Thứ 3, Ngày 15/10/2024 -

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tỉnh
Ngày đăng: 15/09/2024  22:40
Mặc định Cỡ chữ
Thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”, thời gian qua, các cấp, các ngành của tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, qua đó đã đạt được những kết quả quan trọng.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc trao học bổng cho các em học sinh nghèo, hiếu học tại huyện Đăk Glei

 

Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cơ quan liên quan đã triển khai thực hiện 02 Chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021-2030” và Chương trình “ Xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021-2030”. Triển khai các Chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, đặc biệt trong công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; góp phần thực hiện thành công Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương nói chung.

 

Mạng lưới Hội Khuyến học được mở rộng đến các huyện, xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đã huy động được sự tham gia đông đảo các lực lượng xã hội, các cơ quan, đoàn thể, trường học, Nhân dân trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Các chi hội, ban khuyến học ở trường học là những đơn vị làm nòng cốt trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở địa phương. Đến nay, ngoài Hội Khuyến học tỉnh, còn có 10 Hội Khuyến học cấp  huyện, thành phố; 102 Hội Khuyến học cấp xã, phường, thị trấn; 1.242 chi hội khuyến học, 315 Ban Khuyến học; tổng số hội viên là 77. 251 người, chiếm tỉ lệ 13,42% tổng số dân.

 

Trong 5 năm qua, Hội Khuyến học tỉnh đã nhận hỗ trợ khuyến học, khuyến tài từ các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị với tổng số tiền 7.926 tỷ đồng; qua đó đã trao 5.684 suất học bổng, khen thưởng học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ, đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị, qua đó đã bổ sung máy tính bảng cho học sinh, xây mới phòng máy vi tính, xây dựng công trình vệ sinh, sửa chữa phòng học; trao các suất học bổng cho học sinh… Bên cạnh đó, Hội Khuyến học tỉnh đã hợp tác với Tổ chức Xuân - Cộng hòa Pháp thực hiện Chương trình học bổng dành cho học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn và đã trao học bổng với số tiền hơn 963 triệu đồng.

 

Hiện nay, trên toàn tỉnh có 102 trung tâm học tập cộng đồng cấp xã đang hoạt động. Đây là một thiết chế giáo dục có tác dụng giúp cho nhiều người dân thoát cảnh “mù nghề”, “mù máy tính”, góp phần tích cực vào việc tăng tỉ lệ người được đào tạo nghề trong xã hội. Việc cập nhật kiến thức và chuyển giao công nghệ đã giúp cho người dân tiếp cận với những công nghệ sản xuất mới, mang lại hiệu quả xoá đói giảm nghèo trong cộng đồng dân cư, nhất là những cộng đồng trong lĩnh vực “tam nông” (nông nghiệp, nông thôn, nông dân).

 

Bên cạnh đó, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện của chính quyền địa phương và sự phối hợp giữa cơ quan chuyên môn với mặt trận và tổ chức chính trị-xã hội. Đến năm 2023, đã mở 74 lớp xóa mù chữ với 1.901 học viên tham gia.

 

Để góp phần nâng cao nhận thức xã hội cùng chung tay với các cấp chính quyền trong triển khai thực hiện khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Các cơ quan, địa phương đã tăng cường trong công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng; xây dựng những chương trình giáo dục dành cho mọi đối tượng ở mọi lĩnh vực góp phần định hướng xã hội, giáo dục cộng đồng, tạo động lực thúc đẩy phong trào học tập suốt đời, xây dựng hã hội học tập.

 

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cơ bản thực hiện bám sát các quy định của cấp có thẩm quyền, tập trung vào các lĩnh vực bồi dưỡng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch; lý luận chính trị; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm; bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số,… góp phần xây dựng đội ngũ CBCCVC của tỉnh chuyên nghiệp, vững vàng về chính trị, có đủ năng lực để xây dựng nền hành chính tiên tiến, hiện đại.

 

Kết quả thực hiện Kết luận số 49 không chỉ thúc đẩy, lan tỏa phong trào học tập suốt đời trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân mà còn góp phần nâng cao trình độ nhằm đáp ứng những yêu cầu phát triển xã hội trong giai đoạn hiện nay, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ở các lĩnh vực; tích cực tham gia các hoạt động khuyến học, khuyến tài, hỗ trợ, đóng góp cho giáo dục.

 

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục củng cố và phát triển các tổ chức hội khuyến học ở các cộng đồng dân cư; phát triển tổ chức khuyến học trong các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị…; Chú trọng xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em gái.

 

Hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình dạy và học; hỗ trợ cho người học có thể học từ xa, tự học, tạo điều kiện thuận lợi cho người học có thể học tập suốt đời. Nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, đổi mới chương trình, tài liệu giảng dạy, nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên.

 

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân, người lao động trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ, lao động năng động, sáng tạo trong điều kiện nền kinh tế số hiện nay. Khuyến khích các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề và kỹ năng sống cho người lao động./.

 

Lê Hằng