Thứ 7, Ngày 04/01/2025 -

Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2024
Ngày đăng: 31/12/2024  18:21
Mặc định Cỡ chữ
Chiều ngày 31/12, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và chỉ đạo hội nghị.

 

Đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum

 

Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí Nguyễn Ngọc Sâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh.

 

Năm 2024, nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm đạt khoảng 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6 - 6,5%); thu ngân sách nhà nước (NSNN) vượt dự toán, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển, bội chi NSNN và nợ công được kiểm soát thấp hơn mục tiêu, góp phần củng cố an ninh tài chính quốc gia; thị trường tài chính, chứng khoán phát triển; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thu hút vốn đầu tư; mở rộng đối ngoại, ngoại giao kinh tế.

 

Tính đến ngày 27/12, Bộ Tài chính đã hoàn thành 63 đề án nhiệm vụ được giao, trong đó có 38 đề án, nhiệm vụ được giao bổ sung; Tham mưu Chính phủ ban hành 23 Nghị định và 20 dự thảo Nghị định đang xem xét ban hành; tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 Quyết định và 02 dự thảo Quyết định đang xem xét ban hành; đồng thời, Bộ Tài chính đã ban hành 86 Thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực tài chính - NSNN.

 

Thu NSNN năm 2024 ước đạt khoảng 2.025,4 nghìn tỷ đồng, bằng 119,1% (tăng 324,4 nghìn tỷ đồng) so dự toán, tăng 15,5% so thực hiện năm 2023 (thu NSTW ước đạt 123,7% dự toán, thu NSĐP ước đạt 114,4% dự toán); tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 17,8%GDP, riêng thuế, phí đạt 14,2%GDP. Tổng chi NSNN ước đến ngày 31/12 đạt khoảng 1.830,8 nghìn tỷ đồng, bằng 86,4% dự toán; trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 78,1% dự toán Quốc hội quyết định; tỷ lệ giải ngân ước đạt 77,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt khoảng 81,9%); chi thường xuyên ước đạt 94,5% dự toán.

 

Bên cạnh đó, ngành Tài chính cũng đã tập trung điều hành giá cả, thị trường bám sát tình hình thực tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, kiểm soát lạm phát, ổn định đời sống của người dân; tăng cường quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; tăng cường công tác công khai, thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN...

 

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về một số nội dung: Điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô nhằm tháo gỡ khó khăn, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công, điều hành giá cả thị trường phù hợp với tình hình thực tế, kiểm soát lạm phát, ổn định đời sống của người dân, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, công tác quản lý tài sản công, công tác thu - chi ngân sách, hội nhập quốc tế. Đồng thời các đại biểu cũng phân tích làm rõ những hạn chế, khó khăn của các đơn vị, địa phương trong công tác thu - chi ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công và quản lý rủi ro một số lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu, bảo hiểm...

 

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của toàn ngành tài chính trong năm 2024, góp phần quan trọng vào kết quả, thành tích chung của đất nước, kinh tế vĩ mô ổn định, bảo đảm an sinh xã hội.

 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu năm 2025, ngành Tài chính tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu NSNN, tăng cường quản lý thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất, bảo đảm nguồn lực thực hiện các mục tiêu đặt ra; thực hiện nghiêm pháp luật về thu, quản lý thu NSNN, tập trung thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý thu NSNN, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất đảm bảo nguồn lực phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; quản lý chi NSNN chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại chi NSNN, gắn với các mục tiêu về tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững.

 

Tăng cường công tác quản lý giá cả, thị trường; đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; bảo đảm sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; thực hiện quyết liệt tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, xây dựng cơ cấu sở hữu hợp lý, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, nòng cốt cho kinh tế nhà nước...

 

Hữu Phương