Chủ nhật, Ngày 19/05/2024 -

Gặp gỡ dân công hỏa tuyến tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ
Ngày đăng: 07/05/2024  15:40
Mặc định Cỡ chữ
Trong căn nhà số 203, đường Trần Nhân Tông (thành phố Kon Tum), ông Vũ Thọ Vậc và vợ là bà Lê Thị Vóc trong trang phục chỉnh tề đón khách, đó là những cựu chiến binh của thành phố Kon Tum và của phường Thắng Lợi tới thăm nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ông là 1 trong 13 dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống tại tỉnh.

Ông Vũ Thọ Vậc tâm sự cùng với CCB thành phố Kon Tum và phường Thắng Lợi

 

Ông Vũ Thọ Vậc, sinh năm 1933 tại tỉnh Nam Định. Năm 16 tuổi, ông tham gia du kích chống càn tại quê nhà. Năm 19 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông tình nguyện tham gia dân công hỏa tuyến, gánh gạo từ tỉnh Nam Định tới tỉnh Hòa Bình. Và từ đây sẽ có đội quân khác gánh lên tiếp tế cho bộ độ tham gia đánh Chiến dịch Điện Biên Phủ.

 

Ông nhớ lại, ngày đó đường xá đi lại khó khăn lắm, đèo, dốc, đường rừng. Mỗi chuyến đi phải mất 2 tháng cả đi và về. Ban ngày địch oanh tạc, nên cứ đêm là luồn rừng gánh gạo đi. Mỗi người được giao gánh 45kg, trong đó 30kg dành cho chiến sĩ, còn 15kg để đi ăn đường cho cả đi và về. Cả tháng trời mới đi tới được chỗ giao gạo, nên gặp trời mưa là gạo bị mốc. Chỗ nào mốc, chúng tôi lấy nấu ăn, phần gạo ngon chúng tôi để dành cho bộ đội. Nghĩ các chiến sĩ ở chiến trường dưới làn “mưa bom bão đạn” bị đói, bị khát, bị lạnh thương lắm, nên chúng tôi ráng đi thật nhanh, ăn thật ít để dành nhiều nhất gạo có thể trong khẩu phần ăn của mình nuôi chiến sĩ.

 

Câu chuyện đứt quãng bởi cảm xúc của những ngày tháng “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” ùa về trong ký ức. Ông nhìn xa xăm, hai hàng nước mắt lăn dài trên gò má. Bỗng cơ mặt co lại bởi cơn đau do mảnh đạn còn nằm sau gáy hoành hành. Ông đưa tay về phía sau gáy vỗ nhẹ. “Ông bị trúng đạn của giặc khi làm du kích chống càn tại địa phương, lần đấy còn bị thương cả ở chân, nhưng mảnh đạn găm vào sau gáy thì nằm ở đây mãi, không lấy ra được, nên thỉnh thoảng lại “hành” ốm hay đau đầu.

 

Để tiếp tục cống hiến cho cách mạng, ông xin vào làm công nhân sửa chữa tàu thủy trong xưởng tàu của quân đội. Những chiếc tàu ông sửa có nhiệm vụ chuyên chở xăng, dầu từ miền bắc vào các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam phục vụ kháng chiến.

 

Ông Vũ Thọ Vậc và người bạn đời - bà Lê Thị Vóc

 

Thống nhất 2 miền, non sông về một mối, ông đưa vợ và 7 người con vào huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang làm kinh tế mới. Đất đai trù phú, ông đã gây dựng kinh tế ổn định cho gia đình, nhưng điều được nhất đó là “ông và cộng sự đã nghiên cứu thành công phương pháp trồng lúa 3 vụ/năm, thay vì 1 vụ/năm như trước kia. Nhờ thế mà bà con không còn đói, đất nước đảm bảo an ninh lương thực” – Ông Vũ Thọ Vậc vui vẻ chia sẻ.   

 

Sau 6 năm gắn bó với vùng đất Nam Bộ, khi thấy nhà nước có chủ trương phát triển cây cao su ở Tây Nguyên, ông lại đưa vợ con lên với Kon Tum. Mới đầu, ông xin nhà nước cấp 30ha tại thành phố Kon Tum để trồng cao su. Sau này, gia đình tự mở rộng diện tích ra các huyện trong tỉnh.

 

Ông nghĩ, nhìn ra thế giới thấy cao su được sử dụng rất nhiều, như làm lốp xe ô tô, xe máy, nệm, giày, dép, vật dụng gia đình… Tôi nghĩ, ngành công nghiệp này chắc chắn sẽ phát triển mạnh. Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung rất có tiềm năng phát triển loại cây có thế mạnh và làm giàu này, nên tôi quyết định đưa vợ con về đây an cư, lạc nghiệp và khai phá vùng đất mới để trồng những cây cao su đầu tiên”. 

 

“Đất nước hòa bình, độc lập, tự do và vinh quang. Bản thân mình và gia đình có cuộc sống như ngày hôm nay là nhờ sự hi sinh của biết bao chiến sĩ, nên chúng ta phải trân trọng, tri ân và cống hiến sức mình để gìn giữ, xây dựng đất nước ngày càng đoàng hoàng hơn, to đẹp hơn như lời Bác Hồ đã dạy. Mạnh dạn tiên phong phát triển kinh tế, ngoài đảm bảo cuộc sống cho gia đình, còn tạo việc làm cho nhiều người dân địa phương, đóng góp vào ngân sách nhà nước và có điều kiện hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn” – Ông Vậc tâm sự.

 

Anh Nguyễn Đăng Cường, Chủ tịch Hội CCB phường Thắng Lợi cho hay, ông Vũ Thọ Vậc mặc dù tuổi cao, sức yếu, nhưng vẫn tham gia rất nhiệt tình các buổi sinh hoạt của Hội, chỉ trừ hôm này đau ốm không đi được, ông mới chịu ở nhà. Ông là tấm gương sáng cho thế hệ đi sau và con cháu học tập noi theo. Con, cháu ông nhiều người là doanh nhân thành đạt.

 

Ông Lục Văn Dương, Phó Chủ tịch Hội CCB thành phố Kon Tum cho biết, Hội CCB thành phố hiện có 3.127 hội viên; trong đó, có 37 hội viên tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và  647 hội viên tham gia chống đế quốc Mỹ.

 

“Các hội viên luôn phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống CCB “Trung thành - Đoàn kết - Gương mẫu - Đổi mới”; trách nhiệm cao, bản lĩnh kiên định, vững vàng; có tính kỷ luật, trình độ, kiến thức và kinh nghiệm trong cuộc sống, trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, bảo vệ an ninh Tổ quốc. Bản thân các CCB luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động; đồng thời, vận động con cháu, người dân nơi cư trú tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua do các cấp phát động, góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương” - Ông Lục Văn Dương khẳng định.

 

Minh Huệ