Thứ 3, Ngày 11/02/2025 -

Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh
Ngày đăng: 11/02/2025  14:19
Mặc định Cỡ chữ
Việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức cấp xã là một nhiệm vụ trọng tâm, nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước vừa là mục tiêu cơ bản lâu dài, vừa là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách trong tình hình hiện nay, nhất là trong cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy.

 

Cán bộ, công chức cấp xã là những người làm việc trong bộ máy chính quyền cấp xã, là cấp gần Nhân dân nhất, là những người trực tiếp tổ chức triển khai thực hiện, đưa đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống là nơi trực tiếp lắng nghe giải quyết hoặc kiến nghị cấp cao hơn những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Do đó, đội ngũ này có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện quản lý nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Sự vững mạnh của chính quyền cấp xã là nền tảng vững mạnh của hệ thống chính trị mà cán bộ công chức là nhân tố quyết định. Chính vì vậy việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức cấp xã là một nhiệm vụ trọng tâm nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước vừa là mục tiêu cơ bản lâu dài, vừa là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách trong tình hình hiện nay.

 

Hiện nay, tổng số cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh Kon Tum là 1.987 người (cán bộ 1.075 người và công chức 912 người). Trong đó: Về trình độ học vấn: Trung học phổ thông 1.959 người, chiếm  98,6%; Trung học cơ sở 28 người, chiếm 1,4%. Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Sau Đại học: 34 người, chiếm 1,71%; Đại học 1662 người, chiếm 83,64%; Cao đẳng, trung cấp: 249 người, chiếm 12,53%; Sơ cấp 42 người, chiếm 2,11%.

 

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân tỉnh, các cấp uỷ đảng và chính quyền trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, từ đó chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong tỉnh đã từng bước được nâng cao, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ngày càng có ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần đoàn kết và có trách nhiệm trong công tác, có tinh thần khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cán bộ công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, đó là:

 

Hạn chế về trình độ chuyên môn và năng lực

 

Một số cán bộ chưa được đào tạo bài bản hoặc chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu về trình độ chuyên môn. Bên cạnh đó, kỹ năng quản lý, xử lý công việc hành chính và tiếp dân còn hạn chế. Chậm cập nhật các quy định, chính sách mới của Nhà nước.

 

Thiếu tính chủ động, sáng tạo trong công việc

 

Nhiều cán bộ còn làm việc theo lối hành chính máy móc, thiếu linh hoạt trong giải quyết vấn đề. Tâm lý e ngại đổi mới, chưa chủ động đề xuất giải pháp cải thiện hiệu quả công việc.

 

Vẫn còn có một số cán bộ, công chức tinh thần trách nhiệm chưa cao

 

Một số cán bộ chưa thực sự tận tâm phục vụ nhân dân, còn biểu hiện quan liêu, xa dân. Tình trạng nhũng nhiễu, gây khó dễ khi giải quyết thủ tục hành chính vẫn tồn tại. Chưa làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo…

 

Để tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong thời gian tới, tỉnh Kon Tum đã đề ra một số giải pháp cơ bản sau:

 

Thứ nhất, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đối với các trường hợp cán bộ, công chức cấp xã chưa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và Quyết định số 13/2024/QĐ-UBND ngày 19/02/2024 của Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định về tiêu chuẩn đối với cán bộ, công chức cấp xã. Ngoài việc đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng, thái độ, kiến thức về làm việc với Nhân dân; kết hợp lý luận gắn với thực tiễn, tăng cường bồi dưỡng kỹ năng cho từng chức danh cán bộ, công chức cấp xã theo hướng thiết thực, hiệu quả chất lượng. Đây là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết để giảm thiểu tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu của một số cán bộ, công chức hiện nay. Theo đó, nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đảm bảo nội dung sát với thực tế, hướng vào các vấn đề thiết thực đặt ra từ quá trình thực thi công vụ, coi trọng việc rèn luyện nâng cao kỹ năng công tác: kỹ năng tuyên truyền, thuyết phục, kỹ năng lập dự án, xây dựng kế hoạch, kỹ năng hành chính..., phù hợp với tính chất, đặc thù công việc ở cấp xã. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng phải sát với thực tiễn sao cho cán bộ, công chức cấp xã sau đào tạo phải có đủ kỹ năng đáp ứng yêu cầu của công việc.

 

Thứ hai, tiến hành khảo sát, đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức xã. Trên cơ sở đó có thể đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ kém phẩm chất, không đủ tiêu chuẩn, thực hiện trong sạch hệ thống chính trị cấp xã. Đồng thời có chế độ khen thưởng, động viên kịp thời đối với những cán bộ, công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

 

Thứ ba, thực hiện việc quy hoạch, tạo nguồn đối với cán bộ, công chức cấp xã đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định; đồng thời phải đảm bảo tính khoa học, khả thi trong công tác quy hoạch, phát huy dân chủ trong toàn bộ quy trình quy hoạch. Việc bầu, tuyển dụng, bổ nhiệm mới đối với cán bộ, công chức cấp xã phải triển khai thực hiện theo hướng đáp ứng tiêu chuẩn chuyên môn theo chức vụ, chức danh quy định. Bảo đảm đúng tiêu chuẩn về chức danh, chức vụ, không bố trí cán bộ, tuyển dụng công chức cấp xã không đạt chuẩn về chuyên môn.

 

Thứ tư, tăng cường cán bộ cho chính quyền cơ sở, thực hiện việc luân chuyển cán bộ cấp huyện có năng lực về xã, nhất là đối với các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt việc bổ nhiệm cán bộ, công chức cấp xã có năng lực, phẩm chất tốt làm lãnh đạo để khắc phục tình trạng cục bộ địa phương, tạo động lực cho cán bộ công chức tích cực làm việc, nỗ lực học tập, rèn luyện, phấn đấu.

 

Thứ năm, thực hiện tốt công tác kiểm tra, đánh giá, khen thưởng và kỷ luật. Việc đánh giá cán bộ, công chức phải đảm bảo nội dung, quy trình theo quy định, công khai, dân chủ, minh bạch, các tiêu chí đánh giá phải cụ thể, rõ ràng đối với từng chức danh cán bộ, công chức. Đồng thời, xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức có biểu hiện sa sút về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ./.

 

                                                                                            Mai Anh