Thứ 5, Ngày 26/12/2024 -

Triển khai Đề án phát triển chế biến thức ăn công nghiệp chăn nuôi đến năm 2023 trên địa bàn tỉnh
Ngày đăng: 04/01/2024  20:17
Mặc định Cỡ chữ
Ngày 04/01/2024, UBND tỉnh có Công văn số 37/UBND-NNTN về việc triển khai Đề án phát triển chế biến thức ăn công nghiệp chăn nuôi đến năm 2023 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về thức ăn chăn nuôi theo đúng quy định của Nhà nước; phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

 

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng, nhất là các chỉ tiêu an toàn đối với thức ăn chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyên vận động người chăn nuôi sử dụng nguồn nguyên liệu trên địa bàn có giá trị dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

 

Tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sinh học nhằm sản xuất nhanh các chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh, hóa chất sử dụng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; đầu tư nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp trong tỉnh.

 

Đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình khuyến nông đối với các mô hình trồng cỏ để dự trữ thức ăn trong mùa mưa rét; đánh giá kết quả và nhân rộng các mô hình có hiệu quả cho người dân áp dụng.

 

Giao UBND các huyện, thành phố khuyến khích phát triển các mô hình chế biến các loại thức ăn chăn nuôi hữu cơ bằng công nghệ, thiết bị nghiền trộn nhỏ và cơ động phù hợp với loại hình chăn nuôi nông hộ, hợp tác xã; mô hình thâm canh trồng cỏ, ngô sinh khối... kết hợp công nghệ chế biến thức ăn thô xanh hỗn hợp.

 

Tăng cường công tác tuyên truyền áp dụng công nghệ vi sinh trong thức ăn để tăng tỷ lệ tiêu hóa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Khuyến khích việc  áp dụng công nghệ để tự phối trộn thức ăn từ các nguyên liệu sẵn có tại địa phương nhằm giảm chi phí giá thành sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm; sử dụng các loại thức ăn thảo dược, chế phẩm sinh học trong khẩu phần ăn của vật nuôi, giúp nâng cao sức đề kháng, giảm dịch bệnh.

 

Thu hút doanh nghiệp đầu tư nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, trong đó khuyến khích áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sinh học nhằm sản xuất nhanh các chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh, hóa chất sử dụng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

 

Tăng cường công tác quản lý, cải tạo đồng cỏ tự nhiên; các biện pháp chế biến thức ăn từ các nguồn nguyên liệu tự nhiên có sẵn và sử dụng thức ăn hỗn hợp để phát triển đàn gia súc quy mô tập trung và quy mô nông hộ tạo sinh kế bền vững cho người dân.  

 

Đẩy mạnh phát triển vùng trồng cỏ thâm canh tại các huyện, thành phố có quy hoạch phát triển chăn nuôi trâu, bò; chuyển đổi một số vùng đất trồng cây nông nghiệp ngắn ngày và dài ngày năng suất thấp sang trồng cỏ thâm canh hoặc cải tạo thành bãi chăn thả để cung cấp thức ăn thô xanh cho đàn trâu, bò.

 

Vận động các trang trại, cơ sở chăn nuôi trâu, bò tập trung phải bố trí diện tích trồng cỏ năng suất cao và có phương án dự trữ lượng thức ăn thô đầy đủ, những cơ sở chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ cần phải có diện tích đất để trồng cỏ thâm canh thích hợp với quy mô đàn./.

 

                                                                                Lê Hằng – Trần Tiến