Chủ nhật, Ngày 13/04/2025 -
Một số kết quả nổi bật trong công tác phòng ngừa tội phạm
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện nhiều chương trình có nội dung phản ánh hoạt động của các lực lượng chức năng trong công tác trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự thông qua các tin/bài trong các bản tin thời sự, các phóng sự phổ biến kiến thức, chương trình chuyên và các chuyên đề. Nội dung phản ánh đa dạng, phong phú, qua đó vừa góp phần khích lệ, động viên các nhân tố điển hình, vừa đưa tin phát hiện để giúp cơ quan chức năng kịp thời xử lý những vi phạm phát sinh, bảo đảm an ninh, trật tự.
Bộ Công an tổ chức Lễ giới thiệu phát hành cuốn sách của Tổng Bí thư Tô Lâm; 02 Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 17 của Đảng ủy Công an trung ương và Chỉ thị số 13 của Bộ trưởng Bộ Công an về tổng kết công tác giáo dục, bồi dưỡng cán bộ trong Công an nhân dân (CAND); Hội nghị tuyển sinh CAND năm 2025; Tọa đàm khoa học về “Kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”; đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt “CAND rèn đạo đức, luyện tác phong, trọng danh dự; đoàn kết, đổi mới, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm vì nước quên thân, vì dân phục vụ”…
Bộ Quốc phòng tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật 6.172 buổi/279.332 lượt người tham gia; 10.239 buổi/330.286 lượt về phòng, chống mua bán người, qua hệ thống loa truyền thanh địa phương và tiếng loa Biên phòng 5.673 giờ; cấp phát 39.724 tờ rơi; tặng 4.137 lá cờ Tổ quốc, 284 sổ tay pháp luật, 105 áo phao...Thông qua công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân ở khu vực biên giới, vùng biển đảo về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại đối tượng, tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật, không tham gia tiếp tay, bao che, làm ngơ cho tội phạm hoạt động, không xâm phạm vùng biển nước ngoài, tránh bị bắt giữ, xử phạt.
Tòa án nhân dân tối cao tổ chức tập huấn, giới thiệu những nội dung lớn của Luật Tư pháp về người chưa thành niên với sự tham gia của các đồng chí Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; lãnh đạo các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao; Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án nhân dân cùng các đại biểu tại gần 800 điểm cầu trên cả nước.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng, phát sóng bộ phim truyền hình dài tập tuyên truyền về ngành Kiểm sát nhân dân, phản ánh đậm nét vai trò, trách nhiệm và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng.
Bộ Công Thương tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về các lĩnh vực trong hoạt động thương mại đối với các cơ sở kinh doanh, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế sai phạm của đối tượng trong hoạt động kinh doanh…Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị phổ biến các quy định pháp luật trong lĩnh vực văn hóa - gia đình cho lực lượng Thanh tra các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công chức các Phòng Văn hóa, Thông tin, tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh văn hóa; tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh du lịch. Bộ Nội vụ đưa hàng trăm tin, bài, phóng sự về lĩnh vực đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; cung cấp thông tin tới các cơ quan, đơn vị liên quan tại trung ương và địa phương cũng như các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tuyên truyền giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn xã hội cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động và học sinh, sinh viên…
Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ban hành Hướng dẫn công tác tuyên truyền của các cấp Hội Nông dân năm 2025; xây dựng và duy trì hoạt động “mô hình an ninh tự quản”. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì và vận hành hiệu quả trang thông tin fanpage “Tuổi trẻ với pháp luật”, thường xuyên đăng tải thông tin về các hoạt động, mô hình hiệu quả của đoàn viên, thanh niên trong chấp hành, thực thi pháp luật…
Ở địa phương, công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm được Ban Chỉ đạo 138 các cấp xác định là một trong những công tác trọng tâm. Hoạt động tuyên truyền đa dạng hơn, phong phú phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền…
Kết quả đấu tranh chống tội phạm
Bộ Công an: Bảo đảm tiến độ điều tra các vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Điều tra, khám phá nhanh các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm. Điều tra, khám phá 9.468 vụ phạm tội về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 77,12%; bắt, xử lý 19.730 đối tượng; triệt phá 09 băng, nhóm tội phạm; bắt, vận động đầu thú, thanh loại 746 đối tượng truy nã. Phát hiện 222 vụ, 437 đối tượng phạm tội về tham nhũng và chức vụ (giảm 12,6% số vụ, 20,98% số đối tượng so với Quý IV/2024); phát hiện 1.766 vụ, 2.797 cá nhân phạm tội về trật tự quản lý kinh tế (tăng 800 vụ, 1.107 cá nhân so với Quý IV/2024); điều tra xử lý 16 vụ buôn lậu, 1.041 vụ sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, 33 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, trốn thuế. Phát hiện 7.253 vụ, 13.272 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ hơn 80 kg heroin, 562 kg và 1.217.338 viên ma túy tổng hợp, 539 kg cần sa (giảm 23,16% số vụ, 10,69% số đối tượng so với Quý I/2024; tăng 28,14% số vụ, 19,84% số đối tượng so với Quý IV/2024). Phát hiện, xử lý 182 vụ, 226 cá nhân, 54 vụ 07 tổ chức phạm tội về môi trường (tăng 58..., 16 cá nhân, 07 tổ chức so với Quý IV/2024). Phát hiện, điều tra 59 vụ án mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi, 186 đối tượng, 244 nạn nhân. Trong đó, khởi tố mới 08 vụ án, 12 bị can, 30 nạn nhân. Phân tích về đối tượng: nam giới chiếm 60,75%; trên 18 tuổi chiếm 95,16%; không có đối tượng người nước ngoài. Phân tích về nạn nhân: nữ giới chiếm 64,75%; dưới 16 tuổi chiếm 45%, trên 18 tuổi chiếm 41%; dân tộc Kinh chiếm 70%; nạn nhân là trẻ sơ sinh chiếm 24,5%; không có nạn nhân là người nước ngoài; nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài chiếm 34,4%; nạn nhân bị mua bán vì mục đích cưỡng bức lao động chiếm 43,8%; nạn nhân bị mua bán vì mục đích bóc lột tình dục chiếm 18,4%; nạn nhân bị mua bán vì mục đích khác chiếm 37,8%.
Các đơn vị chức năng của Bộ Quốc phòng bắt giữ, điều tra, xử lý 1.483 vụ/3.109 đối tượng (giảm 665 vụ/719 đối tượng so với Quý I/2024); trong đó, tội phạm ma túy bắt 221vụ/299 đối tượng (giảm 180 vụ/243 đối tượng); thu giữ 290,190 kg ma túy các loại (giảm 167,129 kg) gồm: 20 bánh + 13,079 kg Heroin; 498.860 viên + 213,955 kg ma túy tổng hợp; 838,76g thuốc phiện; 424,72g cocain; tội phạm mua bán người: Phát hiện, xử lý 06 vụ/06 đối tượng/13 nạn nhân (giảm 10 đối tượng); tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại bắt 219 vụ/326 đối tượng (giảm 70 vụ/tăng 76 đối tượng); tội phạm, vi phạm mua bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trái phép: 06 vụ/06 đối tượng (giảm 01 đối tượng). Tội phạm, vi phạm pháp luật khác: 667 vụ/1.067 đối tượng (giảm 275 vụ/544 đối tượng). Phát hiện, bắt giữ và xử lý 08 vụ/06 đối tượng/38 nạn nhân và người nghi là nạn nhân (chủ trì xác lập, đấu tranh 03 chuyên án, trong đó đấu tranh thành công 02 chuyên án mua bán người ra nước ngoài. Giải cứu 05 nạn nhân, phối hợp giải cứu 03 người nghi là nạn nhân. Rà soát, sàng lọc, xác định 30 nạn nhân và người nghi là nạn nhân.
Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 62.564 vụ/84.667 bị can. Đã kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố 25.091 vụ/53.038 bị can; giải quyết, xử lý 17.001 vụ/33.141 bị can, đạt tỷ lệ 67,8% số vụ.
Tòa án nhân dân các cấp đã giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 31.151 vụ với 66.593 bị cáo (tăng 2.339 vụ, 5.952 bị cáo so với cùng kỳ năm trước); đã giải quyết, xét xử 19.365 vụ với 37.963 bị cáo (tăng 1.286 vụ 2.637 bị cáo); tuyên phạt tù chung thân và tử hình đối với 304 bị cáo; tù có thời hạn đối với 24.320 bị cáo, trong đó tù trên 15 năm đến 20 năm đối với 622 bị cáo, trên 7 năm đến 15 năm đối với 3.842 bị cáo, trên 3 năm đến 7 năm đối với 4.934 bị cáo, tù từ 3 năm trở xuống đối với 14.922 bị cáo, còn lại là các hình phạt khác.
Về tình hình giải quyết, xét xử đối với tội phạm mua bán người, các Toà án đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 64 vụ với 205 bị cáo (tăng 09 vụ và 55 bị cáo so với cùng kỳ năm trước); đã giải quyết 35 vụ với 99 bị cáo (tăng 03 vụ và 12 bị cáo so với cùng kỳ năm trước). Trong số 28 vụ/71 bị cáo Tòa án cấp sơ thẩm đưa ra xét xử, các Toà án đã tuyên phạt tù có thời hạn 69 bị cáo, trong đó: tù từ trên 15 năm đến 20 năm đối với 01 bị cáo; tù từ trên 7 năm đến 15 năm đối với 35 bị cáo; tù từ trên 3 năm đến 7 năm đối với 27 bị cáo; tù từ 03 năm trở xuống 06 bị cáo, còn lại là hình phạt khác. Tội phạm mua bán người đưa ra xét xử chủ yếu là: Tội mua bán người 14 vụ22 bị cáo (chiếm 50%), tội mua bán người dưới 16 tuổi 09 vụ/29 bị cáo (chiếm 32,2%); tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi 03 vụ/03 bị cáo (chiếm 10,7%); tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người 02 vụ/17 bị cáo (chiếm 7,1%). Điển hình: Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên xét xử vụ án Lường Thị Vận phạm tội “Mua bán người” và “Mua bán người dưới 16 tuổi”, xử phạt bị cáo 23 năm tù; Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam xét xử vụ án Bùi Nguyên Thái Ngọc và Nguyễn Hồng Vương về tội “Mua bán người dưới 16 tuổi”, xử phạt bị cáo Ngọc 14 năm tù, bị cáo Vương 12 năm tù…/.
Trịnh Minh
Tin tức liên quan