Thứ 3, Ngày 15/10/2024 -
Ảnh minh họa |
Triển khai tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt II năm 2024
Triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại Công văn số 3113/UBND-NNTN ngày 04/9, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi chủ động thực hiện việc phát quang, vệ sinh chồng trại, khu nuôi nhốt gia súc, gia cầm; thu gom phân, nước thải trong chăn nuôi và thực hiện xử lý; phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc môi trường. Các cơ sở chăn nuôi động vật tập trung, cơ sở giết mổ động vật tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm, ... chủ động bố trí kinh phí tổ chức thực hiện việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại cơ sở và khu vực xung quanh dưới sự giám sát của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y;
Chỉ đạo UBND cấp xã thành lập các tổ, đội để triển khai thực hiện; triển khai thực hiện theo quy định và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc và hướng dẫn UBND cấp xã thực hiện đảm bảo hiệu quả, đúng quy định.
Giao Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức cấp phát hóa chất cho các địa phương phục vụ công tác khử trùng tiêu độc môi trường. Đồng thời tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao hiệu quả Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt II năm 2024 để phòng ngừa dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh đảm bảo hiệu quả...
Tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống bệnh Sởi
Để tăng cường công tác phòng, chống dịch, không để dịch bệnh Sởi lây lan, bùng phát trong cộng đồng theo ý kiến của Bộ Y tế, tại Công văn số 3120/UBND-KGVX ngày 4/9, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh Sởi; tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh; chủ động giám sát, phát hiện sớm, cách ly điều trị, phòng chống lây nhiễm, xử lý ổ dịch kịp thời; thường xuyên đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình và đề xuất các biện pháp phòng chống dịch phù hợp, hiệu quả.
Đề nghị các cơ quan thông tin, truyền thông phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh để người dân chủ động các biện pháp phòng bệnh và không để tình trạng hoang mang lo lắng trong dư luận. Tăng cường truyền thông, tuyên truyền vận động đưa trẻ em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch và khuyến cáo, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng bệnh như hạn chế tụ tập đông người, thường xuyên rửa tay với xà phòng và sử dụng khẩu trang khi đến các địa điểm công cộng, các khu vực tập trung đông người.
Tiếp tục tăng cường phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ
Triển khai yêu cầu của Bộ Y tế, tại Công văn số 3122/UBND-KGVX ngày 04/9, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan và các địa phương tiếp tục chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh Đậu mùa khỉ (mpox), xử trí, kiểm soát dịch kịp thời không để bùng phát diện rộng, hạn chế tối đa số mắc và tử vong trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ, tập trung truyền thông cho các đối tượng có nguy cơ cao; đa dạng hóa các kênh truyền thông để nhiều người dân có thể tiếp cận.
Giao Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc giám sát chặt chẽ dịch tại cửa khẩu; giám sát chủ động tại các cơ sở khám chữa bệnh; truy vết, điều tra, quản lý ca bệnh và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng, đặc biệt lưu ý các trường hợp có triệu chứng, tiếp xúc với người nghi ngờ, mắc bệnh; Tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại các địa phương.
Yêu cầu UBND các huyện, thành phố quán triệt, chỉ đạo thông suốt, quyết liệt, huy động các cấp, các ngành, đoàn thể tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ trên địa bàn; Tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch. Chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản phòng, chống theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; rà soát đảm bảo sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị, phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ...
Phê duyệt kết quả đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, năm 2023
Tại Quyết định số 565/QĐ-UBND ngày 04/9/2024, UBND tỉnh phê duyệt kết quả đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp năm 2023 đối với các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do UBND tỉnh làm đại diện chủ sở hữu, cụ thể: 5/8 doanh nghiệp có kết quả xếp loại A (Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Kon Tum và các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp: Sa Thầy, Ia H'Dra, Đăk Glei, Kon Rẫy); 3/8 doanh nghiệp có kết quả xếp loại B (các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp: Đăk Tô, Kon Plông và Ngọc Hồi).
UBND tỉnh yêu cầu các Công ty căn cứ kết quả xếp loại doanh nghiệp được duyệt, triển khai thực hiện việc phân phối lợi nhuận, trích lập các quỹ khen thưởng, phúc lợi và các nội dung liên quan theo đúng quy định hiện hành.
Thành lập Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể tỉnh
Tại Quyết định số 569/QĐ-UBND ngày 05/9, UBND tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể tỉnh Kon Tum do Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực đất đai làm Chủ tịch Hội đồng; Giám đốc Sở Tài chính làm Phó Chủ tịch Hội đồng.
Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể tỉnh có nhiệm vụ thẩm định phương án giá đất cụ thể do Sở Tài nguyên và Môi trường trình.
Theo Quyết định, Hội đồng làm việc độc lập, khách quan, theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số; Chủ tịch và các thành viên chịu trách nhiệm cá nhân về ý kiến của mình. Các cuộc họp phải có biên bản ghi chép đầy đủ các ý kiến thảo luận, kết quả biểu quyết, được lưu trữ cùng với các tài liệu phục vụ cuộc họp và ý kiến bằng văn bản của thành viên.
Đây là Hội đồng hoạt động thẩm định giá đất cụ thể thường xuyên, thực hiện thẩm định các phương án giá đất cụ thể thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh.
Chỉ thị xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030
Tại Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 05/9, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Đánh giá tình hình sử dụng vốn đầu tư công của Chương trình hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KTXH)…
Về mục tiêu và định hướng đầu tư công giai đoạn 2026-2030, yêu cầu thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển phục vụ cho việc thực hiện dự kiến kế hoạch phát triển KTXH 05 năm 2026-2030; Tập trung bố trí trọng tâm, trọng điểm để triển khai những nhiệm vụ, công trình, dự án lớn, mang tính biểu tượng, xoay chuyển tình hình và chuyển trạng thái, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại; không bố trí vốn dài trải, manh mún; đối với các địa phương, vốn đầu tư công được lập phù hợp với từng cấp chính quyền, từng cấp ngân sách, phạm vi địa giới hành chính và yêu cầu phát triển của các cấp địa phương.
Số lượng dự án đầu tư vốn NSTW thực hiện trong giai đoạn 2026-2030 phải thấp hơn giai đoạn 2021-2025 khoảng 15 đến 20% tổng số lượng dự án theo định hướng của Thủ tướng Chính phủ; để tập trung cho các dự án lớn, quan trọng và không mất nhiều thời gian làm thủ tục. Đảm bảo tổng mức đầu tư của các chương trình, dự án có thời gian thực hiện trong 02 kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn phải đảm bảo quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật Đầu tư công.
Tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn đầu tư công NSNN cho xây dựng cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu, hạn hán, điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn, các vùng kinh tế động lực, cực tăng trưởng của tỉnh.
Chỉ bố trí vốn đầu tư công nguồn NSNN cho các chương trình, nhiệm vụ, dự án thuộc đối tượng đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công, quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2026-2030 được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ và những yêu cầu, nhiệm vụ được giao, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện theo tiến độ quy định tại Luật Đầu tư công, hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hướng dẫn của UBND tỉnh đảm bảo việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 có chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả.
Tăng cường công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới
Tại Công văn số 3148/UBND-KGVX ngày 06/9, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới và xây dựng, kiện toàn đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở; Chủ động đề xuất Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cung cấp thông tin tuyên truyền về công tác tuyên truyền miệng; kết hợp thực hiện tuyên truyền miệng với các hình thức tuyên truyền khác, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền miệng;
Thường xuyên rà soát, kiện toàn và nâng cao nhận thức, trách nhiệm đội ngũ tuyên truyền viên trong thực hiện công tác tuyên truyền miệng. Kịp thời động viên, đề xuất khen thưởng đối với tuyên truyền viên thực hiện tốt công tác tuyên truyền miệng; đồng thời, kiểm điểm, chấn chỉnh, xử lý đối với tuyên truyền viên vi phạm (nếu có).
Yêu cầu cơ quan báo chí tỉnh chú trọng tuyên truyền vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền miệng trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân; những kết quả đóng góp tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; những mô hình hay, cách làm tốt, điển hình tiên tiến trong công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên như: đăng tải tin, bài, phóng sự; tổ chức các chuyên đề, chương trình,…; đồng thời chia sẻ tin, bài chất lượng trên các nền tảng xã hội.
Thái Ninh
Tin tức liên quan