Thứ 4, Ngày 12/02/2025 -

Đẩy mạnh chuyển đổi số hướng đến nông thôn mới thông minh
Ngày đăng: 12/02/2025  08:17
Mặc định Cỡ chữ
Thực hiện Chương trình chuyển đổi số, tỉnh đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới (NTM), hướng đến NTM thông minh; từ đó tăng cường hiệu quả thúc đẩy kinh tế nông thôn trên địa bàn tỉnh phát triển.

 

Bộ mặt thôn nông thôn mới tại xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy khởi sắc nhờ chuyển đổi số

 

Năm 2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời, lựa chọn các xã để xây dựng mô hình thí điểm xã NTM thông minh; với mục tiêu là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng NTM, từng bước hướng tới NTM thông minh, tập trung các nội dung như: phát triển chính quyền số ở nông thôn; phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn và phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn.

 

Được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Hoạt động chuyển đổi số trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh bước đầu mang lại những kết quả tích cực góp phần thúc đẩy quá trình số hóa nhằm thay đổi căn bản hoạt động quản lý, điều hành, giám sát của cơ quan chính quyền các cấp, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông được phát triển đồng bộ, rộng khắp đến cấp xã; các nền tảng dùng chung phục vụ chính quyền số được triển khai động bộ; các hệ thống thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp được chú trọng triển khai và phát huy hiệu quả.

 

Về phát triển chính quyền số, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực, từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Đến nay, tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số TTHC có đủ điều kiện trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 100% (với 1.101 đủ điều kiện cung cấp DVCTT toàn trình); tỷ lệ hồ sơ TTHC nộp trực tuyến đạt 43,92%; tỷ lệ thanh toán trực tuyến theo Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp đạt 84,05% (đứng thứ 02/63 tỉnh, thành phố); tỷ lệ tiếp nhận, giải quyết 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 đạt 85,37%, (tăng 29,19% so với cùng kỳ năm 2023); tỷ lệ tiếp nhận, giải quyết 28 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg đạt 53,68% (tăng 53,68% so với cùng kỳ năm 2023).

 

Xây dựng mô hình xã, thôn thông minh, mục tiêu đến năm 2025, có 01 xã đạt chuẩn xã NTM thông minh (xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà) và 07 mô hình điểm về xây dựng thôn NTM thông minh. Hiện nay, mô hình thí điểm xã NTM thông minh tại xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum đã được UBND tỉnh phê duyệt; 01 mô hình thôn đảm bảo đủ điều kiện là mô hình thôn thông minh (thôn 3, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy); 02 thôn cơ bản đáp ứng đủ các điều kiện về thôn thông minh (thôn 2, xã Hà Mòn và thôn 3, xã Đăk Mar); 04 thôn còn lại đang tiếp tục triển khai thực hiện đảm bảo theo kế hoạch, lộ trình đề ra.

 

Việc phát triển kinh tế số, xã hội số đã thay đổi nhận thức về cách thức bán hàng, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương...; đồng thời, giúp sản phẩm của địa phương được nhiều người biết đến, tin dùng và có độ nhận diện cao. Đến nay, 116.656 hộ sản xuất nông nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử; có 143.472 hộ được đào tạo kỹ năng số, có 2.651 sản phẩm được đưa lên sàn và 15.383 giao dịch trên sàn. Toàn tỉnh với 83,6% dân số đã được tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử; có trên 98% doanh nghiệp tham gia khai thuế điện tử và trên 98% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử.

 

Có thế nói, việc đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp góp phần tạo ra giá trị gia tăng cho nông sản, tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, kết nối giữa người sản xuất với tiêu dùng, giữa doanh nghiệp với nông dân. Nhiều chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp được áp dụng để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.

 

Hộ A Lưới tại làng Chứ, xã Ya Ly, huyện Sa Thầy sử dụng hệ thống tự động tưới nước để tưới cây sầu riêng

 

Đến nay, tổng diện tích sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao đạt gần 8.000 ha; diện tích cà phê, tiêu áp dụng công nghệ tưới tiên tiến khoảng 7.000ha, diện tích cây ăn quả gần 600ha. Phương thức sản xuất công nghệ cao ngày càng được chú trọng ứng dụng vào sản xuất, trồng trọt, như công nghệ tự động, bán tự động trong tưới nước, bón phân; máy bay không người lái trong chăm sóc, quản lý dịch bệnh; công nghệ sinh học trong sản xuất phân bón, quản lý dịch hại cây trồng; công nghệ sản xuất giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào, công nghệ nhà màng, nhà kính.

 

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong xây dựng NTM cho cán bộ cơ sở và người dân nhất là người dân ở nông thôn. Đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh cho cán bộ các cấp và người dân nông thôn. Huy động tối đa nguồn lực của địa phương, doanh nghiệp để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của Chương trình. Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực thi các bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu…

 

Lê Hằng