Thứ 5, Ngày 26/12/2024 -
Tham gia đoàn, về phía Trung ương có các đồng chí: Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Nguyễn Dũng Tiến, Trợ lý Quyền Chủ tịch nước cùng các thành viên trong đoàn công tác của Chủ tịch nước.
Về phía tỉnh Kon Tum có các đồng chí: Dương Văn Trang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các cơ quan liên quan của tỉnh và thành phố Kon Tum.
Thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Thu |
Thăm gia đình cựu chiến binh Trần Đình Thị |
Đoàn đã đến thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Thu (trú tại Tổ 4, phường Duy Tân, TP. Kon Tum) và cựu chiến binh Trần Đình Thị (trú tại phường Duy Tân, TP. Kon Tum).
Quyền Chủ tịch nước trân trọng cảm ơn những cống hiến, hy sinh của Mẹ Việt Nam anh hùng và các cựu chiến binh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Đồng chí đề nghị cấp ủy, chính quyền tỉnh Kon Tum tiếp tục làm tốt công tác chăm lo cho các gia đình chính sách, thể hiện trọn vẹn đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Đồng thời, mong muốn các gia đình tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, năng động trong phát triển kinh tế, mẫu mực trong đời sống để các thế hệ con cháu học tập và noi theo; phát huy truyền thống tốt đẹp “Bộ đội cụ Hồ”, tiếp tục đóng góp trí tuệ, công sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Quyền Chủ tịch nước và lãnh đạo tỉnh dâng hương và thăm quan Khu Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia Ngục Kon Tum |
Trước đó, đoàn công tác và lãnh đạo tỉnh đã đến dâng hương tại Khu Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia Ngục Kon Tum và thăm quan Nhà trưng bày khu di tích Ngục Kon Tum.
Ngục Kon Tum là nơi giam giữ tù chính trị bị địch đưa từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế về, đồng thời cũng là nơi cung cấp nhân công khai phá miền cao nguyên, mở đường 14. Tại đây đã từng nổ ra nhiều cuộc biểu tình của các chiến sĩ cộng sản, điển hình là cuộc biểu tình 12/12/1931 để phản đối việc bắt tù chính trị đi làm đường ở Đắk Pok trong điều kiện vô cùng cực khổ. Cuộc biểu tình đã bị đàn áp làm 8 người chết, 8 người bị thương. Ngày 16/11/1988, Ngục Kon Tum được công nhận là Khu Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia./.
Lê Hằng
Tin tức liên quan