Thứ hai, Ngày 28/04/2025 -

Nâng cao hiệu quả triển khai Nghị định số 28/2022/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh
Ngày đăng: 16/03/2023  08:53
Mặc định Cỡ chữ
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Thời gian qua, HĐND tỉnh đã ban hành các Nghị quyết; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch, văn bản chỉ đạo; các sở, ngành liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện.

 

Kon Tum là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, nằm ở Bắc Tây Nguyên, có tổng diện diện tích tự nhiên gần 10.000 km2, chiếm khoảng 17,7% diện tích Tây Nguyên. Tỉnh Kon Tum có 09 huyện, 01 thành phố với 102 xã, phường, thị trấn; trong đó, toàn tỉnh có 92 xã, phường, thị trấn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; 13 xã biên giới; 03 huyện nghèo. Dân số toàn tỉnh đến cuối năm 2022579.914 người; dân tộc thiểu số có 312.430 người chiếm 54,93%. Tổng số hộ nghèo đến cuối năm 2022 là 15.943 hộ, chiếm tỷ lệ 10,86% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số là 15.215 hộ, chiếm 95,43% so với tổng số hộ hộ nghèo; hộ cận nghèo 8.857 hộ, chiếm tỷ lệ 6,03% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh.

 

Nghị định số 28/2022/NĐ-CP quy định cụ thể về cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở; cho vay hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý; cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề và cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Trong đó, đối tượng vay vốn hỗ trợ đất ở, nhà ở bao gồm: Hộ nghèo dân tộc thiểu số; hộ nghèo dân tộc Kinh cư trú hợp pháp ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vay vốn để sử dụng vào việc trang trải chi phí để có đất ở, chi phí xây mới hoặc sửa chữa, cải tạo nhà ở. 

 

Gói chính sách tín dụng theo Nghị định số 28 cũng quy định mức vay tối đa đối với đất ở không quá 50 triệu đồng, nhà ở không quá 40 triệu đồng với mức lãi suất ưu đãi 3%/năm. Vay hỗ trợ đất sản xuất tối đa 77,5 triệu đồng/hộ; vay hỗ trợ chuyển đổi nghề tối đa bằng mức cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh đối với hộ nghèo (hiện nay là 100 triệu đồng/hộ) với lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo (lãi suất cho vay hộ nghèo hiện nay là 6,6%/năm)…

 

Để chính sách hỗ trợ đến với đúng đối tượng thụ hưởng theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 2645/UBND-KTTH ngày 15/8/2022 rà soát và phê duyệt danh sách các đối tượng thụ hưởng chính sách cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề; Văn bản số 2844/UBND-KGVX ngày 29/8/2022 triển khai thực hiện một số dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.

 

Kết quả, năm 2022 doanh số cho vay đạt gần 71 tỷ đồng, với 1.500 hộ được tiếp cận nguồn vốn; doanh số thu nợ 80 triệu đồng. Dư nợ đến 31/12/2022 đạt gần 71 tỷ đồng, với hơn 1.500 hộ đang còn dư nợ. Trong đó, cho vay hỗ trợ đất ở 03 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ nhà ở hơn 48 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ đất sản xuất gần 06 đồng; cho vay hỗ trợ chuyển đổi nghề hơn 13 tỷ đồng. Năm 2023, doanh số cho vay đạt 320 triệu đồng, với 08 lượt hộ vay vốn. Dư nợ đến 31/01/2023 đạt hơn  71 tỷ đồng, với hơn 1.500 hộ đang còn dư nợ.

 

Có thể thấy Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ chính là “Phao cứu sinh” đem lại hiệu quả thiết thực, giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, làm nhà ở, vươn lên thoát nghèo, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội từng bước nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục rà soát đối tượng thụ hưởng để giải ngân kịp thời nguồn vốn đến người thụ hưởng; tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng ưu đãi đến các cấp ngành và người dân trên địa bàn tỉnh được biết chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP./.

 

Lê Hằng