Thứ 5, Ngày 26/12/2024 -
Các đại biểu tham dự Ngày hội |
Tới dự Ngày hội có đồng chí Lê Hoài Trung - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; đại biểu nước Lào, Trung Quốc và 11 tỉnh có dân tộc dưới 10.000 người sinh sống. Thay mặt lãnh đạo tỉnh Kon Tum, đồng chí Y Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự khai mạc.
Đại diện lãnh đạo Bộ VH,TT&DL và lãnh đạo tỉnh Lai Châu trao Cờ lưu niệm và hoa cho các tỉnh tham dự Ngày hội |
Phát biểu khai mạc Ngày hội, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Trịnh Thị Thủy khẳng định, việc tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người là thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tới công tác dân tộc nói chung và đồng bào các dân tộc thiểu số ít người nói riêng.
Ngày hội nhằm tôn vinh và phát huy giá trị bản sắc các dân tộc ít người; góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc. Đồng thời, là dịp giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển văn hóa, thể thao, du lịch và văn hóa truyền thống các dân tộc trong công cuộc đổi mới, hội nhập, phát triển; góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, mọi tầng lớp nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Tiết mục biểu diễn tại chương trình nghệ thuật |
Sau phần lễ, Chương trình nghệ thuật khai mạc Ngày hội diễn ra với 3 chương: Chương 1 - Khát vọng vươn lên cùng đại ngàn; Chương 2- Lung linh sắc màu đại ngàn và Chương 3 - Lai Châu kỳ vĩ - Vui ngày hội.
Chương trình nghệ thuật đã chọn các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc độc đáo mang đậm bản sắc các dân tộc và một số ca khúc nổi tiếng của 13 tỉnh có đồng bào dân tộc ít người sinh sống, nhằm giới thiệu quảng bá văn hóa, tín ngưỡng, những quan niệm, những đổi thay đi lên của cuộc sống, những giá trị tinh hoa trong nghệ thuật âm nhạc, nghệ thuật trình diễn dân gian... với sự tham gia của trên 6.000 ca sĩ, diễn viên.
Tham gia Ngày hội có 11 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Nghệ An, Quảng Bình và Kon Tum.
Tỉnh Kon Tum có 2 dân tộc rất ít người là B’râu và Rơ Măm với dân số hiện có khoảng trên 1.100 người sinh sống tập trung tại huyện Ngọc Hồi va Sa Thầy.
Ngày hội diễn ra từ ngày 03-05/11 với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch hấp dẫn nhân dân, du khách như: trình diễn, giới thiệu trích đoạn các lễ hội; các nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống, liên hoan văn nghệ quần chúng; thi đấu các môn thể thao truyền thống; giải đua môtô địa hình; Giải dù lượn đường trường Putaleng mở rộng…
Nghệ nhân đoàn Kon Tum và các nghệ nhân biểu diễn tại Ngày hội |
Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, hiện cả nước có 14 dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người gồm: Si La, Lự, Cống, Bố Y, Ngái, Chứt, B’Râu, Rơ Măm, Ơ Đu, Mảng, Lô Lô, Pà Thẻn, Cơ Lao, Pu Péo cư trú chủ yếu tại 13 tỉnh: Lai Châu, Cao Bằng, Thái Nguyên, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Kon Tum.
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc có số dân dưới 10.000 người ngày được nâng lên. Nhằm tiếp tục hỗ trợ đồng bào vươn lên trong cuộc sống, xoá đói, giảm nghèo, ngày 30/10/2019, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 65 - KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, với đột phá đầu tiên là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Lãnh đạo các Bộ, ngành và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum thăm gian trưng bày trang phục và các vật dụng sinh hoạt của dân tộc Rơ Măm và B’râu của tỉnh Kon Tum |
Dương Nương
Tin tức liên quan