Thứ 4, Ngày 18/12/2024 -
Đại biểu tham dự tại hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum |
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở ngành liên quan; lãnh đạo cơ quan và các đơn vị trực thuộc Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự tỉnh.
Năm 2024, Bộ Tư pháp đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời, bám sát mục tiêu, chương trình phát triển KTXH năm 2024 tại các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và của từng địa phương. Việc triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, các nghị quyết, chương trình hành động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được thực hiện chủ động, khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm, kịp thời xây dựng, ban hành và điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác, bảo đảm thứ tự ưu tiên, tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện kịp thời, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ đề ra; công tác chỉ đạo, điều hành tiếp tục có nhiều đổi mới, hiệu quả cao hơn.
Công tác xây dựng, thẩm định, rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) đã được các Bộ, ngành quan tâm, chú trọng triển khai quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực: Bộ Tư pháp, cùng các bộ, ngành đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 28 luật. Toàn ngành đã tham mưu xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền hơn 832 văn bản QPPL; cơ quan tư pháp tại địa phương đã phối hợp tham mưu ban hành 4.832 văn bản QPPL cấp tỉnh, 2.144 văn bản QPPL cấp huyện và 2.629 văn bản QPPL cấp xã.
Công tác tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, bám sát các lĩnh vực trọng tâm, liên ngành, gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng pháp luật có nhiều đổi mới, mang lại hiệu quả tích cực theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục được triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đạt được nhiều kết quả nổi bật. Các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức 566.479 cuộc tuyên truyền pháp luật cho hơn 55 triệu lượt người; tổ chức 10.239 cuộc thi cho hơn 14 triệu lượt người dự thi; phát hơn 46 triệu tài liệu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam được triển khai đa dạng, phong phú.
Công tác trợ giúp pháp lý đạt được nhiều kết quả nổi bật, năm 2024 cả nước đã thụ lý mới 39.641 vụ việc, đã hoàn thành 37.343 vụ việc (tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó số vụ việc tham gia tố tụng hoàn thành là 30.538 vụ việc (tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023). Tất cả các vụ việc thẩm định, đánh giá đều đạt chất lượng trở lên.
Công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao, các cơ quan THADS đã thi hành xong 620.657 việc (tăng 7,97% so với năm 2023; cao hơn 0,63% chỉ tiêu được giao năm 2024. Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực tiếp tục được đổi mới, đáp ứng yêu cầu cải cách TTHC và triển khai Đề án 06 của Chính phủ; cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã triển khai thí điểm cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID và được người dân đón nhận tích cực.
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng đã quán triệt Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp (Thông báo số 108-TB/VPTW ngày 18/11/2024 của Văn phòng Trung ương Đảng).
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà Bộ và ngành Tư pháp đã đạt được; đồng thời nhấn mạnh một số nhiệm vụ thời gian tới: Bộ, ngành Tư pháp kịp thời quán triệt, tham mưu thể chế hóa đầy đủ và triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp, đặc biệt là công tác xây dựng và thi hành pháp luật theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp. Xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”.
Tập trung rà soát cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, đề xuất và triển khai các phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy Bộ, ngành Tư pháp bảo đảm tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với quy định, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật gắn với việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và phần mềm ứng dụng của ngành Tư pháp bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ trên môi trường mạng và một số nội dung quan trọng khác.
Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị cấp ủy chính quyền các địa phương quan tâm đến công tác Tư pháp, công tác thi hành án dân sự, hỗ trợ đội ngũ cán bộ ngành Tư pháp, thi hành án dân sự hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian tới...
Hữu Phương
Tin tức liên quan