Thứ 5, Ngày 15/05/2025 -
Quang cảnh hội nghị |
Tham dự hội nghị có các đồng chí: U Huấn, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Lê Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh; đại diện lãnh đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; lãnh đạo huyện ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân về vị trí, ý nghĩa, vai trò của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong tình hình mới đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Các cấp, các ngành đã xây dựng và đưa các phong trào thi đua về văn hóa lan tỏa rộng khắp, được Nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia. Đến nay, đã có gần 122.200/140.000 hộ gia đình văn hóa (đạt tỷ lệ 87%); có 723/756 khu dân cư văn hóa (đạt tỷ lệ 95%); có 957/980 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký xây dựng đạt chuẩn văn hóa giai đoạn 2023-2027 (đạt tỷ lệ 97,65%); toàn tỉnh có 49/85 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới. Tổ chức chu đáo, thành công các sự kiện chính trị, hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh nhân kỷ niệm các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của tỉnh, như: Hội thi cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum; Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên; các hoạt động Kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh; Lễ Khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I tại tỉnh Kon Tum…
Văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp tục được khôi phục, bảo tồn và phát huy; đã phục dựng được 22 nghi lễ - lễ hội tiêu biểu; sưu tầm, biên dịch và công bố 2 bộ sử thi Ba Na và Xơ Đăng; đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt...
Tại hội nghị, các đơn vị, địa phương đã tham gia thảo luận tập trung đánh giá những kết quả đạt được, phân tích những tồn tại và đề xuất, kiến nghị nhằm thục hiện hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW thời gian tới, trong đó lấy con người làm trung tâm, văn hóa là động lực cho sự phát triển bền vững…
Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí U Huấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW trên địa bàn tỉnh.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, trong đó có Nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum, tạo sự chuyển biến rõ nét hơn trong thời gian tới, đồng chí đề nghị các cấp, các ngành cần tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, gắn với việc thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) "về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến, "tự chuyển hóa"; Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị "về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị "về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới". Trong đó, chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Tăng cường kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện gắn với biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những điển hình tiên tiến về văn hóa.
Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 13-CT/TU, ngày 18-3-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo rà soát các hủ tục, phong tục không còn phù hợp để tập trung xóa bỏ, góp phần giữ gìn, xây dựng và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”; cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững", cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong công sở, doanh nghiệp, nhà trường và gia đình, hướng tới mục tiêu xây dựng con người Kon Tum, nhất là thế hệ trẻ phát triển toàn diện, có đạo đức, văn hóa trong sáng, chuẩn mực, giàu hoài bão và khát vọng vươn lên.
Quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tham mưu về lĩnh vực văn học, nghệ thuật, cán bộ văn hóa, quản lý văn hóa, nhất là ở cơ sở.
Tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá rộng khắp hình ảnh quê hương, con người và giá trị văn hóa đặc trưng của Kon Tum. Đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư đến đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ du lịch, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh...
Tuấn Tài
Tin tức liên quan