Thứ sáu, Ngày 18/10/2024 -

Tình hình phân bổ, giải ngân vốn kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024
Ngày đăng: 16/07/2024  06:29
Mặc định Cỡ chữ
Tổng kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2024 được Quốc hội quyết nghị phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 669.264,639 tỷ đồng, bao gồm: vốn NSTW là 236.915,739 tỷ đồng (trong đó: vốn trong nước là 216.915,739 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 20.000 tỷ đồng), vốn ngân sách địa phương (NSĐP) là 432.348,9 tỷ đồng

Căn cứ quy định Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao14 669.264,639 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2024 cho các bộ, cơ quan trung ương, đạt tỷ lệ 100% kế hoạch vốn năm 2024 đã được Quốc hội phân bổ.

 

Đến ngày 10/7/2024, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2024 chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án là 639.350,636 tỷ đồng, đạt 95,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, bao gồm: vốn NSTW là 228.672,634 tỷ đồng, đạt 96,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, vốn NSĐP là 410.678,002 tỷ đồng, đạt 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

 

Số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết là 29.914,003 tỷ đồng (chiếm 4,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), bao gồm: vốn NTSW là 8.243,105 tỷ đồng, (vốn trong nước là 6.197,150 tỷ đồng và vốn nước ngoài là 2.045,954 tỷ đồng) của 20/44 bộ, cơ quan trung ương và 21/63 địa phương, vốn cân đối NSĐP là 21.670,898 tỷ đồng của 23/63 địa phương.

 

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 65/NQ-CP ngày 07/5/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Tờ trình số 5324/BKHĐT-TH ngày 08/7/2024 báo cáo Chính phủ về việc điều chỉnh giảm số vốn các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đến ngày 15/5/2024 chưa phân bổ chi tiết để bổ sung cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương khác có nhu cầu. Tuy nhiên, từ ngày 15/5/2024 đến nay, có 03 bộ và 02 địa phương tiếp tục thực hiện phân bổ 184,241 tỷ đồng.

 

Nguyên nhân các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ chi tiết 100% kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2024 cho các nhiệm vụ, dự án:

 

Đối với vốn NSTW: (i) Vốn trong nước: dự án mới được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2024 từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi NSTW năm 2022 tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 10/6/2024, đang trình cấp có thẩm quyền phân bổ chi tiết cho các dự án. Ngoài ra còn một số nguyên nhân như: các dự án chuyển tiếp mới được Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn tại văn bản số 450/TTg-KTTH ngày 21/6/202423; vốn giao cho các dự án thuộc 03 CTMTQG đang gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện; vốn giao cho các dự án đang được tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; các dự án đang rà soát, điều chỉnh nội dung đầu tư theo quy định, các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội không còn nhu cầu bố trí kế hoạch vốn năm 2024 do đã được bố trí vốn từ nguồn kế hoạch năm 2023 được kéo dài sang năm 2024 theo Nghị quyết 110/2023/QH15 của Quốc hội; (i) vốn nước ngoài chưa phân bổ hết do chưa hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định, vướng mắc trong công tác thẩm số định giá thiết bị, cơ chế đấu thầu dự án...

 

Đối với vốn NSĐP: các dự án dự kiến khởi công mới năm 2024 chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư; nguồn chi đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết phụ thuộc vào tình hình thu thực tế nên chưa thể thực hiện phân bổ chi tiết 100% số vốn NSĐP đã được Thủ tướng Chính phủ giao...

 

Về thực hiện và giải ngân:

 

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/6/2024 là 196.669,384 tỷ đồng, đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cùng kỳ năm 2023 đạt 30,49%, trong đó: vốn trong nước là 194.270,6 tỷ đồng (đạt 30% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), vốn nước ngoài là 2.399,1 tỷ đồng (đạt 12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Giải ngân nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 4.781,7 tỷ đồng, đạt 78,23% kế hoạch; CTMTQG là 9.644,6 tỷ đồng, đạt 35,43% kế hoạch.

 

Về đánh giá tỷ lệ giải ngân của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương

 

Mặt được, trong 06 tháng đầu năm 2024, nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã chủ động, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp hướng dẫn xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công: Kết quả có 11/44 bộ, cơ quan trung ương và 35/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình của cả nước. Một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân cao nhất là Đài Truyền hình Việt Nam (100%); Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam (90,07%); Bộ Xây dựng (47,91%); Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (47,37%); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (46,88%); Bộ Giao thông vận tải (41,16%); Các địa phương: Nam Định (58,75%); Thanh Hóa (56,83%); Lào Cai (54,23%); Phú Thọ (51,02%); Bà Rịa Vũng Tàu (49,66%); Tiền Giang (47,42%); Hòa Bình (47,30%). Tính theo giá trị giải ngân tuyệt đối, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có giá trị giải ngân cao nhất cả nước là: Bộ Giao thông vận tải (24.399,801 tỷ đồng), Bộ Quốc phòng (5.588,103 tỷ đồng), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (4.657,707 tỷ đồng), Thành phố Hà Nội (22.561,864 tỷ đồng), Thành phố Hồ Chí Minh (11.005,582 tỷ đồng), Thanh Hóa (6.355,944 tỷ đồng), Bà Rịa Vũng Tàu (5.870,074 tỷ đồng), Thành phố Hải Phòng (5.498,198 tỷ đồng).

 

Tỷ lệ giải ngân vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đạt 78,23% kế hoạch; đặc biệt vốn bộ, cơ quan trung ương quản lý có tỷ lệ giải ngân trong 6 tháng đạt 99,58% (riêng Bộ Giao thông vận tải đạt tỷ lệ giải ngân là 100%).

 

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thuộc 03 CTMTQG đạt 35,43%, cao hơn trung bình chung của cả nước (29,39%), cải thiện đáng kể so với tỷ lệ giải ngân trong 06 tháng đầu năm 2023 (28,23%).

 

Mặt chưa được, tỷ lệ giải ngân chung của cả nước 06 tháng đầu năm 2024 đạt 29,39%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (30,49%): trong đó, bên cạnh tỷ lệ giải ngân vốn NSTW có sự cải thiện (đạt 30,51% so với cùng kỳ 28,34%), thì tỷ lệ giải ngân vốn NSĐP (đạt 28,77%) lại thấp hơn cùng kỳ (32,76%).

 

Số lượng bộ, cơ quan trung ương, địa phương giải ngân dưới trung bình cả nước còn cao: Có 33 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước, trong đó có một số bộ, địa phương có số vốn kế hoạch năm 2024 chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số vốn kế hoạch năm 2024 của cả nước (chiếm gần 20%), tuy nhiên tỷ lệ giải ngân thấp như: Bộ Công an (được giao 6.068 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 11,05%); Thành phố Hồ Chí Minh (được giao 79.263,776 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 13,88%); Hưng Yên (được giao 19.921,061 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 14,49%); Bắc Ninh (được giao 8.558,869 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 12,58%); Quảng Ngãi (được giao 6.902,869 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 17,1%); Hải Dương (được giao 6.831,695 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 12,54%).

 

Nhiều bộ, cơ quan trung ương, địa phương không duy trì được kết quả giải ngân tốt như cùng kỳ năm 2023: có 15/44 bộ, cơ quan trung ương 33/63 địa phương có số vốn giải ngân thấp hơn số vốn của chính bộ, cơ quan trung ương và địa phương đó đã giải ngân trong cùng kỳ năm 2023. Trong đó, đặc biệt có một số địa phương dù được giao kế hoạch năm 2024 cao hơn năm 2023 nhưng có giá trị giải ngân tuyệt đối 06 tháng đầu năm 2024 thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2023 như: Thành phố Hồ Chí Minh (thấp hơn 4.604,351 tỷ đồng); Quảng Ngãi (thấp hơn 1.510,304 tỷ đồng); Thành phố Hải Phòng (thấp hơn 1.476,968 tỷ đồng); Bắc Giang (thấp hơn 1.097,672 tỷ đồng); Đồng Nai (thấp hơn 839,04 tỷ đồng).

 

Tỷ lệ giải ngân của các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải, dự án giao thông liên vùng do địa phương quản lý còn thấp: Tổng số vốn kế hoạch năm 2024 giao cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải, dự án giao thông liên vùng do địa phương quản lý là 135.929,7 tỷ đồng, chiếm hơn 20% kế hoạch năm 2024 của cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh các dự án có tỷ lệ giải ngân tốt, theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến ngày 13/6/2023, tỷ lệ giải ngân của các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải chỉ đạt 27,4%; dự án giao thông liên vùng do địa phương quản lý chỉ đạt 17,2%. Một số dự án được giao kế hoạch vốn năm 2024 lớn nhưng có tỷ lệ giải ngân thấp như: Dự án Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh (được giao 21.490,2 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 10,6%); Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (được giao 9.805 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 12,5%); Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (được giao 6.489,1 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 14,2%); Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (được giao 4.917,2 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 24,4%); Cao tốc Đồng Đăng - Trả Lĩnh (được giao 1.317,6 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 1,2%)...

 

Tỷ lệ giải ngân vốn của các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài còn thấp, đạt 12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước là 29,39%./.

 

Trịnh Minh