Thứ 7, Ngày 27/07/2024 -

Tình hình xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2023
Ngày đăng: 14/09/2023  10:27
Mặc định Cỡ chữ
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam (HQVN), kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 75,57 tỷ USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó kim ngạch xuất khẩu giảm 0,96% và nhập khẩu giảm 19,4%.

 

Về xuất khẩu

 

Trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến Trung Quốc đạt 25,9 tỷ USD, giảm 0,96% so với cùng kỳ năm 2022 (mức 26,2 tỷ USD). Các mặt hàng giảm mạnh bao gồm: xơ sợi dệt các loại: đạt 1 tỷ USD, giảm 20,7% so với cùng kỳ năm 2022 và cũng giảm 13,7% so với mức trung bình của giai đoạn 2019-2023; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện: đạt 1,3 tỷ USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng tăng 34,1% so với mức trung bình giai đoạn 2019-2023; gỗ và sản phẩm gỗ: đạt 706,6 triệu USD, giảm 25,6% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm 4% so với mức trung bình của giai đoạn 2019-2023; hàng dệt may: đạt 484,8 triệu USD, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm 20,1% so với mức trung bình của giai đoạn 2019-2023, cao su: đạt 778,9 triệu USD, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng tăng 17,6% so với mức trung bình của giai đoạn 2019-2023; hàng thủy sản: đạt 634,4 triệu USD, giảm 22,9% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng tăng 14,3% so với giai đoạn 2019-2023; sắn và các sản phẩm từ sắn: đạt 522,9 triệu USD, giảm 23,9% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm 0,1% so với mức trung bình của giai đoạn 2019-2023.

 

Nhập khẩu

 

Trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 49,6 tỷ USD, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong nhập khẩu từ các đối tác chính của Việt Nam, đây là mức giảm nhập khẩu lớn thứ 2, chỉ sau Hàn Quốc (giảm 25,7%); nhập khẩu từ các đối tác Đông Nam Á giảm 17,9%, từ Hoa Kỳ giảm 9,1%; Nhật Bản giảm 15,4%, EU giảm 9,6%.

 

Các mặt hàng nhập khẩu giảm chính: Máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác: đạt 10,2 tỷ USD, giảm 14,9% so với cùng kỳ năm 2022; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: đạt 10 tỷ USD, giảm 20,2%; vải các loại: đạt 4,1 tỷ USD, giảm 20,3% so với cùng kỳ năm 2022 và cũng giảm 3% so với mức trung bình của giai đoạn 2019-2023; điện thoại các loại và linh kiện: đạt 3 tỷ USD, giảm 30,6% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm 20,7% so với mức trung bình của giai đoạn 2019-2023; sản phẩm từ chất dẻo: đạt 1,9 tỷ USD, giảm 19,1% so với cùng kỳ năm 2022; sắt thép các loại: đạt 2,3 tỷ USD, giảm 23,6%, nguyên phụ liệu dệt may, da giày: đạt 1,5 tỷ USD, giảm 21,8%; chất dẻo nguyên liệu đạt 1 tỷ USD, giảm 26,4%; kim loại thường khác: đạt 1,1 tỷ USD, giảm 15,7%; xơ, sợi dệt các loại: đạt 0,6 tỷ USD; giảm 23,7% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm 6,8% so với mức trung bình của giai đoạn 2019-2023.

 

Đánh giá nguyên nhân

 

Đây là lần đầu tiên kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc sụt giảm liên tục trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, sự suy giảm này là khó tránh trong bối cảnh nền kinh tế thế giới, khu vực (trong đó có Việt Nam và Trung Quốc) đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức chung và riêng.

 

Xuất khẩu của ta vào thị trường Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ giảm nhẹ ở mức dưới 1%, thấp hơn mức giảm xuất khẩu của Việt Nam ra thé giới và thấp hơn rất nhiều so với mức giảm xuất khẩu của Việt Nam tới các đối tác thương mại chính trên thế giới và khu vực”. Theo thống kê của Trung Quốc, nhập khẩu của nước này từ Việt Nam thậm chí còn tăng trưởng trong khi nhập khẩu của Trung Quốc từ thế giới giảm, đặc biệt nhập khẩu từ các đối tác thương mại chính đều giảm mạnh. Vì vậy, hiện tượng sụt giảm xuất khẩu đi Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm là có thể chấp nhận được trong bối cảnh chung. Đáng chú ý, tốc độ suy giảm xuất khẩu đang thu hẹp dần và có cơ hội tăng trưởng trở lại trong những tháng cuối năm nếu kinh tế Trung Quốc có tín hiệu phục hồi tốt hơn.

 

So với xuất khẩu, sự sụt giảm nhập khẩu từ Trung Quốc là đáng quan ngại khi mức giảm đến hai con số (19,4%) và tốc độ cải thiện chậm. Trung Quốc là thị trường cung cấp vật tư và nguyên liệu đầu vào quan trọng hàng đầu cho các ngành sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Việc giảm mạnh nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc (Hàn Quốc cũng trong tình trạng tương tự) cũng cho thấy tình hình khó khăn trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.

 

Một số nguyên nhân chính của sự sụt giảm này có thể kể đến như sau:

 

Bối cảnh khó khăn chung của kinh tế, thương mại toàn cầu và Việt Nam: Nền kinh tế toàn cầu vẫn đang trong tình trạng bấp bênh sau những tác động to lớn, kéo dài của đại dịch Covid-19 và các cuộc khủng hoảng địa chính trị trên thế giới. Lạm phát tăng cao khiến nhiều nền kinh tế trên thế giới siết chặt chi tiêu kéo theo nhu cầu tiêu dùng suy giảm. Cùng với đó, nhiều nhà nhập khẩu do lo ngại đại dịch tiếp tục kéo dài gây đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất đã tăng mức dự trữ hàng hóa giai đoạn trước khiến tồn kho tăng cao, đơn hàng giảm mạnh.

 

Theo báo cáo Kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân công bố vào ngày 26 tháng 5 năm 2023, khó khăn lớn nhất mà 59,2% doanh nghiệp được hỏi đang phải đối mặt là tình trạng đơn hàng suy giảm. Tình trạng giảm đơn hàng khiến xuất khẩu giảm, nhập khẩu nguyên liệu gia công chế biến hàng xuất khẩu cũng giảm theo (thậm chí giảm mạnh hơn do lượng tồn kho lớn) do cơ cấu nhập khẩu của ta vẫn nghiêng về nhập khẩu vật tư, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu.

 

Các biện pháp bảo hộ, hạn chế thương mại gia tăng từ sau đại dịch Covid19, không chỉ do chính sách hướng nội mà còn bởi sự phân mảnh địa chính trị và kinh tế dẫn đến sự phân hóa trong các thị trường như “ưu tiên thị trường ở gần” và “ưu tiên thị trường đối tác thân thiện” sẽ tồn tại trong ngắn hạn và trung hạn. Cụ thể: tình hình căng thẳng địa chính trị gia tăng đã đưa Trung Quốc xích lại gần hơn một số đối tác, quan hệ kinh tế thương mại cũng chuyển dịch theo xu hướng này. Với Nga, tăng trưởng thương mại với Trung Quốc tăng tới 40,6% trong 6 tháng đầu năm nay. Tương tự, quan hệ chính trị ấm áp trở lại với Úc cùng khiến Trung Quốc nới lỏng các biện pháp gây ảnh hưởng hoạt động nhập khẩu than (tháng 3 năm 2023) và gỗ (tháng 5 năm 2023) từ Úc. Với các nước Trung Á, tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – Trung Á (CCAS) tổ chức tại Trung Quốc vào tháng 5 năm 2023, Trung Quốc cho biết đang đẩy mạnh nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm chất lượng cao từ các nước Trung Á bao gồm ngũ cốc, trái cây và các sản phẩm từ sữa, cơ quan này cho biết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và mở rộng hệ thống luồng xanh thông quan hàng hóa đối với tất cả các cảng đường bộ với các nước Trung Á có chung đường biên giới.

 

Sự suy giảm còn do vấn đề nội tại của các doanh nghiệp trong nước. Báo cáo Kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp cho thấy, doanh nghiệp đang trải qua bối cảnh đặc biệt khó khăn. Việc dừng hoạt động hoặc giảm quy mô hoạt động của nhiều doanh nghiệp đã khiến sản xuất và xuất nhập khẩu đều suy giảm.

 

Nguyên nhân từ các vấn đề của nền kinh tế Trung Quốc như: kinh tế Trung Quốc tăng trưởng không đạt như kỳ vọng; Trung Quốc tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong nước; đồng nhân dân tệ mất giá mạnh so với đồng USD khiến xuất khẩu của Việt Nam đi Trung Quốc và các thị trường khác giảm do phải cạnh tranh với các mặt hàng cùng loại của Trung Quốc.

 

Xuất nhập khẩu giảm còn do giá hàng hóa giảm. Chỉ số giá hàng hóa trung bình liên tục giảm trong 5 tháng đầu năm 2023. Theo đó chỉ số giá hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 0,22% so 11/22 mặt hàng có giá giảm. Các mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn có trị giá giảm là cao su, giảm nhiều nhất 21%, tiếp theo là xơ sợi dệt các loại giảm 20%; sắn và các sản phẩm sắn giảm 10,18%, linh kiện điện thoại giảm 1,8%. Chỉ số hàng hóa nhập khẩu giảm 5,77% do 12/15 nhóm hàng nhập khẩu từ thị trường này có giá trị giảm. Trong đó, nhóm hàng giảm nhiều nhất là cao su có giá trị giảm 22%; tiếp theo là các nhóm hàng có chỉ số giá giảm trên 10% là hóa chất hữu cơ, chất dẻo nguyên liệu, xơ sợi dệt các loại, sắt và thép không hợp kim, điện thoại và linh kiện.

 

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (nhất là nông sản) tiếp tục chịu sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường Trung Quốc từ hàng hóa cùng loại của các nước trong khu vực. Một số ưu thế của Việt Nam trong thương mại nông sản như vị trí địa lý gần gũi, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với nông sản nhiệt đới cũng đang bị thách thức./.

 

                                                                                      Trịnh Minh