Thứ sáu, Ngày 27/12/2024 -
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định mục tiêu là phát triển cây cà phê xứ lạnh/cà phê chè (coffee arabica) trên địa bàn các huyện: Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plông theo hướng hiện đại, bền vững, hình thành chuỗi giá trị, gắn với thương hiệu “Cà phê xử lạnh Kon Tum”, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình và tổ chức tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Về mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quy trình canh tác, cải tạo, phục hồi và phát triển diện tích vườn cây đạt 5.000 ha. Trong đó, khoảng 80% diện tích trồng theo mô hình cà phê sinh cảnh, cà phê sinh thái, cà phê tuần hoàn và cà phê hữu cơ; năng suất cà phê nhân đạt bình quân 18,5 tạ/ha; nâng cao tỷ lệ thu hoạch cà phê chín trên 80%; hình thành ít nhất 03 chuỗi giá trị cà phê chè gắn với phát triển thương hiệu “Cà phê xử lạnh Kon Tum”; giá trị sản lượng bình quân trên 80 triệu/ha.
Đến năm 2030: Tập trung đầu tư đồng bộ, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh; phát triển diện tích vườn cây đạt 7.000 ha. Trong đó, khoảng 2.000 ha liên kết sản xuất theo mô hình kinh tế hợp tác, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, có chứng nhận chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn (UTZ Certify, 4C, Rainforest Alian và VietGAP...); thu hút đầu tư xây dựng ít nhất 01 nhà máy chế biến sâu; nâng năng suất cà phê nhân đạt 20 tạ/ha; giá trị sản lượng bình quân 100 triệu/ha; phấn đấu 100% các hộ sản xuất tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã.
Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: (i) Tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, định hướng và các chính sách, pháp luật có liên quan đối với việc phát triển cà phê xứ lạnh để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp; tạo sự đồng thuận, hưởng ứng, tham gia của người dân trong việc cải tạo, phục hồi và phát triển cà phê xứ lạnh trên địa bàn. (ii) Nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ chăm sóc, cải tạo phục hồi vườn cây hiện có và mở rộng diện tích trồng mới (đối tượng ưu tiên là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ); hình thành các mô hình kinh tế hợp tác cung cấp dịch vụ, phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cà phê xứ lạnh. (iii) Xây dựng bản đồ nông hóa-thổ nhưỡng để xác định vùng phát triển cà phê xứ lạnh phù hợp, khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên để phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ. (iv) Áp dụng biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, bền vững để phục hồi, phát triển diện tích già cỗi, kém hiệu quả; sử dụng các giống có năng suất, chất lượng cao đã được công nhận để trồng mới, phát triển diện tích cà phê xứ lạnh. Đào tạo đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn chuyển giao kỹ thuật cải tạo, phục hồi, chăm sóc, thâm canh cây cà phê xứ lạnh. (v) Tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, từ các chương trình, dự án vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và các nguồn vốn hợp pháp khác để phục hồi, phát triển cà phê xứ lạnh trên địa bàn tỉnh theo mục tiêu đã đề ra. (vi) Nâng cao năng lực xúc tiến thương mại và xuất khẩu cà phê xứ lạnh, nhất là xây dựng, triển khai đa dạng các mô hình quảng bá sản phẩm, bán hàng đến các cơ sở chế biến, các nhà tiêu thụ cà phê trong nước và nước ngoài. Xây dựng thương hiệu, bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc... gắn với khai thác thương hiệu “Cà phê xử lạnh Kon Tum”.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao:
Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện chủ trương trên theo đúng quy trình, quy định của pháp luật. Trong đó, đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc triển khai Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh đã triển khai trước đây để có giải pháp phù hợp nhằm cải tạo, khôi phục và phát triển cả phê xứ lạnh trên địa bản tỉnh trong thời gian tới.
Ban Thường vụ các huyện ủy: Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông căn cứ Kết luận này và các văn bản liên quan của Ủy ban nhân dân tỉnh, chủ động xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch phát triển cây cà phê xứ lạnh phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương./.
Trịnh Minh
Tin tức liên quan