trở lên, trong đó học sinh DTTS tốt nghiệp chương trình giáo dục THPT đạt 97%.

 

Giáo dục thường xuyên: Đổi mới công tác quản lý; đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, giám sát theo hướng đẩy mạnh phân cấp quản lý, tăng quyền tự chủ của các đơn vị gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Tăng cường phối hợp, liên kết giữa các ngành, tổ chức, đơn vị, cơ sở giáo dục, cơ sở văn hóa thể thao để tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng thiết thực, hiệu quả gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường tổ chức các lớp phổ biến kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ và xóa mù chữ gắn với dạy nghề truyền thống, dạy nghề ngắn hạn.

 

Giáo dục đại học, cao đẳng: Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh có 01 trường Đại học đa ngành nghề cùng với Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum đảm bảo về cơ cấu đội ngũ và chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất hiện đại đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực tại địa phương. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội địa phương.

 

Nhiệm vụ, giải pháp GD-ĐT đến năm 2030, tầm nhìn 2045:

 

Về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo: Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, Chương trình số 53-CTr/TU, trên cơ sở rà soát; sắp xếp lại đội ngũ một cách hợp lý, có điều kiện tốt và tạo động lực để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Từng bước đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực để phát triển giáo dục tại các vùng có điều kiện thuận lợi, đặc biệt là giai đoạn 2026-2030.

 

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu tại Kế hoạch số 3732/UBND-KTTH ngày 18/10/2021 về sắp xếp giai đoạn 2 (2021-2025) và giai đoạn 3 (2025-2030) Đề án sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ngành GD-ĐT tỉnh xác định 3 giai đoạn thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW gồm 2017-2021, 2021-2025 và 2025-2030; phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh giảm từ 409 trường mầm non, phổ thông công lập xuống còn 291 trường công lập.

 

Đến năm 2045, mạng lưới cơ sở giáo dục phù hợp với quy mô dân số, tăng số cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập nhằm đáp ứng nhu cầu của học sinh. Xây dựng trường THPT chuyên với quy mô 2.000 học sinh.

 

Về điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo: Tham mưu chỉ đạo rà soát việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng giáo viên hợp lý, hiệu quả; đồng thời có biện pháp lâu dài để quy hoạch, tuyển dụng và bố trí đủ giáo viên dạy đúng và đủ các môn học, bảo đảm giáo dục toàn diện học sinh; khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Thực hiện các giải pháp để đảm bảo đội ngũ giáo viên Tiếng Anh, Tin học, Công nghệ, giáo viên dạy tiếng DTTS, giáo viên các môn nghệ thuật. Chủ động nguồn tuyển dụng giáo viên thông qua hình thức đào tạo mới theo địa chỉ, đào tạo liên thông; đào tạo nâng trình độ chuẩn và một số giải pháp khác phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

 

Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu của trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo; khắc phục và tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề về giáo dục và đào tạo mà xã hội quan tâm; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, dân chủ, kỷ cương, nền nếp trong các nhà trường; bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và vệ sinh an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; chú trọng công tác giáo dục thể chất, y tế trường học; xây dựng văn hóa học đường, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh.

 

Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý là then chốt; đổi mới công tác quản lý nhà nước về biên chế, tuyển dụng, sử dụng, đánh giá đội ngũ giáo viên; bố trí đội ngũ đảm bảo đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, tinh gọn, hiệu quả. Tổ phương pháp lưu động các cấp (cấp tỉnh, huyện) tiếp tục xây dựng kế hoạch hỗ trợ các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thực hiện CTGDPT. Triển khai, đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng và phát huy hiệu quả các chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cán bộ quản lý và giáo viên công tác vùng DTTS và học sinh, đặc biệt là học sinh DTTS.

 

Triển khai thực hiện các giải pháp nhằm duy trì vững chắc và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục. Triển khai thực hiện tốt Kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (trong đó quan tâm chỉ đạo việc củng cố, nâng cao các tiêu chuẩn để giữ vững trường đạt chuẩn quốc gia).

 

Về chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên: Tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội thực hiện xã hội hóa việc đầu tư cơ sở vật chất, trang bị thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, mở rộng và đầu tư thêm một số hạng mục phục vụ trẻ theo nhu cầu đặt hàng của cha mẹ trẻ, nhằm đảm bảo mục tiêu kế hoạch chiến lược của nhà trường. Đảm bảo định biên số trẻ/lớp theo quy định Điều lệ trường mầm non; tổ chức đa dạng hình thức bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng, nhu cầu của trẻ; áp dụng công nghệ tiên tiến đánh giá, điều chỉnh bữa ăn của trẻ và thực hiện mô hình theo phương pháp giáo dục tiên tiến.

 

Thực hiện đổi mới đánh giá học sinh: Các cơ sở giáo dục thường xuyên kiểm tra, tư vấn việc đánh giá học sinh, coi trọng việc đánh giá thường xuyên trực tiếp trong quá trình dạy học nhằm giúp học sinh phát huy hết các ưu điểm đồng thời khắc phục những hạn chế nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

 

Thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh đã được chú trọng triển khai, vận dụng phù hợp những thành tố tích cực của các mô hình, phương thức giáo dục tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đặc biệt là đổi mới tổ chức hoạt động giáo dục trên lớp; triển khai giáo dục STEM, STEAM trong giáo dục phổ thông; tăng cường tổ chức thực hành trải nghiệm, tích hợp nội dung giáo dục địa phương, vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống, tăng cường đổi mới phương pháp giảng dạy, đa dạng hóa các hình thức học tập, chú ý các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

 

Chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học, đổi mới phương pháp giảng dạy trong nhà trường, tăng cường những kiến thức thực hành ứng dụng trong thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của từng học sinh; phát triển chuyên môn chất lượng cao; đào tạo giáo viên với những kỹ năng mới.

 

Triển khai xây dựng và thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo; khai thác có hiệu quả kho học liệu số; tăng cường các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học trực tuyến.

 

Về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực: Mở rộng và phát triển quy mô, mở mới một số ngành, nghề đào tạo: tăng quy mô đào tạo, mở mới ngành, nghề đào tạo đáp ứng yêu cầu của xã hội; phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao; mở rộng liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học có uy tín, chất lượng. Nâng cao chất lượng đào tạo: xây dựng, thường xuyên cập nhật chương trình, giáo trình đào tạo; nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp so với nhập học đầu khóa; giảm thiểu học sinh, sinh viên bỏ học; nâng cao chất lượng công tác giới thiệu cơ hội việc làm cho người học. Đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho người học: Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp; hỗ trợ nguồn vốn cho các chương trình, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên. Mở rộng quan hệ hợp tác sâu rộng với các đối tác trong và ngoài nước: Mở rộng quy mô hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và doanh nghiệp; đa dạng hóa nội dung, hình thức hợp tác.

 

Toàn tỉnh hiện có 359 trường mầm non và phổ thông, trong đó có 133 trường mầm non (110 trường mầm non công lập và 23 trường mầm non ngoài công lập), 91 trường tiểu học, 56 trường tiểu học và THCS, 54 trường THCS, 25 trường THPT và 753 điểm trường lẻ.

 

Ngoài ra, còn có 11 cơ sở đào tạo (Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, Trung tâm GDTX tỉnh, 08 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện), 102 Trung tâm học tập cộng đồng; hệ thống các trung tâm ngoại ngữ, trung tâm giáo dục kỹ năng ngoài công lập.

 

Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 166.769 học sinh, tăng 3.000 học sinh so với cùng kỳ năm học 2021-2022; trong đó, có 96.006 trẻ em, học sinh người DTTS. Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi được duy trì và giữ vững; công tác phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và xóa mù chữ được duy trì và nâng cao. Đến cuối năm 2022, có 189 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó: 59 trường mầm non, đạt 44,4% (chỉ tiêu 44%); 66 trường tiểu học đạt 72,5% (chỉ tiêu 67%); 51 trường THCS, đạt 46,4% (chỉ tiêu 45%) và 13 trường THPT, PTDTNT, đạt 50% (chỉ tiêu 50%). Toàn ngành có 11.863 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; trong đó, cán bộ quản lý có 929 người, giáo viên 9.476 người, nhân viên 1.458 người.

 

Nhìn chung, quy mô mạng lưới trường lớp được sắp xếp tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được bồi dưỡng đào tạo từng bước đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo./.

 

Dương Nương