Thứ 5, Ngày 21/11/2024 -
Theo đó, hiện nay Ban Tổ chức Trung ương đã giao biên chế năm 2025 (trong đó có bổ sung biên chế giáo viên năm học 2024-2025) cho các địa phương. Để việc thực hiện giao bổ sung kịp thời biên chế giáo viên cho năm học 2024-2025, đảm bảo đúng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý biên chế, Bộ Nội vụ đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
Trên cơ sở số biên chế giáo viên năm học 2024-2025 được bổ sung theo quyết định của Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập của địa phương và thực hiện quản lý, tuyển dụng, sử dụng theo quy định hiện hành.
Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện các giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 7751/VPCP-TCCV ngày 22/10/2024 của Văn phòng Chính phủ về việc bổ sung biên chế giáo viên năm học 2024-2025 và một số công việc sau:
Quản lý, sử dụng hiệu quả số biên chế giáo viên được giao.
Tuyển dụng giáo viên trong chỉ tiêu biên chế theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, vị trí việc làm, cơ cấu môn học theo từng bậc học.
Tổ chức lại các cơ sở giáo dục gắn với nâng cao chất lượng giáo dục; rà soát, sắp xếp lại cơ cấu trường, lớp, bảo đảm sĩ số học sinh/lớp theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phù hợp với thực tế của từng vùng, địa bàn.
Cơ cấu lại, sắp xếp hợp lý đội ngũ để giải quyết tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên trong một địa phương (như thực hiện điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; bố trí giáo viên đi đào tạo để dạy các môn tích hợp...), gắn với việc hoàn thiện các chính sách để khắc phục tình trạng thiếu nguồn tuyển dụng giáo viên (như: (i) Tiếp tục hợp đồng thỉnh giảng đối với những giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại Điều 77 Luật Giáo dục năm 2005 đã ký hợp đồng trước ngày 01/7/2020 (Văn bản số 366/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 27/01/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc một số nội dung liên quan đến trình độ chuẩn được đào tạo và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm); (ii) Nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền cơ chế, chính sách để thu hút sinh viên sư phạm ra trường trở về địa phương giảng dạy; thu hút sinh viên giỏi tốt nghiệp chuyên ngành đào tạo giáo viên hoặc sinh viên giỏi tốt nghiệp các ngành khác có nguyện vọng dự tuyển vào làm giáo viên; (iii) Chủ động rà soát số giáo viên được đào tạo ra trường chưa đạt trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo quy định tại Điều 72 Luật Giáo dục năm 2019, lập kế hoạch, ký hợp đồng đặt hàng đối với các cơ sở giáo dục được giao đào tạo giáo viên thực hiện đào tạo để đạt trình độ chuẩn theo quy định của Luật giáo dục năm 2019.
Đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập ở những vùng, khu vực, lĩnh vực có điều kiện, từ đó cơ cấu lại số lượng người làm việc theo hướng giảm số lượng người làm việc hưởng lương ngân sách và tăng số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp phù hợp với mức độ tự chủ về tài chính theo yêu cầu tại Nghị quyết số 75/2022/QH15 để cân đối chỉ tiêu biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước cho sự nghiệp giáo dục và thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế theo yêu cầu.
Trường hợp số biên chế được giao vẫn còn thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thì đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định số lao động hợp đồng đối với vị trí việc làm là giáo viên trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định, bảo đảm không vượt quá 70% số chênh lệch giữa số lượng người làm việc được giao với số lượng theo định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ./.
Trịnh Minh
Tin tức liên quan