Thứ 3, Ngày 06/05/2025 -

Tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống bệnh Sởi
Ngày đăng: 30/08/2024  10:15
Mặc định Cỡ chữ
Sở Y tế vừa có Văn bản số 3498/SYT- NVYD ngày 30/8/2024 gửi các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc Sở về việc tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống bệnh Sởi

 

Theo đó, để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Sởi đảm bảo kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu tối đa nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh theo chỉ đạo của Bộ Y tế, của Ủy ban nhân dân tỉnh và hướng dẫn của Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên; Sở Y tế đề nghị các cơ quan, đơn vị thực hiện các nội dung sau:

 

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật: Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch Sởi, chủ động tăng cường công tác giám sát, xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; triển khai xử lý triệt để các ổ dịch, không để bùng phát trong cộng đồng. Phối hợp chặt chẽ với Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố phân tích tình hình dịch Sởi trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ tiêm chủng, năng lực xét nghiệm, điều trị, nguồn lực sẵn có trong phòng, chống dịch..., thực hiện đánh giá nguy cơ, xác định vùng nguy cơ theo quy mô huyện, xã; rà soát đối tượng, đề xuất bổ sung địa bàn và đối tượng triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Sởi trong trường hợp cần thiết và báo cáo Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng). Tăng cường công tác giám sát hỗ trợ, hướng dẫn chuyên môn cho tuyến dưới về việc tiếp tục tổ chức tiêm chủng thường xuyên hàng tháng cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR), trong đó đặc biệt lưu ý việc tiêm vắc xin Sởi cho trẻ 9 tháng tuổi và tiêm vắc xin Sởi - Rubella cho trẻ 18 tháng tuổi. Tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho toàn bộ trẻ từ 9 tháng đến 5 tuổi chưa được tiêm/tiêm chưa đủ mũi vắc xin phòng bệnh Sởi, đặc biệt chú ý đến vùng “lõm” tiêm chủng. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động truyền thông về nguy cơ mắc bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh Sởi để người dân chủ động thực hiện phòng bệnh; truyền thông về tác dụng, lợi ích, đối tượng, lịch tiêm vắc xin Sởi, vận động người dân tích cực đưa trẻ em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Báo cáo kịp thời, đầy đủ các trường hợp bệnh, ổ dịch qua Hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế.

 

Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi: Thực hiện tốt công tác thu dung, cách ly, cấp cứu, điều trị bệnh nhân; thực hiện tốt việc phân luồng khám bệnh, thiết lập khu vực riêng khám, điều trị, cấp cứu bệnh nhân Sởi; thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện; thường xuyên hướng dẫn người chăm sóc trẻ thực hiện các biện pháp phòng bệnh để hạn chế lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Phát hiện sớm và điều trị tích cực các trường hợp diễn biến nặng, chú ý các đối tượng có bệnh nền, giảm tối đa số trường hợp biến chứng nặng và tử vong do mắc bệnh Sởi. Chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc và nhân lực phù hợp để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh Sởi. Báo cáo kịp thời, đầy đủ các trường hợp bệnh qua Hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT.

 

Trung tâm Y tế các huyện, thành phố: Thực hiện điều tra ca bệnh theo phiếu điều tra, lập danh sách ca bệnh, lấy mẫu bệnh phẩm đối với các trường hợp bệnh nhân nghi Sởi đến khám, điều trị, cấp cứu và báo cáo theo đúng quy định. Tổ chức tốt công tác thu dung, cách ly, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế việc chuyển bệnh nhân trong khả năng điều trị; thực hiện tốt việc phân luồng khám bệnh, thiết lập khu vực riêng khám, điều trị, cấp cứu bệnh nhân Sởi. Thực hiện phân tích tình hình dịch Sởi trên địa bàn, tỷ lệ tiêm chủng, năng lực xét nghiệm, điều trị, nguồn lực sẵn có trong phòng, chống dịch..., đánh giá nguy cơ, xác định vùng nguy cơ theo quy mô xã; rà soát đối tượng, đề xuất bổ sung địa bàn và đối tượng triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Sởi trong trường hợp cần thiết và báo cáo về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. Tiếp tục tổ chức tiêm chủng thường xuyên hàng tháng cho các đối tượng thuộc Chương trình TCMR, trong đó đặc biệt lưu ý việc tiêm vắc xin Sởi cho trẻ 9 tháng tuổi và tiêm vắc xin Sởi-Rubella cho trẻ 18 tháng tuổi. Tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho toàn bộ trẻ từ 9 tháng đến 5 tuổi chưa được tiêm/tiêm chưa đủ mũi vắc xin phòng bệnh Sởi, đặc biệt chú ý đến vùng “lõm” tiêm chủng. Đẩy mạnh công tác truyền thông về nguy cơ mắc bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh Sởi để người dân chủ động thực hiện phòng bệnh; truyền thông về tác dụng, lợi ích, đối tượng, lịch tiêm vắc xin Sởi, vận động người dân tích cực đưa trẻ em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh như bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học và có đủ ánh sáng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; theo dõi chặt chẽ sức khỏe học sinh, phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh và thông báo cho cơ sở y tế để phối hợp xử lý kịp thời. Báo cáo kịp thời, đầy đủ các trường hợp bệnh, ổ dịch qua Hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT.

 

Đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác truyền thông về nguy cơ mắc bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh Sởi để người dân chủ động thực hiện phòng bệnh; truyền thông về tác dụng, lợi ích, đối tượng, lịch tiêm vắc xin Sởi, vận động người dân tích cực đưa trẻ em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, nhà cửa, trường học… nhất là vùng có ca bệnh và vùng liên quan. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, ban ngành liên quan trên địa bàn phối hợp ngành Y tế triển khai đầy đủ các hoạt động đáp ứng khi có ca bệnh, ca nghi bệnh Sởi theo hướng dẫn của ngành Y tế.

 

Đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát Thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Kon Tum, Cổng thông tin điện tử tỉnh: Tiếp tục phối hợp với Sở Y tế tăng cường các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh Sởi, triệu chứng, đường lây truyền, cách phát hiện và phòng ngừa bệnh Sởi, lợi ích của tiêm phòng vắc xin Sởi (trong đó tuyên truyền cho đối tượng nguy cơ cao, trẻ em, người chưa mắc bệnh hoặc chưa được tiêm đủ mũi vắc xin Sởi cần đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi)./.

 

                                                                                      Trịnh Minh