Thứ 7, Ngày 27/04/2024 -

Công tác bảo tồn, phục hồi, phát huy giá trị văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh
Ngày đăng: 21/06/2023  21:24
Mặc định Cỡ chữ
Kon Tum là một vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống với hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất phong phú, độc đáo, đặc trưng của các dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ; Văn hóa truyền thống các DTTS được lưu truyền và thực hành bằng hình thức truyền miệng thông qua việc tổ chức các lễ hội, nghi lễ tín ngưỡng, lễ hội cộng đồng… gắn liền với hoạt động sản xuất nương rẫy, với núi rừng tự nhiên và cộng đồng.

 

Ảnh minh họa

 

Theo thống kê, tỉnh Kon Tum có dân số trên 590 ngàn người, với 43 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm 54%, có 7 DTTS tại chỗ gồm: Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ - Triêng, Gia Rai, Hrê, Brâu và Rơ Măm; toàn tỉnh có 503 thôn (làng) đồng bào DTTS tại chỗ.

 

Điểm chung nhất của đồng bào các DTTS tại chỗ là lối sống gắn với núi rừng, nương rẫy, hoạt động sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên. Vì vậy, từ xa xưa đồng bào các DTTS đã tạo cho mình các loại hình sinh hoạt văn hóa tinh thần rất phong phú, đa dạng, mang đậm văn hóa núi rừng, nương rẫy và được gìn giữ và lưu truyền qua các thế hệ. Mỗi dân tộc đều có những nét văn văn hóa độc đáo, đặc trưng riêng với đầy đủ các loại hình như: tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; tập quán xã hội; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian.... Chính sự phong phú về văn hóa, sự đa dạng về thành phần dân tộc đã tạo cho mảnh đất Kon Tum có một nền văn hóa đa sắc màu.

 

Nhận thức được ý nghĩa, vai trò, giá trị của văn hóa truyền thống cũng như công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các DTTS, thời gian qua, các cấp, các ngành của tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể các DTTS trên địa bàn tỉnh.

 

UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai, như: Phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum giai đoạn 2020 - 2025”; Kế hoạch về bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum giai đoạn 2020 - 2030; Phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025”; Kế hoạch về bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị văn hóa nhà rông truyền thống các DTTS tại chỗ tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch tổ chức Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh Kon Tum; Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

 

Triển khai chỉ đạo của UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chủ động  triển khai công tác bảo tồn, phục hồi, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS trên địa bàn phù hợp với tình hình thực tiễn của đơn vị, địa phương; phân bổ nguồn lực, kế hoạch đầu tư công và các chương trình MTQG đối với các nội dung, dự án đầu tư có liên quan công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các DTTS bằng nhiều hình thức phù hợp nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và tạo sự chung tay của toàn xã hội trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; nâng cao ý thức tự quản lý, khôi phục, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; nâng cao năng lực cho lực lượng cán bộ văn hóa cơ sở trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống và phát huy hơn nữa vai trò của chủ thể văn hóa trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS.

 

Trong những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tuyền thống các DTTS trên địa bàn tỉnh đã được các cơ quan, địa phương chú trọng triển khai thực hiện và đạt những kết quả rất khả quan: Công tác nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng các loại hình văn hóa truyền thống tiêu biểu các DTTS được triển khai thực hiện (lễ hội truyền thống, nhạc cụ truyền thống, sưu tầm các hiện vật văn hóa vật thể phục vụ công tác trưng bày); Công tác trao truyền giá trị văn hóa truyền thống trong lớp trẻ được chú trọng nhằm tạo sự kế thừa và lan tỏa trong cộng đồng (tổ chức nhiều lớp truyền dạy về cồng chiêng, múa xoang; lớp truyền dạy nghề dệt, đan lát; về chế tác và diễn tấu nhạc cụ truyền thống; về dân ca, dân vũ); Thành lập các câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian, các đội nghệ nhân dân gian trong làng đồng bào DTTS; Triển khai công tác trang bị bộ cồng chiêng, trống cho các thôn (làng); Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ (Ngày hội văn hóa, thể thao các DTTS, Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh, Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh) nhằm giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa truyền thống các DTTS trên địa bàn tỉnh đến với bạn bè trong và ngoài nước, tạo sân chơi lành mạnh đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cho người dân...

 

Đến nay, tỉnh đang triển khai công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng truyền thống đối với 3 thôn (làng) đồng bào DTTS, gồm: Làng Bar Gốc, xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy; thôn Đăk Răng, làng Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi; thôn Vi Rơ Ngheo, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông; Trang bị 137 bộ cồng chiêng, trống cho các thôn đồng bào DTTS tại chỗ không có cồng chiêng; tổ chức 143 lớp truyền dạy kỹ năng, kỹ thuật diễn tấu cồng chiêng, múa (xoang) và các bài chiêng truyền thống cho các làng đồng bào DTTS tại chỗ; ngành Giáo dục và Đào tạo định kỳ tổ chức Hội thi cồng, chiêng, xoang cho học sinh các trường PTDTNT, PTDTBT trên địa bàn toàn tỉnh.

 

Triển khai công tác bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS, cơ quan chức năng và các địa phương đã triển khai công tác kiểm kê về trang phục truyền thống của 3/7 DTTS tại tỉnh (Ba Na, Gia Rai, Giẻ - Triêng); lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể về nghề dệt thủ công truyền thống, trang phục truyền thống các DTTS đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia (hiện nay, nghề dệt thủ công truyền thống, trang phục truyền thống của dân tộc Ba Na đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia); Tổ chức 10 lớp truyền dạy kỹ năng làm nghề dệt thổ cẩm truyền thống và trang phục truyền thống các DTTS; triển khai mặc trang phục truyền thống phù hợp và các ngày lễ, tết, ngày hội cho học sinh trường dân tộc nội trú, học sinh là người DTTS...; Tổ chức xuất bản các ấn phẩm sách, ảnh giới thiệu, quảng bá về trang phục truyền thống các DTTS trên địa bàn tỉnh (bước đầu đã xuất bản sách “Nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Ba Na tỉnh Kon Tum").

 

Trong công tác bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị văn hóa nhà rông truyền thống các DTTS tại chỗ của tỉnh, trong giai đoạn 2021 - 2023, các cơ quan, địa phương liên quan đã hỗ trợ xây dựng mới 2 nhà rông, hỗ trợ sửa chữa 14 nhà rông. Toàn tỉnh hiện có 409 làng có nhà rông với 434 nhà rông (182 nhà rông làm bằng vật liệu truyền thống, 252 nhà rông làm bằng vật liệu bán truyền thống, vật liệu hiện đại); một số địa bàn như huyện Sa Thầy, Tu Mơ Rông, Kon Rẫy đã đạt tỷ lệ 100% thôn (làng) đồng bào DTTS có nhà rông.

 

Cùng với đó, công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống gắn liền với nhà rông đã được chú trọng thực hiện, các làng đồng bào DTTS có cồng chiêng đều xây dựng đội nghệ nhân dân gian và thực hành thường xuyên trong các ngày hội của làng và sẵn sàng tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa do các cấp, ngành tổ chức; các hoạt động sinh hoạt văn hóa trong thôn, như: tổ chức lễ hội truyền thống; sinh hoạt dân ca, dân vũ, dân nhạc dân gian; hoạt động trao truyền các loại hình văn hóa truyền thống được tổ chức tại nhà rông đã góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần người dân, phát huy vai trò của nhà rông trong đời sống tinh thần của người dân.

 

Song song với các hoạt động trên, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS trong các trường học của tỉnh đã được thực hiện qua việc giáo dục văn hóa dân tộc cho học sinh thông qua việc giảng dạy "Tài liệu giáo dục địa phương" và tích hợp trong các chương trình hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa với nhiều hình thức phong phú, đa dạng và thường xuyên...

 

Tất cả các hoạt động triển khai đã thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo của các tầng lớp Nhân dân và du khách trên địa bàn tỉnh; góp phần khẳng định các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống là đúng và hợp lòng dân; góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành động trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc gắn với phát triển KTXH trên địa bàn tỉnh; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là đồng bào các DTTS...

 

Thái Ninh