Thứ 7, Ngày 26/04/2025 -

Quy định mức rút dự toán bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện và cấp xã hàng năm
Ngày đăng: 27/01/2017  10:54
Mặc định Cỡ chữ
Triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, UBND tỉnh ban hành Công văn số 175/UBND-KT ngày 20/01/2017 về việc quy định mức rút dự toán bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện và cấp xã hàng năm.

 

Đối với số bổ sung cân đối: Căn cứ dự toán bổ sung cân đối từ ngân sách tỉnh cho ngân sách cấp huyện được UBND tỉnh giao và dự toán bổ sung cân đối từ ngân sách cấp huyện cho cấp xã và theo nhu cầu thực hiện nhiệm vụ chi, hằng tháng UBND các huyện, thành phố (Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện), UBND cấp xã (Ban Tài chính cấp xã) chủ động rút dự toán tại Kho bạc Nhà nước để đảm bảo cân đối ngân sách cấp mình. Mức rút dự toán hằng tháng về nguyên tắc không vượt quá 1/12 tổng mức dự toán bổ sung cân đối cả năm, riêng các tháng trong quý I, căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ mức rút dự toán có thể cao hơn mức bình quân trên song tổng mức rút dự toán cả quý I không được vượt quá 30% dự toán năm.

Đối với số bổ sung có mục tiêu: Về dự toán giao đầu năm, căn cứ dự toán được giao và tiến độ thực hiện các chương trình, nhiệm vụ (bao gồm cả vốn đầu tư và kinh phí sự nghiệp) do chủ đầu tư (hoặc đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ) báo cáo; tham khảo kết quả thanh toán chi trả hằng tháng do cơ quan Kho bạc nhà nước nơi giao dịch gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện, Ban Tài chính cấp xã tổng hợp nhu cầu rút dự toán bổ sung có mục tiêu từ ngân sách tỉnh cho ngân sách cấp huyện và ngân sách huyện cho từng xã, phường, thị trấn theo biểu mẫu, chứng từ do Bộ Tài chính quy định gửi Kho bạc nhà nước nơi giao dịch để rút kinh phí bổ sung có mục tiêu. Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện, Ban Tài chính cấp xã chịu trách nhiệm về mức đề nghị rút vốn bổ sung có mục tiêu để thực hiện các chương trình, nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền giao; trường hợp rút dự toán nhưng không sử dụng hết hoặc sử dụng không đúng mục tiêu thì phải hoàn trả ngân sách tỉnh trong phạm vi tối đa 30 ngày. Để đảm bảo khả năng cân đối của ngân sách tỉnh, việc rút dự toán bổ sung có mục tiêu bình quân theo tháng (riêng các tháng của quý I, căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ, mức rút dự toán có thể cao hơn mức bình quân trên nhưng tổng mức rút dự toán của quý I không vượt quá 30% dự toán năm, hoặc được chia thành 04 đợt/năm để rút theo Quý). Căn cứ thông báo bổ sung có mục tiêu của Cơ quan Tài chính cấp trên, Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện (đối với số bổ sung từ ngân sách tỉnh), Ban Tài chính cấp xã (số bổ sung từ ngân sách cấp huyện) thực hiện rút dự toán tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch theo đúng quy định hiện hành.
 
Đối với các khoản bổ sung có mục tiêu, tạm ứng trước dự toán phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện dự toán, căn cứ quyết định của cấp có thẩm quyền, Cơ quan Tài chính cấp trên có văn bản thông báo bổ sung có mục tiêu ngoài dự toán, kinh phí tạm ứng cho ngân sách cấp dưới gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện (số bổ sung từ ngân sách tỉnh), gửi Ban Tài chính cấp xã (số bổ sung từ ngân sách cấp huyện) thực hiện rút dự toán tại Kho bạc nhà nước nơi giao dịch theo quy định.
 
UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện, Ban Tài chính cấp xã thực hiện rút số bổ sung từ ngân sách cấp trên phù hợp với nhu cầu chi thực tế của ngân sách cấp mình ở từng thời điểm, hạn chế việc tồn quỹ ngân sách nhàn rỗi lớn tại cấp huyện, xã; đồng thời, chịu trách nhiệm về việc rút dự toán bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu để chi cho các Chương trình mục tiêu quốc gia, mục tiêu nhiệm vụ cụ thể theo đúng quy định hiện hành. Quá trình thực hiện nếu xét thấy ngân sách của các huyện, thành phố còn tồn quỹ nhàn rỗi lớn, Sở Tài chính có văn bản đề nghị Kho bạc nhà nước điều chỉnh giảm số rút bổ sung trợ cấp, mục tiêu của ngân sách cấp huyện nộp về ngân sách tỉnh để cân đối cho các nhiệm vụ của cấp tỉnh. Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện thực hiện giám sát việc rút dự toán bổ sung trợ cấp của ngân sách cấp xã theo nguyên tắc trên. Trường hợp đặc biệt cần tăng tiến độ rút dự toán, UBND các huyện, thành phố có văn bản gửi Sở Tài chính, (UBND cấp xã có văn bản đề nghị Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện) xem xét, giải quyết theo quy định và khả năng cân đối nguồn quỹ của ngân sách tỉnh, huyện, thành phố.
 
Quy định này áp dụng từ niên độ ngân sách 2017 và thay thế quy định tại Công văn số 77/UBND-KTTH ngày 15/01/2009 của UBND tỉnh về việc rút dự toán bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện và xã./.
 

Thái Ninh