Thứ 5, Ngày 21/11/2024 -
Theo đó, xét đề nghị của Bộ Tài chính tại công văn số 10888/BTC-QLN ngày 11 tháng 10 năm 2024 về tình hình cho vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài như sau:
Về cơ chế chính sách:
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ cùng với các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, báo cáo Chính phủ sửa đổi toàn diện Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2021 và Nghị định số 20/2023/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2023 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, bao gồm các quy định liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, trình tự, thủ tục chuẩn bị đầu tư, ký kết điều ước quốc tế, sử dụng vốn dư, kế toán, kiểm toán, quyết toán, báo cáo, giải ngân để sớm giải quyết các vướng mắc cho các dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ theo đúng chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ tại các văn bản số: 147/TB-VPCP ngày 09 tháng 4 năm 2024, 5281/VPCP-QHQT ngày 25 tháng 7 năm 2024 của Văn phòng Chính phủ.
Đối với những khó khăn, vướng mắc cần điều chỉnh, sửa đổi các quy định pháp lý liên quan đến Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công, Luật Đấu thầu: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, tổng hợp trong quá trình sửa đổi các luật này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy nhanh tiến độ rà soát, sửa đổi bổ sung Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan theo hướng đồng bộ, rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng; đẩy mạnh phân cấp phân quyền; đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Về ký kết Hiệp định vay, Thỏa thuận vay nước ngoài:
Các cơ quan chủ quản lưu ý thời hạn cam kết vốn của nhà tài trợ nước ngoài cho dự án và hoàn thành các thủ tục đầu tư ít nhất 01 năm trước khi hết thời hạn cam kết vốn để có thời gian chuẩn bị đàm phán, ký kết; đồng thời đảm bảo dự án có kế hoạch đàm phán trong năm đã được bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Các cơ quan chủ quản, chủ dự án nghiên cứu kỹ các yêu cầu của nhà tài trợ và khả năng thực hiện phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam trước khi đăng ký nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài và đề xuất giải pháp trong trường hợp có nhu cầu cấp thiết phải sử dụng nguồn vốn nước ngoài.
Về quản lý cho vay lại:
Bộ Tài chính chủ động xây dựng, triển khai các chương trình tập huấn cho các địa phương có sử dụng nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài để nâng cao năng lực quản lý nợ vay lại của các địa phương, bao gồm các chủ đề từ chuẩn bị hồ sơ đến tổ chức vay, lãi suất, theo dõi, giám sát, trả nợ và báo cáo nợ vay lại, từng bước nâng cao năng lực quản lý nợ cấp địa phương trong bối cảnh mới.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh phân cấp phân quyền, đánh giá đúng tính khả thi giải ngân nguồn vốn vay để có cơ sở xây dựng dự toán bội chi, kế hoạch vay, trả nợ phù hợp với thực tế triển khai; chỉ thực hiện điều chỉnh dự toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong trường hợp thực sự cần thiết và chịu trách nhiệm toàn diện đối với các đề xuất, điều chỉnh.
Các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan chủ quản dự án sử dụng vốn vay nước ngoài đôn đốc các chủ dự án thực hiện đúng các quy định tại Nghị định số 114/2021/NĐ-CP nêu trên về quy định gửi báo cáo chi tiêu nguồn vốn vay nước ngoài.
Các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan được ủy quyền cho vay lại, các đơn vị sự nghiệp công lập và các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại công văn số 4906/VPCP-QHQT ngày 11 tháng 7 năm 2024 của Văn phòng Chính phủ về việc phân loại nợ các khoản cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ năm 2023.
Bộ Tài chính chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung, số liệu báo cáo, việc tiếp thu, giải trình ý kiến các cơ quan liên quan và nội dung kiến nghị, đề xuất tại văn bản số 10888/BTC-QLN nêu trên, bảo đảm đúng quy định của pháp luật./.
Trịnh Minh
Tin tức liên quan