Thứ 4, Ngày 18/12/2024 -
Ảnh minh họa |
Thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm ANTT dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025
Để chủ động làm tốt công tác phòng ngừa, giữ vững ổn định ANTT ngay từ những ngày đầu năm 2025 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, tại Công văn số 4418/UBND-NC ngày 09/12, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống tội phạm trên địa bàn nhằm đảm bảo ANTT, an toàn xã hội trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025; huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và quần chúng Nhân dân tích cực tham gia công tác phòng ngừa, đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, nhất là các loại tội phạm, vi phạm pháp luật thường xảy ra trong dịp lễ, tết góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Giải quyết tốt những vấn đề về an sinh xã hội trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025; các mâu thuẫn, xung đột xã hội, không để phát sinh vụ việc phức tạp, hình thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự.
Triển khai đợt cao điểm vận động Nhân dân thực hiện công tác phòng ngừa xã hội, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm ngay từ cơ sở, nhất là các loại tội phạm phát sinh nhiều trong trong dịp Tết; Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện nếp sống văn hóa, hạn chế lạm dụng rượu bia; tích cực tham gia tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật tại gia đình và cộng đồng dân cư, góp phần giữ vững, ổn định về an ninh, trật tự tại cơ sở.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ma túy và tác hại của tệ nạn ma túy; Tăng cường nắm tình hình, kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025...
Chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản
Tại Công văn số 4439/UBND-NNTN ngày 10/12, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan và các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, đẩy nhanh tiến độ giải quyết TTHC có liên quan đến dự án khai thác khoáng sản, đáp ứng kịp thời nguồn vật liệu phục vụ đầu tư xây dựng các công trình, như:
Chủ động hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đôn đốc các doanh nghiệp đã trúng đấu giá các điểm mỏ khoáng sản hoàn thiện các thủ tục hồ sơ để sớm đưa điểm mỏ vào hoạt động khai thác, cung cấp nguồn vật liệu xây dựng thông thường hợp pháp cho thị trường; Đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ công việc, đúng quy định của pháp luật đối với các TTHC của ngành, đơn vị mình liên quan đến việc cấp phép, dự án đầu tư khai thác khoáng sản. Không đặt thêm các yêu cầu, điều kiện, TTHC gây khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư.
Tăng cường nắm thông tin, đeo bám công việc, lập bảng theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án, chủ động xử lý kịp thời những phát sinh, khó khăn, vướng mắc; trong đó lưu ý đối với các dự án đã, đang triển khai, dự án chuẩn bị kết thúc hoạt động, dự án chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp...
Chỉ đạo nêu: Người đứng đầu các đơn vị và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về nội dung liên quan đến ngành, lĩnh vực, đơn vị mình nếu để xảy ra tình trạng chậm trễ trong việc giải quyết hồ sơ (lỗi không thuộc người dân và doanh nghiệp)...
Tăng cường quản lý thu NSNN đối với các khoản thu liên quan đến đất đai
Tại Công văn số 4435/UBND-KTTH ngày 10/12, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan và các địa phương đẩy mạnh thực hiện việc lập quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết làm cơ sở để triển khai các dự án bất động sản hiệu quả, phù hợp, đồng bộ, hiện đại; Khẩn trương ban hành đầy đủ bảng giá đất và các nội dung khác được quy định chi tiết trong Luật Đất đai và văn bản hướng dẫn thi hành.
Tổ chức tốt công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư; tập trung làm tốt công tác thẩm định, xác định giá đất; đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất, quyền thuê đất đối với các dự án đã đủ điều kiện để cơ quan Thuế có cơ sở đôn đốc thu kịp thời vào NSNN đối với các khoản thu liên quan đến đất đai trên địa bàn.
Tích cực chỉ đạo rà soát và xác định rõ số lượng hồ sơ đất đai còn tồn đọng, nguyên nhân, giải pháp và chỉ rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan; rà soát các dự án bất động sản đã triển khai trên địa bàn nhưng còn vướng mắc về thủ tục đầu tư, xây dựng, quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng,... để kịp thời tháo gỡ khó khăn. Rà soát những dự án đã có quyết định giao đất, không có vướng mắc nhưng chủ đầu tư không triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ, không thực hiện đúng nghĩa vụ tài chính về đất đai thì tổ chức thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai, lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực để triển khai thực hiện, chống lãng phí.
Đẩy mạnh công tác theo dõi, giám sát tình hình thị trường bất động sản tại địa bàn tỉnh để kịp thời có biện pháp, giải pháp phù hợp ổn định tình hình, giữ cho thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Tiếp tục duy trì và tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo chống thất thu và thu hồi nợ đọng thuế, phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Thuế trong công tác quản lý thu, chống thất thu ngân sách, thu hồi nợ đọng đối với các khoản thu từ đất đai, khai thác tăng thu cho NSNN, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN ở mức cao nhất.
Sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị
Ngày 10/12, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 76/2024/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh quy định tại Điều 1 Quyết định số 09/2019/QĐ-UBND ngày 28/5/2019 của UBND tỉnh Kon Tum về việc ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Kon Tum (đã được sửa đổi, bổ sung tại các Quyết định: số 06/2020/QĐ-UBND ngày 13/02/2020; số 42/2020/QĐ-UBND ngày 21/12/2020 và số 31/2022/QĐ-UBND ngày 30/8/2022 của UBND tỉnh Kon Tum).
Đồng thời thay thế, bãi bỏ một số nội dung quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của của tỉnh Kon Tum tại Điều 1 Quyết định số 09/2019/QĐ-UBND ngày 28/5/2019 của UBND tỉnh Kon Tum về việc ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Kon Tum.
Sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Quyết định quy định việc cấp Giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh
Ngày 11/12, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 77/2024/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND ngày 25/5/2021 của UBND tỉnh quy định việc cấp Giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, sửa đổi, bổ sung tên gọi Quyết định "Quy định việc cấp Giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh Kon Tum" thành “Quy định việc cấp Giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Kon Tum”. Đồng thời, sửa đổi bổ sung Điều 1; Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 2; Bổ sung Điều 3a vào sau Điều 3 về thời hạn tồn tại của công trình, nhà ở riêng lẻ ghi trong giấy phép xây dựng có thời hạn"; Sửa đổi, bổ sung Điều 5; Bổ sung Điều 5a vào sau Điều 5 "Trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh".
Quyết định bãi bỏ một số khoản, điều của Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND ngày 25/5/2021, gồm: Khoản 3 Điều 2 và toàn bộ Điều 4.
Định mức số lượng học sinh/lớp theo vùng trong các cơ sở GDPT công lập trên địa bàn tỉnh
Ngày 11/12, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 78/2024/QĐ-UBND quy định định mức số lượng học sinh/lớp theo vùng trong các cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT) công lập trên địa bàn tỉnh.
Ban hành kèm theo Quyết định là các phụ lục định mức số lượng học sinh/lớp theo vùng đối với các cơ sở GDPT công lập theo từng địa bàn các huyện và thành phố Kon Tum. Các định mức này không áp dụng đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông trung học chuyên.
Chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm ngập mặn, tại Công văn số 4454/UBND-NNTN ngày 11/12/2024, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ; rà soát, đánh giá khả năng nguồn nước, xây dựng phương án sử dụng nguồn nước phù hợp phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là bảo đảm nước sinh hoạt của Nhân dân trong các tháng cao điểm nắng nóng, hạn hán trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền, quy định.
Giao UBND các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, hạn hán, xác định mức độ ảnh hưởng đến từng địa bàn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó hạn hán phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, trong đó hướng dẫn người dân chủ động dự trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; ưu tiên bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân, các cơ sở y tế, giáo dục và các nhu cầu thiết yếu khác, kiên quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt.
Phê duyệt Kế hoạch Xúc tiến thương mại địa phương năm 2025
Tại Quyết định số 817/QĐ-UBND ngày 12/5, UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch Xúc tiến thương mại địa phương năm 2025 với các hoạt động, như: Tham gia hội chợ, triển lãm, tham gia Hội nghị kết nối giao thương trong nước; Tham gia hội chợ, triển lãm, tham gia Hội nghị kết nối giao thương tại nước ngoài; Tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; Hỗ trợ xây dựng Thương hiệu; Tuyên truyền, quảng bá sản phẩm tỉnh Kon Tum năm 2025... với tổng kinh phí đề xuất khoảng 640 triệu đồng.
Kế hoạch nhằm quảng bá, giới thiệu thành tựu và tiềm năng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh; Thu hút các đối tác, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, trong nước và ngoài nước quan tâm, hợp tác, đầu tư tại tỉnh; Giúp các đơn vị, doanh nghiệp, người nông dân của tỉnh tổ chức, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại; Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Phát triển thị trường, mặt hàng xuất khẩu, tăng thị phần kim ngạch tại những thị trường xuất khẩu truyền thống; Xây dựng thương hiệu để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường sản phẩm, hợp tác, giao lưu thương mại trong và ngoài nước, đồng thời tạo chỗ đứng cho sản phẩm của các doanh nghiệp tỉnh Kon Tum.
Chấn chỉnh trong việc thực hiện dự toán NSNN đã giao năm 2024
Tại Công văn số 4503/UBND-KTTH ngày 13/12, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc lập dự toán kinh phí không sát; không thường xuyên rà roát dự toán kinh phí không thực hiện hoặc không giải ngân hết kinh phí được giao năm 2024 dẫn đến phải thực hiện cắt, giảm, điều chuyển kinh phí cho các đơn vị, nhiệm vụ phát sinh khác làm bị động trong điều hành ngân sách.
Giao Sở Tài chính tăng cường theo dõi, rà soát, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, địa phương sử dụng NSNN nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc đẩy nhanh tiến độ chi ngân sách trong phạm vi dự toán được giao, kể cả chi cho các chế độ, chính sách, nhiệm vụ, đề án theo các chương trình mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình thảo luận, xây dựng dự toán và phương án phân bổ ngân sách hằng năm đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, tránh cắt giảm, điều chỉnh nhiều lần.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng; tại Công văn số 4508/UBND-KTTH ngày 13/12, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương quyết tâm hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa, chủ động tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh giao tại các Quyết định, Chỉ thị, văn bản chỉ đạo về phát triển thị trường trong nước; rà soát, ưu tiên triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công, các gói tín dụng cũng như các chính sách thu hút nguồn lực xã hội tham gia thực hiện các chương trình, nhiệm vụ liên quan đến kích cầu tiêu dùng.
Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa quy trình đầu tư và thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
UBND tỉnh giao các cơ quan liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tổ chức tốt thị trường trong nước, các kênh phân phối truyền thống và hiện đại, tạo thuận lợi cho hoạt động tiêu thụ hàng hóa; Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa sản xuất tại địa phương; Tiếp tục đẩy mạnh triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới trong đó có các chính sách, giải pháp nhằm kích cầu du lịch; Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất chính sách, giải pháp hoàn thiện hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn...
Thái Ninh
Tin tức liên quan