Chủ nhật, Ngày 27/04/2025 -
![]() |
Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum |
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí Lê Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh và lãnh đạo các cơ quan liên quan. Dự tại điểm cầu cấp huyện, có lãnh đạo UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các huyện, thành phố.
Theo báo cáo đánh giá tại phiên họp, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp, việc rà soát, xử lý vướng mắc, bật cập về CCHC đã được tích cực triển khai thực hiện, góp phần thúc đẩy CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh, nhiều chỉ số của Việt Nam được thăng hạng (Xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc, xếp thứ 106 trong bộ chỉ số tự do kinh tế thế giới, tăng 04 bậc so với năm 2022; xếp thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, tăng 02 bậc so với năm 2022).
Cải cách thể chế, cải cách TTHC tiếp tục được quan tâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành thời gian lắng nghe, tiếp xúc với người dân, cộng đồng doanh nghiệp để chỉ đạo nghiên cứu, xử lý những phản ánh, kiến nghị về cơ chế, chính sách, TTHC.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, các bộ, ngành đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 168 quy định kinh doanh tại 16 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), nâng tổng số quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến nay là 2.943 quy định kinh doanh tại 250 VBQPPL, đạt 18,6%. Ban hành và tổ chức thí điểm tại 4 địa phương (Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Quảng Ninh).
Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và hoàn thiện quy định về vị trí việc làm tại cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, cải cách chính sách tiền lương tiếp tục có chuyển biến rõ nét, đạt được những kết quả tích cực. Kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với CBCCVC và lực lượng vũ trang. Theo đó, điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 30% (từ 1.800.000 đồng lên 2.340.000 đồng/tháng) và hướng dẫn thực hiện cơ chế thưởng 10% tổng mức lương cơ bản của cơ quan, đơn vị để thực hiện từ ngày 01/7/2024; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/6/2024 là 196.669,4 tỷ đồng, đạt 27,51% kế hoạch, đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, từng bước có những kết quả cụ thể, mô hình tốt.
Tính đến 30/6/2024, tỷ lệ TTHC được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đạt 81%; tỷ lệ TTHC được cung cấp dưới dạng DVCTT toàn trình đạt 48%. Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đối với các DVCTT toàn trình của các bộ, ngành đạt 61%; cấp tỉnh, thành phố đạt 17%. Kết quả số hóa tại các bộ, ngành đạt 31,11%, tại các địa phương đạt 53,20%.
63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử trực tuyến. Tính đến 30/6/2024, 100% các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành kết nối, đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về CBCCVC; tổng số dữ liệu được đồng bộ đạt 2.292.771 hồ sơ.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác CCHC 6 tháng đầu năm 2024 cũng còn một số hạn chế, như: Cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn, chưa phù hợp thực tiễn, chậm sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ, dẫn đến khó khăn cho tổ chức thực hiện tại địa phương và là một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm trễ trong giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp. Một số bộ, ngành còn chậm trễ trong việc ban hành quyết định công bố TTHC dẫn đến khó khăn cho địa phương trong việc công bố, niêm yết, công khai TTHC; một số địa phương chưa kiểm soát chặt chẽ thời hạn trong giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp dẫn đến tỷ lệ hồ sơ giải quyết quá hạn hoặc từ chối giải quyết còn nhiều...
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao kết quả triển khai thực hiện công tác CCHC 6 tháng đầu năm 2024 của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung vào các nhiệm vụ như: Đẩy mạnh rà soát lại các vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, quy định pháp luật, trên cơ sở đó tập trung tháo gỡ, huy động nguồn lực, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển KTXH.
Đẩy mạnh đối thoại, chia sẻ, xử lý những vướng mắc, khó khăn, bất cập cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là cải cách TTHC, để mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân. Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và đội ngũ CBCCVC; chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong quá trình thực hiện nhiệm vụ công vụ.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số, chính quyền quyền số, xã hội số, công dân số, số hóa hồ sơ, số hóa cơ sở dữ liệu góp phần nâng cao hiệu quả, chủ động trong phối hợp giữa các cơ quan, địa phương trong kết nối, chia sẻ dữ liệu. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong các chi tiêu tài chính, giảm chi phí tuân thủ cho người dân.
Tiếp tục rà soát các điểm nghẽn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ CCHC; các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ và thủ tướng Chính phủ và các nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch CCHC năm 2024.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến tham gia tại phiên họp để hoàn thiện, tham mưu Thông báo kết luận phiên họp; xử lý đối với các nội dung kiến nghị thuộc thẩm quyền, đối với các nội dung vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét./.
Vũ Huệ
Tin tức liên quan