Thứ 7, Ngày 03/05/2025 -

Làm giàu bằng cây sắn dây ở hộ nông dân huyện Sa Thầy
Ngày đăng: 21/02/2014  02:49
Mặc định Cỡ chữ
 

Theo đánh giá kết quả tại Hội thảo đầu bờ mô hình sắn dây thương phẩm ở xã Ya Ly, huyện Sa Thầy, trồng 1 ha sắn dây thu được gần 300 triệu đồng. Sắn dây còn có nhiều công dụng chữa bệnh cho người…  

Củ sắn dây tại nhà anh Lê Văn Mạnh - huyện Sa Thầy
 
Lãi gần 300 triệu đồng/ha sắn dây
 
Sắn dây có (tên khoa học là Pueraria thomson) là loại dây leo được trồng khá phổ biến ở nhiều nơi trong nước. Tuy nhiên, việc trồng sắn dây thương thẩm thì không nhiều, ở các tỉnh Tây Nguyên lại càng ít được biết đến.  Nhận thấy sự thiếu mặt cây trồng này, năm 2012 anh Lê Văn Mạnh đã về quê ở xã Thọ Xuân, huyện Triệu Xuân (tỉnh Thanh Hóa) đem giống sắn dây vào trồng thử nghiệm 60 m2 đất vườn nhà tại làng Tum, xã Ya Ly (huyện Sa Thầy).
 
“Không ngờ sắn dây lại bén duyên với vùng đất mới, phát triển khá tốt. Sau chín tháng sắn dây kết tinh từ đất trời, tôi thu được 5 tạ củ và chế biến 80 kg tinh bột. Làm chơi ăn thiệt, với giá bán 100 nghìn đồng kg tinh bột tại địa phương, tôi thu được 8 triệu đồng”- Mạnh bộc bạch. Vui mừng trước thành công ban đầu và được Trạm Khuyến nông huyện khuyến khích, hỗ trợ thực hiện mô hình, năm 2013 Mạnh đầu tư trồng 3 sào sắn dây tại đất rẫy nhà.
 
Khi chúng tôi đến, gặp lúc cả nhà anh đang cạo vỏ củ sắn để  xay củ chế biến tinh bột. Nghỉ tay bên giàn máy chế biến, Mạnh hào hởi cho biết: “Vụ này em thu được khoảng 5 tấn củ tươi, dự kiến chế biến được khoảng hơn 1 tấn tinh bột”. Hỏi bán bao nhiêu đồng/kg tinh bột, Mạnh trả lời chắc nịch: “150 nghìn kg/tinh bột. Đã có nhiều người đặt mua, nhưng em đang chế biến nên chưa có sản phẩm để bán”. Tính ra, nếu bán được hết với giá này, trừ chi phí đầu tư (phân bón, le làm giàn, máy chế biến, công cạo vỏ sắn…) 50 triệu đồng, Mạnh còn lãi 100 triệu đồng.
 
Trao đổi về mô hình sắn dây, bà Tạ Thị Diệu-Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện cho biết: Nhận thấy sắn dây là cây trồng mới, có giá trị kinh tế cao, năm 2013 Trạm đã xây dựng mô hình, hỗ trợ cho 4 hộ: Lê Văn Mạnh, Lê Văn Giáp, Lê Văn Dưỡng và Phan Văn Trung trồng 1 ha sắn dây. Theo đánh giá kết quả Hội thảo đầu bờ mô hình sắn dây thương phẩm tại làng Tum, 1 ha sắn dây thu 6 tấn tinh bột. Giá tinh bột mặc dầu tại Hội thảo được tính khá thấp (70 nghìn đồng/kg tinh bột), nhưng thu nhập 1 ha sắn dây là 420 triệu đồng/ha, trừ chi phí đầu tư (kể cả máy chế biến), người trồng còn lãi ròng gần 300 triệu đồng.
 
Kỹ thuật trồng sắn dây cũng không khó. Người trồng chọn giống, cắt hom dây đem giâm vào đất hoặc bầu ni lông. Khi hom dây ra rễ, mọc mầm, ra lá là đem ra trồng. Trồng sắn dây lên luống và làm giàn cho dây leo. Tìm hiểu kỹ thuật, người nông dân ai cũng có thể trồng được sắn dây. Qua thực hiện mô hình, có thể khẳng định sắn dây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.
 
 
Anh Lê Văn Mạnh (ngoài cùng bên trái) đang xay củ,
chế biến tinh bột sắn dây
 
Trồng sắn dây có thể giúp người nông dân làm giàu nhanh. Vấn đề mà người dân và bà Diệu quan tâm là đầu ra cho sản phẩm. Nếu trồng 1 ha sắn dây thì đầu ra cho sản phẩm có thể không gặp khó khăn, nhưng nếu phát triển nhiều hơn nữa không biết đầu ra sẽ như thế nào?
 
Hướng đến việc xây dựng thương hiệu
 
Sắn dây thuộc một trong những vị thuốc cổ nhất, từng được đề cập trong Thần nông bản thảo kinh (Bộ sách đầu tiên của Đông y học). Tài liệu cổ ghi nhận: củ sắn dây có tác dụng giải cảm, tuyên độc thấu chẩn, giải kinh (chống co giật), sinh tân chỉ khát… Hầu hết các bộ phận của sắn dây đều đã được sử dụng làm thuốc.
 
“Kinh nghiệm ở quê, nếu đi nếu làm ngoài đồng về mệt hoặc sau khi phun thuốc trừ cỏ, thuốc sâu, uống rượu nhiều bị xây xẩm mặt mày, pha một ly nước sắn dây uống vào người khỏe khoắn hẳn lên!” - Lê Văn Mạnh quả quyết. Còn chị Diệu lại nói: “Nếu đau kiết lỵ, táo bón, người dân pha nước bột sắn dây uống vào là khỏi ngay”.
 
Trên thị trường Việt Nam, bột sắn dây tinh khiết được bán với giá đắt gấp 7-10 lần giá gạo ở các cửa hàng và được dùng như thực phẩm chức năng. Với nhiều công dụng như vậy, nếu huyện Sa Thầy kêu gọi đầu tư, vận động người nông dân mở rộng trồng và xây dựng thương hiệu sắn dây thì việc tiêu thụ sản phẩm trên quy mô lớn thiết nghĩ là không khó.
 
Bài, ảnh: Khánh Nguyên