Thứ 7, Ngày 27/07/2024 -

Nhiệm vụ, giải pháp trong Chiến lược phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo
Ngày đăng: 24/05/2024  15:50
Mặc định Cỡ chữ
Ngày 23/5/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 444/QĐ-TTg về ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo (Kế hoạch hành động).

Theo đó, Kế hoạch hành động xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong từng giai đoạn, cụ thể:

 

Giai đoạn 1 đến năm 2025, tập trung vào nhiệm vụ chính:

 

Tổ chức lại Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia trên cơ sở các Ban Chỉ đạo cấp quốc gia: Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia; Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

 

Kiện toàn, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, cơ chế lãnh đạo, chỉ huy điều hành phòng thủ dân sự từ trung ương đến địa phương và các cơ quan, đơn vị, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, tinh, gọn, hiệu quả. 

 

Rà soát, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan bảo đảm phù hợp với Luật Phòng thủ dân sự và thực tiễn.

 

Rà soát, hoàn thiện hệ thống kế hoạch phòng thủ dân sự bảo đảm phù hợp thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ngành, lĩnh vực của cả nước và địa phương; bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại do sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.

 

Bồi dưỡng kiến thức phòng thủ dân sự, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo cho cấp ủy đảng; năng lực quản lý, chỉ huy, điều hành hoạt động phòng thủ dân sự cho cán bộ lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương; nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kiến thức về phòng thủ dân sự cho đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ thông tin, truyền thông tại các bộ, ngành trung ương, địa phương.

 

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các lực lượng và Nhân dân trong phòng thủ dân sự; phổ biến cho Nhân dân kỹ năng cần thiết để biết tự bảo vệ trước sự cố, thảm họa và chung tay bảo vệ cộng đồng.

 

Ra soát, kiện toàn tổ chức lực lượng phòng thủ dân sự từ trung ương đến địa phương, bảo đảm thống nhất, tinh gọn, hiệu quả; xây dựng cơ chế điều hành hoạt động phòng thủ dân sự phù hợp cơ cấu tổ chức, khả năng bảo đảm và đặc điểm loại hình sự cố, thiên tại.

 

Triển khai các chương trình, đề án, chiến lược ngành đã được phê duyệt; ưu tiên nguồn lực, tập trung hoàn thành các công trình thiết yếu ở các khu vực có nguy cơ rủi ro thiên tại cao; triển khai thành lập và đưa vào hoạt động Quỹ phỏng thủ dân sự trung ương, Quỹ phòng thủ dân sự địa phương.

 

Rà soát, thúc đẩy ký kết các thỏa thuận khung hợp tác quốc tế về phòng thủ dân sự nhằm trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, ứng dụng khoa học kỹ thuật đào tạo nguồn nhân lực phòng thủ dân sự và sẵn sàng đưa lực lượng, phương tiện tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa trong khu vực và quốc tế.

 

Giai đoạn 2 từ năm 2025 đến năm 2030 và những năm tiếp theo:

 

Tiếp tục hoàn thiện phương thức, nội dung thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả chiến tranh, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh cho cộng đồng.

 

Tập trung đầu tư cho lực lượng chuyên trách đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt đối với các loại hình sự cố, thiên tai, có nguy cơ cao; chú trọng nâng cao năng lực cho lực lượng tại chỗ, bảo đảm thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”.

 

Tăng cường huấn luyện, tập huấn, diễn tập thực nghiệm các vấn đề mới, phức tạp để nghiên cứu, rút kinh nghiệm, làm cơ sở hoàn thiện các phương án ứng phó, khắc phục hậu quả sự cổ, thảm họa, thiên tai, đồng thời nâng cao năng lực chỉ huy điều hành cho cán bộ các cấp, nâng cao kỹ năng cho lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm.

 

Tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án trọng điểm về phòng thủ dân sự quốc gia. Hoàn thành xây dựng hệ thống công trình phòng thủ dân sự tại các khu vực rủi ro thiên tai cao: đăng ký, thống kê hệ thống công trình lưỡng dụng, sẵn sàng trưng dụng cho nhiệm vụ phòng thủ dân sự khi có tình huống.

 

Hoàn thiện phương án, kế hoạch khai thác, sử dụng công trình ngầm; xây dựng tiêu chí về phòng thủ dân sự đối với các công trình ngầm, công trình trọng điểm, các chương trình quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội để từng bước nâng cao năng lực phòng ngừa thảm họa chiến tranh.

 

Đa dạng hóa nguồn lực để phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh và chiến tranh; tăng cường nguồn lực dự trữ quốc gia các mặt hàng thiết yếu, chiến lược, bảo đảm cho nhiệm vụ phòng thủ dân sự; nhân rộng mô hình các đội xung kích ở cơ sở, phát triển lực lượng tình nguyện viên trong tuyên truyền, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, dịch bệnh.

 

Duy trì, thúc đẩy hợp tác quốc tế về phòng thủ dân sự, triển khai các thỏa thuận hợp tác, chuyển giao ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực phòng thủ dân sự.

 

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào hoạt động phòng thủ dân sự, tập trung nâng cao năng lực giám sát, cảnh báo, dự báo thiên tai, thảm họa; nâng cao năng lực sản xuất trang thiết bị phòng thủ dân sự, tạo bước đột phá trong năng lực ứng phó sự cố, thiên tai, dịch bệnh, hậu quả chiến tranh.

 

Sơ kết, tổng kết và nghiên cứu bổ sung, phát triển lý luận về phòng thủ dân sự.

 

Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổng hợp, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đánh giá và đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức liên quan triển khai thực hiện; tổ chức tổng kết Kế hoạch vào cuối kỳ (năm 2030), định hướng nhiệm vụ, giải pháp sau năm 2030./.

Trịnh Minh