Thứ 4, Ngày 02/04/2025 -
Theo đó, trên cơ sở thống nhất của các ngành liên quan, Sở Tài chính hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, cụ thể:
Các hình thức đăng ký kinh doanh
Theo quy định của pháp luật, hiện nay có các hình thức đăng ký kinh doanh: Thành lập hộ kinh doanh cá thể; Thành lập doanh nghiệp tư nhân; Thành lập công ty TNHH (bao gồm công ty TNHH một thành viên hoặc công ty TNHH hai thành viên trở lên); Thành lập công ty cổ phần; Thành lập công ty hợp danh; Thành lập hợp tác xã.
Đối với hình thức đăng ký hộ kinh doanh: Theo quy định tại khoản 1 Điều 80 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ, giáo viên không bị cấm thành lập hộ kinh doanh; tuy nhiên, đối với hộ kinh doanh thành lập để tổ chức lớp dạy thêm, học thêm, chủ hộ kinh doanh phải quản lý, điều hành và chịu trách nhiệm với các nghĩa vụ phát sinh từ lớp dạy thêm ngoài nhà trường;
Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Do đó, giáo viên thuộc các trường công lập không được đăng ký hộ kinh doanh để dạy thêm ngoài nhà trường.
Đối với hình thức đăng ký doanh nghiệp: Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020, có 7 nhóm đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam, trong đó bao gồm cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Như vậy, giáo viên tại các trường công lập là viên chức sẽ không được thành lập và quản lý doanh nghiệp.
Đối với hình thức đăng ký hợp tác xã: Theo quy định tại Điều 30 Luật Hợp tác xã 2023, khoản 3 Điều 14 Luật Viên chức 2010, và điểm b, điểm d khoản 2 Điều 20 Luật Phòng chống tham nhũng 2018, viên chức không được thành lập, quản lý, điều hành hợp tác xã.
Về ngành nghề và điều kiện kinh doanh: Tổ chức, cá nhân sử dụng mã ngành cấp 4 (bốn số) tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ để đăng ký; Các mã ngành liên quan đến học thêm, dạy thêm theo quy định tại Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể tham khảo, gồm: Giáo dục khác chưa được phân vào đâu, mã ngành 8559; Dịch vụ hỗ trợ giáo dục, mã ngành 8560. Luật Đầu tư năm 2020 không quy định việc dạy thêm ngoài nhà trường là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Hồ sơ đăng ký kinh doanh và nơi cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Thành phần hồ sơ đối với các loại hình đăng ký kinh doanh được hướng dẫn và đăng tải trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Kon Tum tại địa chỉ https://dichvucong.kontum.gov.vn hoặc Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tại địa chỉ https://dangkykinhdoanh.gov.vn. Các tổ chức, cá nhân chuẩn bị hồ sơ theo quy định và có thể nộp hồ sơ trực tuyến theo hướng dẫn.
Phòng Tài chính Kế hoạch các huyện, thành phố thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã; Phòng Đăng ký doanh nghiệp thuộc Sở Tài chính thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đăng ký các loại hình doanh nghiệp.
Trường hợp có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân liên hệ các cơ quan, đơn vị sau để được hướng dẫn cụ thể: Phòng Tài chính Kế hoạch các huyện, thành phố trên địa bàn; Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Tài chính.
Văn bản chi tiết, xem tại đây!
Thái Ninh
Tin tức liên quan