Thứ 7, Ngày 26/04/2025 -

Kinh tế tập thể từng bước góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh Kon Tum
Ngày đăng: 09/07/2012  07:58
Mặc định Cỡ chữ
Vừa qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã đánh giá tổng kết tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

 

Sản xuất rau sạch tại xã Đoàn Kết, TP. Kon Tum - Ảnh: Khoa Điềm.

Ngay sau khi Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) được ban hành (3/2002), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; khuyến khích các xã, phường, thị trấn, các tập thể, cá nhân thành lập các tổ hợp tác và hợp tác xã; các huyện, thành phố xây dựng các mô hình điểm về phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã, đồng thời rút kinh nghiệm và nhân ra diện rộng; giúp đỡ các tổ hợp tác và hợp tác xã mở rộng sản xuất, kinh doanh nhằm tăng nhanh tỷ trọng kinh tế tập thể trong tổng GDP, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. 

Để tạo điều kiện thuận lợi cho thành phần kinh tế tập thể phát triển, tỉnh đã thực hiện một số giải pháp trước mắt và lâu dài như: Giúp các tổ hợp tác, hợp tác xã mới thành lập thực hiện tốt phương án sản xuất, kinh doanh và nâng cao hiệu quả hoạt động; đẩy mạnh việc phát triển lực lượng sản xuất và kinh tế hộ sản xuất hàng hóa, tạo tiền đề hình thành kinh tế tập thể và phát triển hợp tác xã. Hàng năm, lãnh đạo tỉnh đều tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách đối với các doanh nghiệp và hợp tác xã trên địa bàn. Với vai trò là đơn vị tư vấn, đầu mối tập hợp những đề xuất, kiến nghị của các hợp tác xã với các cơ quan quản lý nhà nước, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước giải quyết kịp thời những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã phát triển, phối hợp với các cơ quan báo chí để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể; tổ chức hội nghị, tọa đàm trao đổi thông tin về thực trạng và giải pháp nhằm củng cố và phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trên địa tỉnh cho đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên các cơ quan thông tin đại chúng, Ban Tuyên giáo các huyện, thành phố; kịp thời phát hiện, biểu dương những điển hình tiên tiến trong khu vực kinh tế tập thể, có đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
Sau 10 năm (2002 - 2012) triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX), số lượng hợp tác xã của tỉnh phát triển với tốc độ khá nhanh. Về nhóm hộ, tổ hợp tác. Tính đến đến 31/12/2011, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 1.400 nhóm hộ, tổ hợp tác (1.320 nhóm hộ, 80 tổ hợp tác), với 14.000 thành viên tham gia (trung bình 01 tổ hợp tác, nhóm hộ có 10 thành viên tham gia) tạo ra giá trị sản phẩm trong năm 2011 trên 20 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 14.000 lao động. Phần lớn các nhóm hộ, tổ hợp tác hoạt động và phát triển mạnh trên các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nên có vai trò to lớn trong việc giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng cường khả năng lưu thông hàng hóa và góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển nông thôn mới.
 
Trang trại Bò - Ảnh minh họa.
 
Về tình hình Hợp tác xã. Tính đến 31/12/2011, toàn tỉnh có 88 Hợp tác xã (41 Hợp tác xã nông nghiệp; 19 Hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; 12 Hợp tác xã xây dựng; 07 Hợp tác xã giao thông - vận tải; 05 Quỹ tín dụng nhân dân và 04 hợp tác xã thương mại), trong đó có 18 Hợp tác xã chuyển đổi và 70 Hợp tác xã thành lập mới với 10.824 xã viên, 440 cán bộ quản lý và 1.600 lao động. Tổng vốn góp của xa viên trên 52 tỷ đồng, tạo ra giá trị sản phẩm 54 tỷ đồng. Nhìn chung việc phát triển các Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã làm thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, hỗ trợ cho nông dân và xã viên tổ chức sản xuất, góp phần tăng sản lượng nông sản hàng hóa, thu hút được các nguồn lực thúc đẩy ngành nghề, phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp và nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho xã viên và người lao động, đóng góp quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, bước đầu có đóng góp cho ngân sách nhà nước. Công tác tổ chức, quản lý các hợp tác xã bước đầu được củng cố, hoạt động ngày càng có hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay năng lực nội tại của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh nhìn chung còn yếu, quy mô nhỏ, sản xuất thủ công là chủ yếu, thị trường chưa được mở rộng; trình độ quản lý của các hợp tác xã còn yếu; sự liên danh liên kết giữa các hợp tác xã và giữa thành phần kinh tế tập thể với các thành phần kinh tế khác còn hạn chế, chưa khai thác được thế mạnh về nguyên liệu, vốn, thị trường để phục vụ sản xuất kinh doanh.
 
Để giải quyết những khó khăn, hạn chế còn tồn tại trong phát triển hợp tác xã, kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh thời gian đến cần sớm tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) để khắc phục những hạn chế, vướng mắc; trong xây dựng chính sách nên phân vùng kinh tế để có chính sách ưu tiên phù hợp; chú ý xây dựng mô hình điểm để tổng kết, nhân rộng; cần phải sửa đổi một số điều lệ trong Luật Hợp tác xã năm 2003 hiện không còn phù hợp; Liên minh hợp tác xã Việt Nam có cơ chế hỗ trợ về thành lập mới hợp tác xã, đào tạo nguồn nhân lực cho hợp tác xã; giúp đỡ các hợp tác xã tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm tăng nhanh tỷ trọng kinh tế tập thể. Tiếp tục tăng cường, củng cố và nâng cao năng lực hoạt động của các Hợp tác xã đã có; vận động xây dựng, thành lập các mô hình Hợp tác xã mới, trong đó trọng tâm là các Hợp tác xã làng nghề, Hợp tác xã chợ, Hợp tác xã tín dụng, Hợp tác xã môi trường, Hợp tác xã lâm nghiệp… Chú trọng phát triển toàn diện về Tổ hợp tác, Liên hiệp Hợp tác xã. Thường xuyên theo dõi hướng dẫn các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ của các Hợp tác xã, làng nghề để thực hiện tốt các quy định của Nhà nước và kế hoạch quy hoạch thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
 
Minh Thiện