Thứ 5, Ngày 21/11/2024 -
Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) là một trong những chính sách trọng điểm nhằm phát triển toàn diện khu vực nông thôn, nâng cao đời sống của người dân, và thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Thời gian qua, với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự nổ lực của các địa phương, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thúc đẩy sự phát triển bền vững và toàn diện, từ đó góp phần vào sự thịnh vượng chung của đất nước.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện các mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, huyện nghèo vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc tại các địa phương cần được tháo gỡ kịp thời.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số khó khăn, vướng mắc đó là:
Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (MN) giai đoạn 2021-2025, các xã khu vực III, II nếu được công nhận đạt chuẩn NTM sẽ trở về khu vực I và không được hưởng các chính sách về y tế, giáo dục… Thực tế, theo phản ánh, đề nghị của nhiều địa phương, việc không còn được hưởng các chính sách sau khi xã đạt chuẩn NTM đã làm ảnh hưởng đến lợi ích của người dân, cũng như không tạo động lực, khuyến khích các xã đặc biệt khó khăn phấn đấu đạt chuẩn NTM. Số lượng xã đặc biệt khó khăn (xã khu vực III) vùng DTTS và MN, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM còn rất hạn chế. Đến hết tháng 10/2024, cả nước mới có khoảng 156/1.462 xã khu vực III vùng DTTS và MN (Không bao gồm phường, thị trấn và xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM từ năm 2021 trở về trước), có 11/51 xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn NTM (Không bao gồm xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM từ năm 2021 trở về trước).
Theo quy định của Quốc hội, để bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo nguồn vốn ngân sách trung ương phân bổ cho các địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo, không được bố trí vốn từ ngân sách trung ương của Chương trình MTQG xây dựng NTM để thực hiện mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Mặc dù các xã đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo được đầu tư, bố trí vốn ngân sách trung ương của 02 chương trình mục tiêu quốc gia còn lại (Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững) để hỗ trợ thực hiện các dự án, tiểu dự án về: Đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế xã hội (Giao thông, Thủy lợi, Điện, Trường học, Y tế, Cơ sở vật chất văn hóa, Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, Nhà ở dân cư), phát triển sản xuất, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, phát triển y tế, giáo dục, nhưng không đặt mục tiêu hoàn thành theo các tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, có một số chỉ tiêu, tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về NTM không thuộc nội dung được hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách trung ương của 02 chương trình mục tiêu quốc gia nêu trên (Quy hoạch, văn hóa, nước sạch theo quy chuẩn, môi trường và an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị).
Để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM đến 2025 thì các tỉnh, thành phố phải bố trí vốn ngân sách địa phương các cấp, cũng như huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện. Đây là khó khăn và áp lực rất lớn đối với các tỉnh (Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên, Bình Định, Kon Tum,…) có số lượng xã đặc biệt khó khăn, huyện nghèo lớn, điều kiện kinh tế còn rất khó khăn, không thể cân đối, bố trí đủ vốn ngân sách địa phương, cũng như huy động các nguồn lực khác để thực hiện. Đến nay, cả nước còn khoảng 1.117 xã dưới 15 tiêu chí trong đó, có khoảng 511 xã đạt dưới 10 tiêu chí và 606 xã đạt từ 10-14 tiêu chí. Hầu hết đều là các xã khu vực III vùng DTTS và miền núi, xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Do đó, nếu không được bố trí đủ nguồn lực thì các địa phương này rất khó để hoàn thành mục tiêu phấn đấu đến 2025, nhất là mục tiêu không còn xã dưới 15 tiêu chí.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho các địa phương phấn đấu hoàn thành tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2024 và giai đoạn 2021-2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Báo cáo gửi Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, có ý kiến chỉ đạo một số nội dung sau:
Đề nghị Ủy ban Dân tộc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương giao thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc 02 Chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững) theo hướng tập trung hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo để hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021-2025, phấn đấu đến năm 2025 cả nước không còn xã dưới 15 tiêu chí như mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Đề nghị Ủy ban Dân tộc sớm hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về việc tiếp tục thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giáo dục, tiền lương, phụ cấp và các chính sách khác (nếu có) trên địa bàn các xã khu vực III, khu vực II, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 sau khi được cấp có thẩm quyền công nhận xã đạt chuẩn NTM (Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản số 5149/VPCP-QHĐP ngày 19/7/2024 thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang).
Đề nghị Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 cấp tỉnh quan tâm và ưu tiên nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương các cấp (tỉnh, huyện, xã) và các nguồn huy động hợp pháp khác để hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021-2025 không thuộc nội dung đầu tư, hỗ trợ từ nguồn vốn của 02 Chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững) để thực hiện các nội dung về: Quy hoạch, văn hóa, nước sạch theo quy chuẩn, môi trường và an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM và nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên địa bàn./.
Trịnh Minh
Tin tức liên quan