Thứ 4, Ngày 15/01/2025 -
Quang cảnh buổi làm việc |
Tham dự buổi làm việc, có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh; lãnh đạo UBND huyện, UBND các xã và các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông.
Theo báo cáo tại buổi làm việc, trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông có 23 trường học với 344 lớp với 8.570 học sinh (cấp Mầm non 117 lớp với 2.593 cháu; cấp Tiểu học có 3.503 học sinh với 140 lớp; cấp THCS có 2.474 với 87 lớp); Chất lượng giáo dục các cấp học tiếp tục được duy trì ổn định, ngày càng có tính bền vững; Ý thức học tập của học sinh DTTS có những chuyển biến tích cực, chất lượng học tập ngày càng tăng lên; kết quả phổ cập mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở tại các xã được giữ vững; Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được bổ sung, cải thiện...
Tính đến ngày 30/8/2024, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo của huyện có 692 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên (trong đó, cán bộ quản lý có 67 người, giáo viên 574 người; nhân viên 51 người); đội ngũ giáo viên các cấp học còn thiếu về số lượng, cơ cấu; số lượng giáo viên được giao chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu thực tế giảng dạy tại địa phương.
Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn huyện tiếp tục được quan tâm sâu sát của lãnh đạo các cấp, cùng với sự kết hợp chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể. Năm 2024, trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông mở 4 lớp xoá mù chữ với 97 học viên tham gia.
Về công tác đào tạo nghề, đến tháng 8/2024, toàn huyện có 630 lao động tham gia học nghề, trong đó 280 lao động đã tốt nghiệp cấp chứng chỉ với ngành nghề đào tạo chủ yếu như: Chăm sóc cây cà phê Catimor; trồng và chăm sóc cây sơn tra, sâm dây; nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò... Đã có 02 người đăng ký làm hồ sơ đi lao động tại Nhật Bản, 18 người đăng ký làm hồ sơ đi lao động tại Ả Rập Xê Út; 24 lao động đăng ký đi làm việc ngoài tỉnh...
Về tình hình thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện, dự toán ngân sách Trung ương giao 320.397 triệu đồng; đến ngày 10/9/2024, địa phương đã giải ngân 99.714 triệu đồng (đạt 31,1%) trên tổng kế hoạch vốn giao. Trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện còn một số khó khăn, vướng mắc về kế hoạch vốn phân bổ, công tác đào tạo nghề cần sớm được chỉ đạo tháo gỡ...
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc |
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị UBND huyện tăng cường công tác kiểm tra, rà soát thực trạng việc sử dụng cơ sở vật chất, phòng học, các thiết bị dạy và học của các trường học trên địa bàn; cũng như quản lý và khai thác sử dụng hiệu quả các trang thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy học, cơ sở vật chất, tránh lãng phí và xử lý nghiêm các trường học vi phạm.
Thời gian tới, đề nghị huyện tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện các chương trình MTQG triển khai thực hiện từng chương trình, từng dự án. Tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình, dự án. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường dạy trực tuyến những môn trên địa bàn thiếu giáo viên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ngay từ cấp học mầm non; tăng cường công tác đào tạo nghề nhằm tạo ra những lao động có trình độ, có chuyên môn để về phục vụ cho địa phương; quan tâm đến công tác đào tào bồi dưỡng cho giáo viên trên địa bàn.
Đồng chí đề nghị các sở, ngành liên quan nghiên cứu các vướng mắc từng dự án để giúp các địa phương trong quá trình thực hiện; Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường kiểm tra các nguồn đưa về địa phương đồng thời truyên truyền để cho các Trường biết về các chế độ, chính sách mà giáo viên, học sinh được hưởng; quan tâm khắc phục những Trường hiện đang thiếu giáo viên để ưu tiên bố trí, đầu tư nâng cấp các trang thiết bị còn thiếu...
Lê Hằng
Tin tức liên quan