Thứ 4, Ngày 24/04/2024 -

Sở KH&CN: Triển khai Kế hoạch 551 và Chỉ thị 05 của UBND tỉnh về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu
Ngày đăng: 30/03/2023  10:11
Mặc định Cỡ chữ
Sở KH&CN vừa có kế hoạch 23/KH-SKHCN ngày 27/3 về việc thực hiện Kế hoạch số 551/KH-UBND ngày 06/3/2023 của UBND tỉnh triển khai thực hiện các kiến nghị và giải pháp khắc phục các hạn chế trong công tác đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu; Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 07/3/2023 của UBND tỉnh về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh.

 

Theo đó, trên cơ sở kết quả đề tài “Đánh giá khả năng thích nghi và đề xuất các giải pháp sử dụng đất hợp lý trên các dạng lập địa trồng cây dược liệu chính trên địa bàn tỉnh Kon Tum” do Viện Nông hoá Thổ nhưỡng chủ trì thực hiện, phối hợp  với Sở NN&PTNT (cơ quan chủ trì triển khai thực hiện) tiến hành khoanh vẽ xác định vùng trồng dược liệu tập trung đủ nguyên liệu phục vụ nhu cầu chế biến dược liệu theo hướng công nghiệp.

 

Đến nay đã tổ chức cài đặt, tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm bản đồ, đồng thời đã tổ chức bàn giao toàn bộ kết quả nghiên cứu cho Sở NN&PTNT, 10 huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan để triển khai ứng dụng, phục vụ công tác lập quy hoạch, kế hoạch phát triển dược liệu.

 

Theo đó, kết quả nghiên cứu của đề tài đã  tổng hợp, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đất tại các vùng trồng cây dược liệu tỉnh Kon Tum; đánh giá mức độ thích hợp đất đai cho 27 loại cây dược liệu của tỉnh; xây dựng bản đồ mức độ thích hợp đất đai cho 27 cây dược liệu chính tỉnh Kon Tum; xây dựng bản đồ quy hoạch vùng trồng cây dược liệu tỉnh Kon Tum, tỷ lệ 1/25.000; đề xuất các giải pháp quy hoạch, sử dụng đất trồng cây dược liệu chính trên địa bàn tỉnh.

 

Đối với các huyện, thành phố đã phối hợp Viện thổ nhưỡng Nông hóa hỗ trợ tách bản đồ thích nghi của các loài dược liệu để chuyển giao, cài đặt cho 10 huyện, thành phố. Cho đến nay, các đơn vị đã đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ trong công tác quản lý.

 

Ngoài ra, phối hợp với Sở NN&PTNT hướng dẫn quy trình, thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” đối với sản phẩm sâm củ theo quy định. Rà soát, tham mưu đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh”, nhãn hiệu Sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác tại thị trường nước ngoài để phục vụ xuất khẩu. Triển khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” đối với sản phẩm sâm củ cho các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện. Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dược liệu (nhất là đối với Sâm Ngọc Linh Kon Tum) công bố chất lượng, đăng ký mã số, mã vạch, kiểu dáng sản phẩm, tên thương mại

 

Kịp thời thông tin rộng rãi kết quả nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ (sau khi nghiệm thu) liên quan đến lĩnh vực đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu để các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân biết, đăng ký tiếp nhận và tổ chức bàn gian kết quả nhiệm vụ để tổ chức, cá nhân tiếp nhận, triển khai ứng dụng, nhân rộng trong thực tiễn sản xuất và đời sống.

 

Tăng cường liên kết, phối hợp với các Viện, Trung tâm nghiên cứu để triển khai thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ về dược liệu; nghiên cứu chọn giống dược liệu mới có năng suất và chất lượng cao, đặc tính tốt, phù hợp với từng vùng sinh thái của tỉnh.

 

Phối hợp với Sở Y tế, Hội Dược liệu tỉnh tuyên truyền, quảng bá chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận đã được bảo hộ nhằm nâng cao uy tín, giá trị của các sản phẩm dược liệu (Sâm Ngọc Linh, Đảng sâm, Đương quy, lan Kim tuyến, nấm Linh chi, Ngũ vị tử, Sa nhân tím, Ý dĩ, Đinh lăng, Nghệ vàng Kon Tum… ).

 

Dương Nương