Thứ 3, Ngày 11/02/2025 -

Kết quả xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam và giá trị THQG Việt Nam năm 2024
Ngày đăng: 11/02/2025  11:26
Mặc định Cỡ chữ
Năm 2024, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam (THQG) tiếp tục được Tổ chức Brand Finance định giá 507 tỷ USD, xếp hạng 32/193 quốc gia, tăng 1 bậc và 2% về giá trị so với năm 2023

 

Về hoạt động xét chọn sản phẩm đạt THQG Việt Nam

 

Kỳ xét chọn lần thứ 9 các sản phần đạt THQG Việt Nam năm 2024 tiếp tục thu hút được sự quan tâm, tham gia của trên 1.000 doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực khác nhau trên cả nước, trong đó có 243 hồ sơ đầy đủ, hợp lệ theo quy định tại Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg. Các hồ sơ đăng ký đầy đủ, hợp lệ sau quá trình sàng lọc theo quy định đã được Ban Thư ký - Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương chuyển tới xin ý kiến các thành viên Ban chuyên gia của Chương trình THQG Việt Nam. Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật cũng như việc thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp khi đăng ký xét chọn, cụ thể gồm: Bộ Tài chính (về chấp hành pháp luật về thuế và hải quan), Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương (về chấp hành pháp luật về môi trường và lao động). Ngoài ra, Ban Thư ký đã phối hợp với các đơn vị chuyên ngành có uy tín đánh giá các chỉ tiêu liên quan đối với mỗi hồ sơ, cụ thể: Công ty Cổ phần Mibrand thực hiện khảo sát khả năng nhận biết thương hiệu, Công ty Kiểm toán KPMG đánh giá sức khoẻ tài chính; Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) xếp hạng tín dụng.

 

Trải qua 9 tháng triển khai, trên cơ sở ý kiến thống nhất của các thành viên Hội đồng THQG Việt Nam, đã có 359 sản phẩm của 190 doanh nghiệp được xét chọn là sản phẩm đạt THQG, tăng 10,5% về số lượng sản phẩm (từ 325 sản phẩm kỳ xét chọn năm 2022 lên 359 sản phẩm kỳ xét chọn năm 2024) và tăng 10,5% về số lượng các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG (từ 172 doanh nghiệp kỳ xét chọn năm 2022 lên 190 doanh nghiệp kỳ xét chọn năm 2024).

 

Trong kỳ xét chọn năm 2024, một số thương hiệu dù được đánh giá là mạnh và có tiếng trên thị trường và đã từng được công nhận là doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG những kỳ trước, nhưng không đạt đủ điểm hồ sơ hoặc không đáp ứng theo các tiêu chí của Chương trình quy định tại Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg, Thông tư số 33/2019/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định hệ thống tiêu chí của Chương trình THQG Việt Nam và Thông tư số 25/2021/TTBCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2019/TT-BCT và không được đa số các ủy viên Hội đồng THQG đồng ý đều không được công nhận. Cụ thể như: Công ty CP nước giải khát Tân Hiệp Phát, Công ty CP Cao su miền Nam, Công ty CP Giải pháp thanh toán trực tuyến VnPay, Công ty CP Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn, Công ty CP Vietronic Tân Bình, Công ty CP Thuốc và Thiết bị tế Bình Định, Công ty CP Dược phẩm Đà Nẵng. Điều này, thể hiện tính chặt chẽ, nghiêm túc và minh bạch, công khai trong quy trình xét chọn và thẩm định hồ sơ của Hội đồng THQG Việt Nam.

 

Để vinh danh các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG Việt Nam năm 2024, ngày 04 tháng 11 năm 2024, Bộ Công Thương đã tổ chức Lễ Công bố các sản phẩm đạt THQG Việt Nam năm 2024 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia với chủ đề “Vươn mình tiến vào kỷ nguyên xanh”. Tham dự Lễ Công bố có khoảng 1.500 đại biểu, trong đó đặc biệt được Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đến tham dự và phát biểu chỉ đạo, cùng với nhiều Lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương trên cả nước, đại sứ quán các nước và các tổ chức quốc tế. Lễ công bố cũng giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội và cộng đồng doanh nghiệp về Chương trình THQG nói riêng và việc xây dựng, phát triển thương hiệu nói chung, cũng như tăng độ nhận diện của các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ có chất lượng, đạt THQG tại thị trường trong và ngoài nước.

 

Để đảm bảo các doanh nghiệp đạt THQG tiếp tục duy trì và phát huy các tiêu chỉ của chương trình, Bộ Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo về việc tuân thủ quy chế, quy định của Chương trình. Kết quả báo cáo của các doanh nghiệp cho thấy các doanh nghiệp đã có những nỗ lực đáng ghi nhận trong việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ thuế và trách nhiệm xã hội.

 

Về giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024

 

Theo Brand Finance (Tổ chức tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu độc lập hàng đầu thế giới, có trụ sở tại Luân-đôn, Anh), THQG Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc trong những năm gần đây, Việt Nam không chỉ lọt top 100 nước có thương hiệu mạnh mà còn là nước có giá trị thương hiệu tăng nhanh nhất thế giới giai đoạn 2019 – 2023. Đánh giá về giá trị THQG Việt Nam và sự đóng góp của Chương trình THQG Việt Nam được thể hiện như sau:

 

Về giá trị THQG Việt Nam và Top 50 thương hiệu doanh nghiệp giá trị nhất Việt Nam

 

Năm 2024, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng giá trị THQG Việt Nam tiếp tục được Tổ chức Brand Finance định giá 507 tỷ USD, xếp hạng 32/193 quốc gia, tăng 1 bậc và 2% về giá trị so với năm 2023. Đóng góp lớn vào sự tăng trưởng này cũng được Brand Finance ghi nhận gồm nhiều doanh nghiệp THQG thuộc Top 50 thương hiệu doanh nghiệp giá trị nhất Việt Nam của các ngành hàng như viễn thông (Viettel, Vinaphone, Mobiphone), ngân hàng (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) và thực phẩm (Vinamilk, Massan).

 

Đặc biệt năm 2024, thương hiệu VinFast lần đầu tiên được vinh danh sản phẩm đạt THQG Việt Nam, với mức tăng trưởng giá trị thương hiệu đạt mức 142%, giành vị trí dẫn đầu thương hiệu có giá trị thay đổi lớn nhất Việt Nam, đạt 181 triệu USD, bước đầu đánh dấu sự tham gia mạnh mẽ của ngành công nghiệp ô tô, xe máy Việt Nam với các thương hiệu ô tô, xe máy lớn khác trên toàn cầu.

 

Về tỷ trọng doanh nghiệp THQG Việt Nam trong Top thương hiệu doanh nghiệp giá trị nhất Việt Nam

 

Trên cơ sở báo cáo của Brand Finance năm 2024, tỷ trọng về số lượng và giá trị của doanh nghiệp THQG Việt Nam trong Top 50 và Top 10 thương hiệu doanh nghiệp giá trị nhất Việt Nam, cụ thể: 

 

Về số lượng: Trong Top 50 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2024, có sự góp mặt của 23 thương hiệu sản phẩm đạt THQG Việt Nam, tăng 15% so với năm 2023. Đặc biệt, trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, số lượng thương hiệu sản phẩm đạt THQG Việt Nam chiếm tới 8 vị trí dẫn đầu, giá trị chiếm tới 88,8%.

 

Về giá trị: Giá trị thương hiệu của doanh nghiệp THQG Việt Nam tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ về giá trị thương hiệu của các ngành viễn thông, ngân hàng và thực phẩm.

 

Các thương hiệu viễn thông đóng góp nhiều nhất vào bảng xếp hạng Top 100, chiếm khoảng 32% tổng giá trị của tất cả các thương hiệu trong bảng xếp hạng. Tổng giá trị thương hiệu là 14,2 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2023. Trong số 5 thương hiệu viễn thông giá trị nhất Việt Nam (đạt 14,1 tỷ USD) có 4 THQG là Viettel (8,9 tỷ USD), VNPT (2,6 tỷ), Vinaphone (gần 1 tỷ USD) và Mobifone (0,6 tỷ USD); chiếm 83% tổng giá trị của Top 5 thương hiệu viễn thông.

 

Đóng góp lớn thứ hai trong bảng xếp hạng Top 100 là các thương hiệu ngân hàng, chiếm khoảng 32% tổng giá trị của tất cả các thương hiệu trong bảng xếp hạng. Tổng giá trị thương hiệu là 13,8 tỷ USD, so với năm 2023 tăng 10%. Trong số 5 thương hiệu ngân hàng có giá trị nhất Việt Nam (đạt 8,1 tỷ USD) có 4 THQG là Vietcombank (2 tỷ USD), BIDV (1,6 tỷ USD), Agribank (1,5 tỷ USD), và Vietinbank (1,5 tỷ USD); chiếm 81,5% tổng giá trị của Top 5 thương hiệu ngân hàng.

 

Đóng góp lớn thứ ba trong bảng xếp hạng Top 100 là các thương hiệu thực phẩm và đồ uống chiếm khoảng 9% tổng giá trị của tất cả các thương hiệu trong bảng xếp hạng. Nhờ sức tiêu thụ nội địa mạnh mẽ và khả năng tiếp cận thị trường quốc tế dễ dàng hơn, ngành thực phẩm ở Việt Nam đã có sự tăng trưởng ổn định, tổng giá trị thương hiệu là 4 tỷ USD. Trong số 5 thương hiệu thực phẩm và đồ uống giá trị nhất Việt Nam (đạt 3,3 tỷ USD) có 1 THQG là Vinamilk (2,6 tỷ USD), chiếm 79% tổng giá trị của Top 5 thương hiệu thực phẩm và đồ uống./.

 

                                                                                                    Trịnh Minh