
|
Người dân làng Măng Mô, xã Măng Cành, huyện Kon Plông thu hoạch sâm đương quy
|
Cuối năm 2017, được sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình anh A Thing ở thôn Măng Mô, xã Măng Cành, huyện Kon Plông đã mạnh dạn phá bỏ diện tích rẫy mì để trồng 02 sào đương quy theo đề án phát triển cây dược liệu của huyện. Theo đó, anh được hỗ trợ 8.000 cây giống đương quy cho mỗi sào, hỗ trợ thêm phân bón và tham gia các lớp tập huấn trồng, chăm sóc đương quy. Sau 01 năm chuyển đổi sang trồng cây dược liệu, gia đình anh đã có thể thu hoạch và hiện tại đang thu bán cho các thương lái với mức giá từ 40.000 đồng đến 60.000 đồng/kg.
Anh A Thing – thôn Măng Mô, xã Măng Cành, huyện Kon Plong cho hay: Trước kia gia đình chỉ trồng mỳ thôi, được Nhà nước quan tâm hỗ trợ trồng sâm gia đình mừng lắm. Ngày trước trồng mỳ 1 sào chỉ thu được trên 500.000 đồng, nay trồng sâm đương quy thu được 30-40 triệu đồng/sào. Gia đình phấn khởi lắm.Gia đình mình đang tính có tiền sẽ mua thêm cây giống để mở rộng diện tích để tăng thu nhập cho gia đình.
Ban đầu, khi được vận động tham gia đăng ký hỗ trợ trồng cây dược liệu thay thế cho cây mỳ, chị Y Rá, ở cùng thôn Măng Mô, xã Măng Cành còn dè dặt, không dám trồng nhiều, chỉ trồng thử khoảng 300m2 xung quanh vườn nhà vào cuối năm ngoái. Bây giờ, được thương lái tới thu mua đương quy, chị rất vui vì có thể bán với mức giá cao gấp nhiều lần so với mỳ hay bắp. Chị cho biết “năm sau sẽ tiếp tục chuyển đổi hết diện tích được hỗ trợ để trồng dược liệu. Cây đương quy trồng, chăm sóc dễ, cho hiệu quả kinh tế cao. Gia đình sẽ cố gắng làm ăn để nhanh chóng thoát nghèo”.
Trong năm 2018, toàn xã Măng Cành đã có thêm 34 hộ đăng ký tham gia đề án hỗ trợ trồng và phát triển cây dược liệu đương quy với diện tích là 01ha. Các đối tượng là hộ nghèo trên địa bàn, được hỗ trợ trồng 05 sào dược liệu, phân bón và tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Kinh phí thực hiện nằm trong mức hỗ trợ 25 triệu đồng/hộ gia đình theo giai đoạn. Đối với điều kiện thổ nhưỡng của xã Măng Cành, thì đương quy được xác định là cây dược liệu phù hợp để phát triển.
Ngoài ra, tại một số xã trên địa bàn huyện, bà con còn tận dụng trồng xen canh với các cây trồng khác như cà phê trong 02 năm đầu, lấy ngắn nuôi dài, đảm bảo có nguồn thu nhập hàng năm. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình sau khi được nhà nước hỗ trợ trồng năm đầu tiên, có nguồn thu ban đầu đã nằm trong danh sách hộ thoát nghèo. Nhiều hộ gia đình còn chủ động tự ươm giống, chuyển đổi diện tích cây trồng truyền thống như cây mì, cây bắp sang trồng cây dược liệu, vừa ít tốn công chăm sóc, lại có thể thu hoạch nhanh chóng.
“Từ kết quả của người dân sản xuất, chúng tôi thấy mức thu nhập thấp nhất của các hộ dân ở trên địa bàn khi trồng đảng sâm và đương quy có mức từ 100 – 200 triệu đồng/01ha/01 năm sau khi đã trừ đi các chi phí. Đối với những hộ mà canh tác đúng theo quy trình kỹ thuật thì thu nhập này còn cao hơn rất nhiều” - Ông Trương Ngọc Tuyền – Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kon Plông cho biết.
Mô hình phát triển cây dược liệu đã được huyện Kon Plông trồng thử nghiệm từ năm 2015, dựa vào điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết và phong tục tập quán canh tác của bà con để lựa chọn phát triển các loại cây dược liệu phù hợp với từng vùng. Đối với các tiểu vùng khí hậu nóng thuộc các xã Ngọc Tem, Đăk Hring, Đăk Nên thì phù hợp với cây đinh lăng, sa nhân, nghệ đỏ. Còn đối với 06 xã thuộc vùng khí hậu lạnh thì phát triển cây đương quy, hồng đẳng sâm. Sau hơn 02 năm triển khai thực hiện, các loại cây dược liệu này đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực của huyện, mang lại giá trị kinh tế cao, có thể xóa nghèo một cách nhanh chóng và bền vững.
Thị trường đầu ra của sản phẩm cũng là một yếu tố quan trọng trong đề án hỗ trợ, phát triển cây dược liệu. Hiện nay, trên địa bàn huyện Kon Plông có 04 doanh nghiệp, HTX cam kết bao tiêu sản phẩm, thực hiện theo chuỗi giá trị từ cung ứng giống, vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm.
 |
Cán bộ kỹ thuật phòng Nông nghiệp kiểm tra kỹ thuật trồng sâm đương quy
|
Tính đến cuối năm 2018, tổng diện tích hỗ trợ sản xuất phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện là hơn 91ha, với hàng trăm hộ tham gia. Nguồn vốn thực hiện được lồng ghép từ các Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nguồn vốn sự nghiệp kinh tế của địa phương, của tỉnh và từ các doanh nghiệp đầu tư, phát triển cây dược liệu theo chuỗi giá trị. Hiện nay, các hộ tham gia bước đầu có thu nhập cơ bản.
Ông A Xinh – Phó Chủ tịch UBND xã Măng Cành, huyện Kon Plông nói: “Trong thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con trồng, tăng thêm diện tích cây đương quy; xã hỗ trợ bà con thuộc đối tượng hộ nghèo về giống cây, phân bón, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây đương quy, còn các đối tượng khác thì vận động tự mở rộng diện tích trồng cây dược liệu”.
Với mục tiêu cùng với kinh tế nông nghiệp, phát triển dược liệu trở thành thành phần kinh tế mũi nhọn của huyện, góp phần tăng trưởng kinh tế bền vững, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, trong thời gian tới, huyện Kon Plông tiếp tục xây dựng kế hoạch phát triển diện tích cây dược liệu theo đề án của tỉnh, trở thành một trong những vùng dược liệu trọng điểm của tỉnh, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng dược liệu trong và ngoài tỉnh.
Ông Trương Ngọc Tuyền – Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kon Plông cho biết thêm: “Định hướng đến năm 2020, huyện sẽ phát triển 100ha cây dược liệu, đặc biệt là chú trọng phát triển cây đảng sâm và cây đương quy. Thực hiện đề án của UBND tỉnh, huyện phấn đấu đến năm 2030 phát triển được 2.460ha cây dược liệu trên địa bàn. Ngoài ra, huyện sẽ tiến hành khoanh vùng các loại cây dược liệu ngoài tự nhiên để bảo tồn. Dự kiến đến năm 2030, sẽ bảo tồn được khoảng 800ha cây dược liệu tự nhiên, để bảo vệ nguồn gen, nhân giống mở rộng diện tích trồng dược liệu”./.
Bài, ảnh: A Lê Khăm