 |
Phóng viên truyền hình tác nghiệp ở cơ sở |
Qua hơn 10 năm thực hiện, Nghị định 61/2002/NĐ-CP đã bộc lộ những mặt hạn chế, tồn tại, những qui định không còn phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành. Đặc biệt là nội dung qui định về khung nhuận bút của Nghị định 61/2002/NĐ-CP là khá cao, khó có khả năng chi trả, hầu hết các cơ quan báo chí địa phương đều không thể thực hiện được việc chi trả nhuận bút theo hệ số tối thiểu đối với một số thể loại báo chí, nên chỉ có thể vận dụng một phần để thực hiện trong thực tế những năm vừa qua.
Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14-3-2014 có 5 chương và 16 điều, so với Nghị định cũ thì có khá nhiều sự điều chỉnh mới phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Trong đó, có một số điểm mới rất cần lưu ý như: Nghị định mới đã qui định mức nhuận bút, thù lao trả cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả và những người tham gia thực hiện các công việc liên quan đến tác phẩm báo chí, căn cứ vào thể loại, chất lượng tác phẩm, mức độ ảnh hưởng của tác phẩm đến kinh tế - xã hội, mức đóng góp vào tác phẩm, các qui định khuyến khích sáng tạo tác phẩm và qui định của cơ quan báo chí sử dụng tác phẩm. Mức nhuận bút của tác giả không thấp hơn mức thù lao của người tham gia công việc có liên quan đến tác phẩm cùng thể loại.
Tác phẩm báo chí đăng tải lại có trích dẫn nguồn của cơ quan báo chí khác đã có thỏa thuận chia sẻ thông tin theo qui định về luật bản quyền, nhuận bút do các cơ quan báo chí thỏa thuận quyết định. Chậm nhất 60 ngày, kể từ ngày tác phẩm được đăng tải, công bố, bên sử dụng tác phẩm phải trả hết tiền nhuận bút cho tác phẩm hoặc chủ sở hữu quyền tác giả theo qui định. Nếu cơ quan báo chí đã thông báo, liên hệ ít nhất 3 lần cho người hưởng nhuận bút, thù lao mà không có hồi âm thì tiền nhuận bút, thù lao đó được kết chuyển sang Quĩ nhuận bút của năm tiếp theo. Nghị định mới không qui định về hệ số tối thiểu khung nhuận bút để các cơ quan báo chí địa phương vận dụng một cách phù hợp. Về giá trị một đơn vị hệ số nhuận bút cho báo chí, Nghị định mới qui định giá trị một đơn vị nhuận bút bằng 10% mức tiền lương cơ sở áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thay cho 10% mức tiền lương tối thiểu như trước đây để phù hợp với các qui định về tiền lương.
Về Quĩ nhuận bút, Nghị định mới qui định rõ nguồn hình thành Quĩ nhuận bút của cơ quan báo chí là từ nguồn thu từ hoạt động báo chí; nguồn thu từ hoạt động kinh tế của cơ quan báo chí; nguồn hỗ trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Đối với cơ quan báo chí chưa đảm bảo chi phí hoạt động, cơ quan chủ quản có trách nhiệm cấp kinh phí để trích lập nhuận bút trên cơ sở dự toán được xây dựng hàng năm.
Đối với nhuận bút, thù lao của các tác phẩm báo in, báo điện tử bổ sung đối tượng được hưởng thù lao là người sưu tầm tài liệu, cung cấp thông tin phục vụ cho sáng tạo tác phẩm, đồng thời qui định rõ lãnh đạo cơ quan báo chí, biên tập viên được hưởng thù lao. Đối với tác phẩm báo nói, báo hình bổ sung đối tượng được hưởng thù lao là lãnh đạo cơ quan báo nói, báo hình, biên tập viên, chuyên viên kỹ thuật âm thanh. Về thể loại báo chí, bổ sung thêm thể loại Tọa đàm, giao lưu trong khung nhuận bút của báo nói, báo hình, bổ sung thêm thể loại báo chí là trực tuyến, media vào khung nhuận bút của báo in, báo điện tử…ngoài ra còn một số điểm mới khác đã được qui định trong nội dung của Nghị định.
Nghị định 18/2014/NĐ-CP về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản có hiệu lực kể từ ngày 1-6-2014. Tuy sẽ còn phải chờ Thông tư hướng dẫn thực hiện cụ thể từ các ngành chức năng của Trung ương, song đối với các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh như Báo Kon Tum, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh cũng cần phải có sự chủ động trong việc tham khảo hệ thống thanh toán nhuận bút, thù lao mới theo Nghị định này để báo cáo cơ quan chủ quản, đồng thời chuẩn bị các điều kiện về Quĩ nhuận bút và phương thức chi trả theo qui định.
Trần Vĩnh