Thứ 4, Ngày 18/09/2024 -

Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về dự thảo Nghị định quản lý dự án đầu tư xây dựng
Ngày đăng: 12/09/2024  14:05
Mặc định Cỡ chữ
Ngày 11/9/2024, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 411/TB-VPCP về Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp trực tuyến về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng

Theo đó, ngày 28/8/2024, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng (dự thảo Nghị định). Sau khi nghe Bộ Xây dựng báo cáo, ý kiến của các bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà kết luận như sau:

 

Dự thảo Nghị định đã được Bộ Xây dựng chủ trì chuẩn bị công phu, nhưng vẫn còn một số nội dung cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện để bảo đảm rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu, khả thi, tăng cường phân cấp hơn nữa, cắt giảm tối đa các giấy tờ, thủ tục hành chính theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

 

Bộ Xây dựng nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, địa phương và các đại biểu dự họp, phối hợp với các cơ quan liên quan để rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị định, trong đó lưu ý một số nội dung sau:  (i) Rà soát phạm vi, nội dung quy định của dự thảo Nghị định để bảo đảm quy định đúng, đầy đủ, không bỏ sót, không vượt quá các nội dung Luật Xây dựng giao Chính phủ quy định. Những vấn đề vướng mắc trong thực tế thuộc thẩm quyền của Chính phủ và thuộc lĩnh vực quy định của Luật Xây dựng, trường hợp cần thiết, Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định khác thuộc lĩnh vực xây dựng tại dự thảo Nghị định này. (ii) Về phân loại dự án, nghiên cứu phân loại theo nguyên tắc phân cấp theo tính phức tạp, mức độ khó về kỹ thuật, yêu cầu đặc thù của công trình xây dựng (như công trình di sản văn hóa); dẫn chiếu các quy định điều kiện giấy tờ về đất đai để cấp giấy phép xây dựng để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật. Trên cơ sở đó, rà soát để tiếp tục phân cấp hơn nữa về thẩm quyền thẩm định, cấp giấy phép xây dựng, cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực,...(iii) Quy định rõ về các trường hợp không phải thực hiện điều chỉnh dự án; thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng đối với đối với công trình cấp III, nhà ở riêng lẻ nằm trên địa bàn 2 huyện, công trình cấp III, IV tại các khu công nghiệp; các trường hợp có thể được cấp giấy phép xây dựng (cho nhà ở riêng lẻ) theo quy hoạch phân khu; điều kiện giấy tờ về đất đai để cấp giấy phép xây dựng. (iv) Rà soát tất cả các thủ tục hành chính để đơn giản hoá thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết để giảm chi phí thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời, chỉnh lý cách diễn đạt để tránh có cách hiểu không thống nhất, có thể phát sinh thủ tục hành chính trong quá trình thực hiện. (v) Rà soát kỹ điều khoản chuyển tiếp đảm bảo chính xác, đầy đủ, không để khoảng trống pháp lý, không gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi Nghị định có hiệu lực thi hành.

 

Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 09 năm 2024./.

 

                                                                                                       Trịnh Minh