Thứ sáu, Ngày 20/09/2024 -

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc làm việc tại huyện Kon Plông
Ngày đăng: 19/09/2024  14:50
Mặc định Cỡ chữ
Sáng ngày 19/9, đồng chí Y Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở ngành có liên quan đã làm việc với huyện Kon Plông về công tác bảo tồn, phục hồi, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS); công tác quản lý các hoạt động văn hóa và du lịch; công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện.

 

Quang cảnh buổi làm việc

 

Theo báo cáo tại buổi làm việc, công tác bảo tồn và phát triển các giá trị truyền thống văn hóa luôn được địa phương coi trọng, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của các tầng lớp Nhân dân, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong tiến trình hội nhập và phát triển.

 

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 513 bộ cồng chiêng các loại; đã mở 41 lớp truyền dạy các bài chiêng của đồng bào DTTS tại chỗ với 1.340 người tham gia. Ngoài ra, huyện còn mở 10 lớp truyền dạy cồng chiêng, xoang tại các đơn vị trường THCS trên địa bàn huyện. Đến nay, 10/11 trường THCS đã thành lập Câu lạc bộ cồng chiêng tại đơn vị trường.

 

Nhằm bảo tồn gắn với phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng, huyện đã xây dựng đội nghệ nhân trong làng đồng bào các DTTS, các đội cồng chiêng, xoang các xã, thị trấn. Đến nay, có 9/9 xã, thị trấn đều có đội cồng chiêng, xoang, có 72/72 thôn có cồng chiêng phục vụ sinh hoạt và đời sống tinh thần của bà con Nhân dân.

 

Hàng năm, huyện phối hợp với sở, ngành có liên quan khảo sát thống kê di sản văn hóa trên địa bàn như: Cồng chiêng, nghệ nhân, các nghề thủ công truyền thống; lập danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và vật thể các DTTS; tổ chức các cuộc thi về chế tác các nhạc cụ truyền thống gắn bó với cồng chiêng... Bên cạnh đó, công tác “Bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị văn hóa nhà rông truyền thống các DTTS tại chỗ; bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống; nghề truyền thống và bảo tồn làng truyền thống cũng được huyện triển khai đồng bộ.

 

Phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của huyện. Đến nay, trên địa bàn có 132 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú ở nhiều loại hình khác nhau như: Resort, khách sạn, homestay, nhà nghỉ; khoảng 1.250 phòng, đảm bảo phục vụ cho trên 5.000 khách lưu trú, nghỉ dưỡng mỗi ngày. Có 07 điểm du lịch với các loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; du lịch, thể thao và dã ngoại; du lịch văn hóa - tâm linh và các loại hình du lịch thương mại. Để phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch, huyện đã mở 16 lớp du lịch cộng đồng; đã tư vấn, tuyển sinh được 434 học viên và xét công nhận tốt nghiệp cho 396 học viên.

 

Về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), vệ sinh môi trường (VSMT), huyện đã tuyên truyền bằng nhiều hình thức về công tác ATTP, VSMT; tuyên truyền về ngộ độc rượu và phòng chống ngộ độ rượu, ngộ độc nấm, phòng ngừa ngộ độc do độc tố Botulinum. Hoạt động kiểm tra, giám sát chất lượng về ATTP được tăng cường. Đã kịp thời phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm về ATTP. Công tác vệ sinh môi trường, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt ngày càng đảm bảo.

 

Tại buổi làm việc, UBND huyện Kon Plông đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ thêm nguồn vốn cho Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen; hỗ trợ tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu tiềm năng, lợi thế về Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen đến với du khách trong và ngoài nước; hỗ trợ trong công tác phát triển du lịch; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ phát triển du lịch...

 

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận tại buổi làm việc

 

Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị UBND huyện Kon Plông tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá của các dân tộc, nhất là giáo dục học sinh hiểu được ý nghĩa, mục đích của việc bảo tồn văn hoá; cũng như thực hiện tốt công tác quy hoạch, huy động hiệu quả nguồn lực đầu tư phát triển du lịch theo hướng bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp và văn minh.

 

Bên cạnh đó, có giải pháp hướng du khách nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường, tìm hiểu về văn hoá đặc trưng khi đến huyện; địa phương cần cung cấp dịch vụ đảm bảo chất lượng từ ăn, ngủ đến hoạt động văn hóa có giá trị; có trách nhiệm cung cấp thông tin và quy tắc tham quan cho du khách hiểu đối với vùng đến du lịch.

 

Làm tốt công tác quản lý Nhà nước về văn hoá - du lịch - bảo vệ môi trường; quan tâm đến công tác ứng xử văn hóa và bảo tồn văn hóa; khuyến khích cán bộ công chức làm việc tại các cơ sở lưu trú quảng bá các trang phục riêng của từng đồng bào dân tộc nhằm giới thiệu những bản sắc văn hóa riêng.

 

Thời gian tới, đề nghị huyện tập trung tổ chức thực hiện các mục tiêu trong Kế hoạch đến năm 2025 phải đảm bảo; Ban Thường vụ huyện ủy rà soát lại nguồn lực hiện có để tào tạo bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng trong lĩnh vực du lịch; tăng cường đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, trong đó mỗi xã có một chương trình cụ thể để phát triển du lịch tại xã của mình; tăng cường công tác thanh kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch; xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm về giá cả, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường…

 

Lê Hằng