Thứ sáu, Ngày 09/05/2025 -
Đại biểu tham dự hội nghị |
Tham dự hội nghị đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố; các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin, trước tình hình diễn biến của động đất thời gian qua, Trung ương đã có ý kiến và UBND tỉnh đã chủ động chỉ đạo các sở, ngành chức năng phối hợp với huyện Kon Plông tổ chức Đoàn công tác khẩn trương kiểm tra, đánh giá tác động và mức độ ảnh hưởng của các trận động đất đã xảy ra đối với nhà ở của Nhân dân, trụ sở làm việc, trường học, y tế và các công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các hồ đập thủy lợi, thủy điện, kịp thời phát hiện, khắc phục các sự cố, hư hỏng để bảo đảm an toàn cho người và tài sản; sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để ứng phó khi có tình huống xảy ra; thông tin kịp thời về động đất và dư chấn do động đất, hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý cho Nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi động đất, tránh tâm lý hoang mang, nhất là đối với các hộ người đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là các cơ quan chức năng của tỉnh còn thiếu kinh nghiệm, không có đủ năng lực; chưa có các thiết bị, máy móc, dụng cụ chuyên dùng để đo đạc, kiểm tra, đánh giá xác định chính xác tình hình dư chấn động đất để đưa ra các giải pháp ứng phó.
Do đó hội thảo hôm nay là dịp để các nhà khoa học, chuyên gia và các bên liên quan cùng phân tích, đánh giá hiện tượng động đất tại địa phương một cách toàn diện nhằm giúp địa phương có cơ sở theo dõi, đánh giá chính xác tình hình dư chấn động đất trên địa bàn, đề ra các giải pháp cảnh báo, ứng phó và giảm nhẹ rủi ro....
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND huyện Kon Plông đã tham luận về tình hình động đất trong thời gian qua tại tỉnh Kon Tum nói chung và tại huyện Kon Plông nói riêng.
Theo số liệu thống kê từ năm 2021 đến cuối tháng 4 năm 2025, trên địa bàn tỉnh Kon Tum xảy ra khoảng 1.086 trận động đất lớn và nhỏ, riêng năm 2024 là 436 trận và năm 2025 là 80 trận. Các trận động đất nêu trên có cấp độ rủi ro thiên tai từ cấp 0 đến cấp 1, có độ lớn chủ yếu dưới 4.0 độ richter; riêng trận động đất xảy ra lúc 11 giờ 35 phút 10 giây ngày 28/7/2024, có độ lớn 5.0 độ richter là cao nhất. Theo thông tin sơ bộ, dư chấn động đất đã gây một số thiệt hại về nhà ở, chưa gây thiệt hại về người nhưng đã ảnh hưởng đến tâm lý người dân trong vùng, đặc biệt là khu vực huyện KonPlông gần tâm chấn động đất. Dự kiến trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh Kon Tum, nhất là huyện Kon Plông tiếp tục có những trận động đất kích thích có cường độ và mật độ ngày càng lớn, có thể gây sập đổ công trình, nhà ở, cầu cống, sạt lở đất gây ách tắt giao thông.
Các chuyên gia Viện các khoa học Trái đất tham luận tại hội nghị |
Các chuyên gia Viện các khoa học Trái đất đã phân tích chi tiết về nguyên nhân, diễn biến và tác động của động đất tại Kon Tum, kèm theo các số liệu khảo sát và cung cấp nhiều hình ảnh minh họa về hiện tượng động đất trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng.
Các chuyên gia đã chia sẻ các nghiên cứu về hiện tượng địa chất tại khu vực, khả năng dự báo, cảnh báo sớm động đất và các giải pháp kỹ thuật trong xây dựng và hạ tầng; cung cấp những phân tích, đánh giá khách quan và chuyên sâu về nguyên nhân, diễn biến của động đất; từ đó trang bị cho cán bộ, người dân những hiểu biết cần thiết để ứng phó hiệu quả với hiện tượng này.
Sau một buổi làm việc, hội nghị đã cung cấp những phân tích, đánh giá khách quan và chuyên sâu về nguyên nhân, diễn biến của động đất; từ đó trang bị cho cán bộ, người dân những hiểu biết cần thiết để ứng phó hiệu quả với hiện tượng động đất./.
Lan Anh
Tin tức liên quan