Thứ 7, Ngày 10/05/2025 -

Tính tương tác trên báo chí địa phương
Ngày đăng: 06/11/2012  03:30
Mặc định Cỡ chữ
 

1. Tính tương tác trên báo chí

Tương tác báo chí được hiểu là sự tác động qua lại giữa công chúng và tòa soạn báo, bao gồm những ý kiến, thái độ thể hiện quan điểm của công chúng về nội dung tác phẩm báo chí. Tính tương tác có vai trò rất quan trọng trong hoạt động truyền thông nói chung và hoạt động báo chí nói riêng, thúc đẩy sự cập nhật tin tức trên báo chí. Tính tương tác giúp rút ngắn khoảng cách giữa báo chí và công chúng, khiến những vấn đề xã hội được nhìn nhận một cách khách quan trên nhiều bình diện.
 
Đối với các cơ quan báo chí địa phương, hoạt động tương tác góp phần giúp họ hiểu hơn về thị hiếu, xu hướng tiếp nhận thông tin của công chúng, ý kiến của công chúng đối với các sự kiện đang xảy ra tại địa phương mình. Từ đó, các nhà báo tìm cách đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng địa phương một cách nhanh chóng và chính xác, mà vẫn đảm bảo các nhiệm vụ tuyên truyền thường xuyên, hiệu quả. Tính tương tác trên báo chí thể hiện ở ba góc độ:
 
- Tương tác có định hướng: là sự định vị trên các tác phẩm báo in, chương trình phát thanh truyền hình, ví dụ như: “biết thêm chi tiết xin gọi về số điện thoại…”, “nhắn tin về tổng đài và làm theo hướng dẫn...”. Còn trên báo điện tử thì có nút “trang tiếp”, ‘trở về trang đầu”… Điều này tạo sự thuận lợi, tiết kiệm thời gian cho công chúng khi muốn tìm hiểu thêm thông tin.
 
- Tương tác tùy biến: công chúng có thể giao lưu trực tiếp với các nhà báo, tòa soạn, công chúng khác,… Điều này thể hiện rất rõ ở các chương trình giao lưu trực tiếp, cầu truyền hình trực tiếp, công chúng có thể bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình ngay tại thời điểm sự kiện đang diễn ra. 
 
Góc Hộp thư bạn đọc trên Báo Kon Tum - một kênh tương tác phổ biến
 
Ví dụ: Trong sự kiện cơn bão số 9, ngày 29/9/2009, một trong những cơn bão lớn, để lại hậu quả nặng nề nhất cho tỉnh Kon Tum. Hàng trăm bài báo, video về hậu quả của cơn bão đã được đăng tải và nhận được sự quan tâm, chú ý của công chúng. Nhiều người trong số họ bày tỏ quan điểm trên các trang báo mạng, yêu cầu các tờ báo đưa thông tin chi tiết hơn, và chia sẻ nỗi đau, sự mất mát với người dân vùng bão, ủng hộ xây dựng lại những công trình bị bão phá hủy, giúp người dân trở lại cuộc sống bình thường. Điều này, đã cho công chúng toàn thế giới cái nhìn toàn cảnh về thảm họa thiên nhiên này.
 
2. Tương tác trên báo chí Kon Tum
 
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 4 cơ quan báo chí địa phương là Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Kon Tum, Cổng Thông tin điện tử, Tạp chí Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Mỗi cơ quan báo chí đều có thể tận dụng những thế mạnh đặc trưng của mình để hoạt động tương tác một cách hiệu quả.
 
Đài Phát thanh - Truyền hình Kon Tum đã thực hiện một số mục talkshow chuyên đề về sức khỏe, các chủ trương chính sách mới của tỉnh. Song song với ý kiến của khách mời chuyên gia, người xem có thể gọi điện về chương trình, nêu câu hỏi, ý kiến của mình. Các chương trình tường thuật trực tiếp họp Hội đồng nhân dân, Đêm giao thừa, Lễ hội cồng chiêng,... cho phép người xem, người nghe xuất hiện ngay trong chương trình, ngay tại không gian mà sự kiện đang xảy ra. Các hoạt động tương tác mang đến cho chương trình phát thanh – truyền hình một lượng thông tin nhiều chiều, mang tính khách quan cao, tăng lòng tin tưởng của công chúng (do sự có mặt của nhân chứng ngay tại thời điểm đó).
 
Còn đối với báo Kon Tum, đặc trưng tương tác chủ yếu được xem xét ở góc độ sự tác động qua lại giữa cơ quan báo chí, người viết báo và người tiếp nhận thông tin, phản hồi của người đọc. Dẫu đó là phản hồi đồng thuận hay phản ứng trái chiều thì cũng tạo điều kiện để phóng viên kiểm định, xem xét sự chính xác của thông tin, từ đó nhà báo cũng có thể đề nghị bạn đọc cung cấp thêm thông tin. Hoạt động tương tác giúp bạn đọc “rút ngắn khoảng cách” với cơ quan báo chí,  bày tỏ dữ liệu khá đầy đủ về đặc điểm nhu cầu, trình độ, sở thích của từng nhóm đối tượng công chúng. Trên cơ sở đó, cơ quan báo chí điều chỉnh, bổ sung, thay đổi về nội dung, hình thức, mức độ thông tin, thu hút và tạo dựng lòng tin với họ.
 
Giao diện Cổng Thông tin điện tử Kon Tum
 
Một biểu hiện của tính tương tác cao chính là hoạt động báo chí trên Cổng Thông tin điện tử Kon Tum. Đặc trưng tính phi định kỳ đã giúp cho Cổng thông tin điện tử cập nhật thông tin một cách nhanh chóng, thuận lợi bất kể thời gian và không gian. Cổng Thông tin điện tử Kon Tum trở thành một thư viện online, lưu trữ lượng thông tin khổng lồ theo hệ thống khoa học, bao gồm tất cả các bài viết về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa,…trong tỉnh và trong nước. Công chúng có thể tìm kiếm nội dung dễ dàng nhờ vào các mục tìm kiếm theo ngày tháng. Nhờ có các hyperlink (siêu liên kết), công chúng có thể dễ dàng đi đến 9 website của huyện, thành phố, và hàng chục website của các sở, ban ngành trên địa bàn tỉnh. Điều này đối với báo in vô cùng khó khăn, còn với phát thanh, truyền hình gần như là không thể tìm kiếm được. Tính tương tác còn thể hiện rõ trên mục Hỏi-Đáp, thay vì phải chờ đợi đến định kỳ xuất bản của báo in Kon Tum, hoặc phải chờ đến số chương trình, thì câu hỏi của công chúng được sự phúc đáp rất nhanh chóng, tùy thuộc vào việc cơ quan chức năng hoàn thành câu trả lời ở thời điểm nào.
 
3. Giải pháp tăng cường tính tương tác trên báo chí
 
Xã hội thông tin đang phát triển nhanh chóng, mỗi loại hình báo chí luôn có những ưu thế đặc trưng của mình để khai thác, tận dụng hoạt động tương tác hiệu quả nhất, tuy nhiên, hoạt động tương tác trên báo chí địa phương vẫn còn hạn chế. Một số cơ quan báo chí chưa thể hiện rõ vai trò quản lý, tính định hướng thông tin trong các hoạt động tương tác, do đó làm giảm đi hiệu quả của thông điệp báo chí. Những giải pháp để tăng cường sự tương tác trên báo chí địa phương:
 
Thứ nhất, xây dựng một bộ phận tiếp nhận phản hồi chuyên nghiệp, chuyên trách việc nắm hoạt động giao tiếp giữa cơ quan báo chí và công chúng. Nhiệm vụ chính của họ là tiếp nhận toàn bộ các thông tin phản hồi từ người đọc, người nghe, người xem. Trên cơ sở thu thập ý kiến phản hồi ấy, cần phân loại rõ: ý kiến trái chiều, đồng thuần, những yêu cầu thông tin thêm, thông tin mới, các khía cạnh liên quan. Đặc biệt lưu ý đến Báo ảnh (dành cho dân tộc thiểu số), chương trình phát thanh – truyền hình tiếng dân tộc càng phải coi trọng nội dung này, quan tâm sâu sắc đến nhu cầu, thị hiếu thông tin của đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa.
 
Thứ hai, chú trọng về hình thức tác phẩm báo chí, bố trí các yếu tố quan trọng liên quan đến hoạt động tương tác trên chương trình như: địa chỉ liên lạc, số điện thoại, đường dây nóng; vị trí mục bình chọn, mục thăm dò ý kiến, mục mời bạn đọc tham gia giao lưu trực tuyến.
 
Thứ ba, nâng cao nhận thức của đội ngũ lãnh đạo các cơ quan báo chí về vai trò quan trọng của tính tương tác trên báo chí địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho phóng viên chủ động cung cấp thông tin, giao tiếp công chúng.
 
Hoạt động tương tác chính là kênh hữu ích để công chúng đối thoại và chia sẻ với cơ quan báo chí. Tính tương tác vừa góp phần tạo mối quan hệ gắn kết giữa người cung cấp thông tin và người tiếp nhận thông tin, vừa góp phần nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí địa phương, tiến kịp với xu hướng báo chí hiện đại./.
 
Hà Oanh
  • Diện tích tỉnh Kon Tum

    9.690,5 km2
  • Dân số tỉnh Kon Tum (2023)

    591.266 người
  • GRDP tỉnh Kon Tum (2023)

    34.539,87 tỷ VNĐ
Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh Kon Tum
Theo bạn nội dung cung cấp trên cổng thông tin điện tử như thế nào?