Thứ sáu, Ngày 21/02/2025 -

Kon Tum đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác chuyển đổi số
Ngày đăng: 18/02/2025  15:20
Mặc định Cỡ chữ
Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh, Chuyển đổi số và Đề án 06 (BCĐ); các đơn vị, địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện nghiêm túc, cơ bản đã hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số theo tiến độ và lộ trình đã đề ra.

 

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC cho người dân

 

Các cơ quan, đơn vị đã bám sát định hướng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, thông tin tuyên truyền về công tác chuyển đổi số được truyền tải kịp thời, nhanh chóng góp phần định hướng dư luận xã hội, đặc biệt là giúp người dân và doanh nghiệp thấy rõ lợi ích từ việc chuyển đổi số, nhận biết các phương thức, thủ đoạn của tội phạm trên không gian mạng.

 

Hiện nay, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh đã hoàn thành chuyển đổi việc sử dụng tài khoản VNeID là tài khoản duy nhất để đăng nhập, thực hiện các thủ tục hành chính; hoàn thành triển khai tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đối với 02 nhóm thủ tục hành chính liên thông. Đã phát sinh 92.063 giao dịch thanh toán trực tuyến phí và lệ phí giải quyết TTHC, với tổng số tiền thanh toán trực tuyến trên 6,5 tỷ đồng; 4.595 giao dịch thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai, với số tiền trên 13,2 tỷ đồng. Tỷ lệ thanh toán trực tuyến theo Bộ chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp (tại Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 ) trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 84,05%, đứng thứ 02/63 tỉnh, thành phố.

 

Về phát triển hạ tầng số, trong năm 2024 các doanh nghiệp viễn thông đã triển khai mới 50 trạm BTS góp phần xóa vùng lõm sóng di động trên địa bàn tỉnh, từng bước phát triển hạ tầng số ở các vùng khó khăn. Có 100% xã, phường, thị trấn kết nối Internet cáp quang và 59,47% hộ gia đình sử dụng cáp quang Internet băng rộng. Mạng di động 4G phủ đến các thôn, tổ dân phố; 92% dân số trong độ tuổi trưởng thành sử dụng internet băng rộng di động.

 

Các doanh nghiệp viễn thông đã triển khai lộ trình tắt dần các trạm 2G ở các khu vực có số thuê bao, lưu lượng 2G thấp, tăng cường phủ sóng mạng bằng công nghệ 4G để đáp ứng về vùng phủ sóng. Triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân đổi điện thoại 2G sang điện thoại hỗ trợ công nghệ 4G. Tháng 10/2024, hạ tầng 5G đã được các doanh nghiệp tích cực triển khai với 37 trạm phát sóng, cơ bản đã phủ sóng 5G trên địa bàn thành phố Kon Tum.

 

Đối với kết quả triển khai về dữ liệu số, hiện nay kho dữ liệu dùng chung của tỉnh đã cập nhật 47 bộ dữ liệu; đã có 21 cơ quan, đơn vị cung cấp dữ liệu mở phục vụ người dân và doanh nghiệp thông qua Cổng dữ liệu mở của tỉnh. Kho dữ liệu điện tử của cá nhân, tổ chức trên nền tảng Cổng dịch vụ công tỉnh Kon Tum đã cập nhật kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

 

Về kinh tế số, xã hội số: Trong năm 2024, hoạt động dịch vụ thông tin và truyền thông tăng 1,44%. Chỉ số giá tiêu dùng năm 2024 của nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,6%. Toàn tỉnh có 62% xã có các hợp tác xã triển khai các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực. Tổng số tiền thanh toán qua ứng dụng eTax Mobile đạt khoảng 10,5 tỷ đồng. Đã triển khai được 237 doanh nghiệp, hộ kinh doanh áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, đạt tỉ lệ 94%. Thu ngân sách nhà nước nộp thuế bằng điện tử hoặc thông qua Cổng dịch vụ công đạt 1.525 tỷ đồng; thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt 772,2 tỷ đồng; thu tiền nước không dùng tiền mặt đạt 48,2 tỷ đồng.

 

Về công tác an toàn an ninh mạng, hiện nay, hệ thống đảm bảo an toàn thông tin (SOC) tỉnh đã thực hiện giám sát 29 thiết bị và 34 Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị. Đã kết nối và chia sẻ thông tin giám sát với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC). Hệ thống giám sát mã độc tập trung của tỉnh đã được duy trì, có tổng số 5.366 máy tính là máy chủ, máy trạm được cài đặt phần mềm phòng chống mã độc, thực hiện chia sẻ thông tin giám sát với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC).

 

Trong tháng 12/2024, tỉnh đã tổ chức thành công Diễn tập thực chiến an toàn thông tin đối với 03 Hệ thống thông tin cấp độ 3 dùng chung của tỉnh là: Hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành; Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Kon Tum và Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh Kon Tum.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, quá trình chuyển đổi số của tỉnh Kon Tum hiện nay còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, như: Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến vẫn ở nhóm thấp của cả nước; Tỷ lệ tái sử dụng lại dữ liệu số hóa trong giải quyết hồ sơ TTHC còn thấp; Thanh toán không dùng tiền mặt trong cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh chưa đạt chỉ tiêu đề ra.

 

Thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt trong khám bệnh, chữa bệnh và ứng dụng thẻ Căn cước công dân gắn chip, VneID thay thế thẻ BHYT trong khám bệnh, chữa bệnh còn nhiều khó khăn. Việc triển khai thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho đối tượng an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn. Cơ sở dữ liệu các ngành còn phân tán, khả năng kết nối, chia sẻ còn thấp.

 

Để quá trình chuyển đổi số diễn ra hiệu quả, bền vững, thực chất, đồng bộ, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp, tổ chức và người dân, thời gian tới, BCĐ tỉnh Kon Tum tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh và Kế hoạch công tác của Ban chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh năm 2025 đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao.

 

Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc cán bộ, công chức, viên chức tham gia các khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng do bộ, ngành, địa phương tổ chức. Các địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý và phổ cập kỹ năng số cơ bản cho người dân trên địa bàn.

 

Đồng thời, quan tâm, chú trọng thực hiện công tác phát triển dữ liệu số của ngành, lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ; tổ chức rà soát chuẩn hóa dữ liệu để đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu theo quy định. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định của Chính phủ.

 

Đôn đốc, phối hợp với doanh nghiệp viễn thông và các địa phương đẩy mạnh công tác rà soát, triển khai các giải pháp xóa vùng lõm sóng, đảm bảo phủ sóng băng rộng di động cho 100% các thôn, làng còn khu dân cư lõm sóng và đã có điện lưới quốc gia; đôn đốc các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, triển khai cung cấp Internet cáp quang băng rộng đến khu vực trung tâm các thôn, làng đã có điện lưới quốc gia (Nhà văn hóa, nhà Rông văn hóa hoặc Nhà sinh hoạt cộng đồng,…).

 

Nghiên cứu các sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số của bộ, ngành, địa phương để áp dụng vào chuyển đổi số lĩnh vực đảm bảo phù hợp với thực tiễn; thực hiện các giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy việc sử dụng các tiện ích số như VNeID, hóa đơn điện tử, chữ ký điện tử, tài khoản thanh toán điện tử,…

 

Minh Huệ