Thứ sáu, Ngày 27/12/2024 -

Tăng cường cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi
Ngày đăng: 17/07/2023  10:05
Mặc định Cỡ chữ
Ngày 14/7/2023, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2252/UBND-KGVX về việc tăng cường cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố tăng cường hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật triển khai can thiệp dinh dưỡng  thiết yếu theo vòng đời: cung cấp các dịch vụ tư vấn dinh dưỡng, cải thiện chất lượng bữa ăn, đảm bảo dinh dưỡng phù hợp cho mọi lứa tuổi, mọi đối tượng;  chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời; chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và cho con bú; cung cấp sắt cho trẻ em gái vị thành niên, phụ nữ có thai; nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; ăn bổ sung hợp lý và tiếp tục bú mẹ cho trẻ em từ 6 đến 23 tháng; chăm sóc phát triển trẻ toàn diện trong 5 năm đầu đời; thực hiện theo dõi tăng trưởng và phát triển của trẻ; quản lý và điều trị cho trẻ em suy dinh dưỡng cấp tính; phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em; đảm bảo nước sạch, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường.

 

Rà soát, kiện toàn, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên y tế thôn/làng để kịp thời duy trì các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân tại cộng đồng, trong đó có nhiệm vụ phòng, chống suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi.

 

Rà soát, kiểm tra, bổ sung trang thiết bị y tế phục vụ công tác đánh giá tình trạng dinh dưỡng như: Cân, thước đo chiều cao, thước đo vòng cánh tay… tại Trạm Y tế xã, phường, thị trấn theo đúng quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế.

 

Chỉ đạo các đơn vị y tế, đơn vị trực thuộc đảm bảo các sản phẩm hỗ trợ dinh dưỡng phải được hỗ trợ, áp dụng cho đúng đối tượng được hưởng theo hướng dẫn, quy định của Trung ương và triển khai thực hiện các hoạt động cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn đạt mục tiêu, hiệu quả, đúng quy định.

 

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị y tế, đơn vị trực thuộc trong việc triển khai thực hiện bổ sung các sản phẩm hỗ trợ dinh dưỡng và các hoạt động cải thiện dinh dưỡng thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi nêu trên và xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định.

 

Nghiên cứu các nội dung kiến nghị của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tại Báo cáo số 232/BC-BTV ngày 11/6/2023 để tổ chức triển khai phù hợp và đúng quy định.

 

Các Sở, ban, ngành, đơn vị thuộc tỉnh; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; UBND các huyện, thành phố theo chức năng nhiệm vụ, phối hợp ngành Y tế thực hiện các nội dung, nhiệm vụ được UBND tỉnh giao tại Kế hoạch phòng, chống suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và các kế hoạch có liên quan.

 

Yêu cầu UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, huy động nguồn lực đầu tư cho công tác cải thiện dinh dưỡng nói chung và phòng, chống suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi tại địa phương nói riêng; đưa chỉ tiêu giảm suy dinh dưỡng thấp còi là một trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới (tiêu chí 15.3) và xác định cụ thể cơ chế, nguồn lực thực hiện.

 

Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, đúng quy định, hướng dẫn các nội dung hoạt động Cải thiện dinh dưỡng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đảm bảo đúng phạm vi, đối tượng thụ hưởng và đạt mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình (đặc biệt là Tiểu dự án 2 - Dự án 3).

 

Phối hợp ngành Giáo dục chỉ đạo triển khai nhân rộng mô hình “Bán trú dân nuôi” với hình thức phù hợp, nâng cao tỉ lệ trẻ được chăm sóc, ăn trưa tại các cơ sở giáo dục mầm non; tổ chức Hội thi “Kiến thức và thực hành dinh dưỡng trẻ em mầm non”…

 

Phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh triển khai thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

 

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động của các Chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai tại địa phương. Triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển kinh tế hộ gia đình; giảm tỉ lệ sinh con dày, sinh đông con; giảm tỉ lệ và tiến tới chấm dứt tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… giúp giảm nghèo bền vững, góp phần Cải thiện tình trạng dinh dưỡng và giảm suy dinh dưỡng thấp còi; chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng và tầm vóc của trẻ em, nâng cao chất lượng dân số, đặc biệt là trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.

Trần Huệ - Phan Phượng