Thứ 4, Ngày 15/01/2025 -
Theo đó, Ngày 03 tháng 01 năm 2025, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo về tình hình sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2024; các nhiệm vụ, giải pháp năm 2025.
Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện, kết quả đạt được, tồn tại hạn chế và nguyên nhân; để thực hiện tốt công tác quản lý, cơ cấu lại, hỗ trợ, phát triển DNNN, DN nói chung trong năm 2025 và một số định hướng cơ chế chính sách trong giai đoạn sau 2025, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa XII, Nghị quyết số 10-NQ/TW Hội nghị Trung ương Đảng 5 khóa XII, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tạo sự nhất trí cao và có hành động quyết liệt, cụ thể trong thực hiện.
Người đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên/Chủ tịch Hội đồng quản trị/người đại diện phần vốn nhà nước tại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN chịu trách nhiệm về tiến độ phê duyệt và tổ chức thực hiện Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp, kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả.
Định kỳ hàng Quý hoặc 6 tháng, Ban Chỉ đạo tổ chức họp để đánh giá về tình hình thời gian vừa qua (tình hình hoạt động của Ban Chỉ đạo; tình hình triển khai công tác sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp…), kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, phát sinh, tồn tại (nếu có).
Các DNNN, tập đoàn kinh tế, tổng công ty chủ động nghiên cứu xu hướng phát triển các ngành, lĩnh vực mới trên thế giới, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, bám sát tình hình, phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển, bảo đảm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu, các cân đối lớn cho nền kinh tế.
Các cơ quan đại diện chủ sở hữu tập trung triển khai các nhiệm vụ sau: Chủ động, tích cực nắm bắt tình hình thực tiễn nhất là những khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn trong hoạt động sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của NNN nói riêng; các tồn tại, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói chung. Trên cơ sở đó, khẩn trương xử lý các vấn đề thuộc thẩm thẩm quyền; phối hợp, kiến nghị với các Bộ để tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý các vấn đề còn tồn đọng, phát sinh mới. Chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty, DNNN trực thuộc đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng các dự án đầu tư. Tập trung cao độ nguồn lực để bảo đảm các mốc tiến độ thực hiện đối với những dự án lớn, quan trọng. Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp đã được phê duyệt đảm bảo phù hợp, khả thi, không thất thoát, mất vốn, tài sản của Nhà nước. Chỉ đạo tăng cường công khai, minh bạch thông tin về tình hình tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN để tạo niềm tin, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trước khi triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn. Trong Quý I/2025 phải hoàn thành phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp theo Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17 tháng 03 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo, cơ quan đại diện chủ sở hữu tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng, phê duyệt, triển khai Đề án cơ cấu lại của tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN; khẩn trương có văn bản đôn đốc các cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt Đề án cơ cấu lại DNNN trực thuộc theo theo thẩm quyền, quy định pháp luật. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan hoàn thiện báo cáo, đề xuất về việc kéo dài triển khai thực hiện QĐ số 360/QĐ-TTg cho giai đoạn sau 2025 (nêu tại điểm 2 phần III báo cáo kèm theo văn bản số 14271/BTC-TCDN ngày 25 tháng 12 năm 2024), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý II năm 2025, trong đó đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cơ cấu lại doanh nghiệp, bảo đảm nguyên tắc cơ quan đại diện chủ sở hữu không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động quản lý, điều hành của doanh nghiệp. Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất định hướng, cách thức triển khai cơ cấu lại, sắp xếp lại, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN; tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước trong giai đoạn 2026-2030; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý II năm 2025.
Về số thu cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025: Bộ Tài chính chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung báo cáo, đề xuất tại văn bản số 14008/BTC-TCDN ngày 20 tháng 12 năm 2024; chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp nội dung này trong các báo cáo định kỳ, trình cấp có thẩm quyền theo pháp luật liên quan về ngân sách nhà nước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nghiên cứu các ý kiến tại cuộc họp để chủ động, tích cực phối hợp, tham gia ý kiến với Ban Kinh tế Trung ương trong việc sơ kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương, khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương thực hiện đúng, đầy đủ ý kiến chỉ đạo tại văn bản số 72/VPCP-KTTH ngày 03 tháng 01 năm 2025, theo đó, khẩn trương theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền thực hiện các giải pháp để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu.
Các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam… theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương nghiên cứu các kiến nghị của các Tập đoàn, Tổng công ty nêu tại cuộc họp để xử lý ngay các vấn đề thuộc thẩm quyền theo quy định pháp luật; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hoặc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung ban hành pháp luật liên quan.
Các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện công tác sắp xếp, cổ phần hóa, cơ cấu lại theo thẩm quyền; Ban Chỉ đạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, tiếp tục tổ chức đôn đốc, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện tại một số cơ quan, đơn vị trọng điểm./.
Trịnh Minh
Tin tức liên quan