Thứ 3, Ngày 29/04/2025 -

Tái cấu trúc doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
Ngày đăng: 21/03/2014  07:47
Mặc định Cỡ chữ
 

Trong một nền kinh tế, các doanh nghiệp có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của địa phương, của một đất nước. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, việc tái cấu trúc lại các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp Nhà nước theo chủ trương của Chính phủ là một đòi hỏi cấp bách để góp phần bảo đảm cho kinh tế vận hành và phát triển tốt.

Sản phẩm cà phê hiện nay chủ yếu là cà phê nhân
 
Theo tiến sỹ Đặng Ngọc Mỹ - Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, sự phát triển của kinh tế địa phương hoặc quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhân tố, trong đó yếu tố ở bình diện doanh nghiệp có vai trò quan trọng. Khi các doanh nghiệp có được những thành tựu phát triển, có năng suất kinh tế cao sẽ quyết định đến quá trình tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong thời gian gần đây, hệ thống các doanh nghiệp trong nền kinh tế đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết, doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ bình quân hàng năm 12%, mức thua lỗ cao gấp 12 lần so với doanh nghiệp tư nhân, đồng thời rất nhiều doanh nghiệp tư nhân thua lỗ, phá sản hoặc hoạt động cầm chừng.
 
Việc tái cấu trúc các doanh nghiệp có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Cũng theo Tiến sỹ Mỹ, theo cách tiếp cận vi mô, tái cấu trúc doanh nghiệp là quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp đảm bảo cho hoạt động của doanh nghiệp hiệu quả hơn. Theo cách tiếp cận vĩ mô, tái cấu trúc doanh nghiệp là sắp xếp và hình thành các doanh nghiệp trong nền kinh tế có kết cấu hợp lý giữa các ngành kinh tế, có năng lực cạnh tranh để khai thác tốt các nguồn lực và có động lực để phát triển. Qua nghiên cứu các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, ông cho rằng các doanh nghiệp vừa ít về số lượng và yếu về chất lượng. Cụ thể: trong lĩnh vực cà phê của các công ty gần như chỉ trang bị một số máy móc tưới tiêu, trong lĩnh vực cao su chỉ một số máy móc chuyên dùng thô sơ... Tỷ lệ vốn dành cho đổi mới công nghệ thấp, người lao động trong các doanh nghiệp trình độ còn hạn chế, thiếu tính đào tạo hệ thống và lao động phổ thông chiếm đa số. Theo đánh giá, số lao động có trình độ cao đẳng trở lên ở các doanh nghiệp trong tỉnh chiếm 3,61%, có trình độ trung cấp 3,33%, công nhân kỹ thuật 7,82%, lao động không được đào tạo 85,24%... thấp hơn nhiều so với trình độ chung của cả nước. Sự lạc hậu về công nghệ và nguồn nhân lực có trình độ cao còn thấp đã và đang tạo ra các sản phẩm thấp, không ổn định và làm giảm khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế hội nhập.  
 
Ngoài ra, qua theo dõi các công ty lâm nghiệp Nhà nước trên địa bàn tỉnh, chúng tôi còn được biết các công ty này gần như không sản xuất, kinh doanh gì, chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng, mặc dù trước đó tỉnh đã từng hỗ trợ vốn cho các công ty kinh doanh nhưng hoạt động không mấy hiệu quả...
 
Trước tình trên, để thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp, Tiến sỹ Mỹ đề xuất hình thành nhanh chóng các doanh nghiệp đầu tàu trong các lĩnh vực mũi nhọn, có năng lực khai thác và chuyển đổi các nguồn lực của tỉnh thành các sản phẩm và dịch vụ không chỉ cung cấp trên thị trường địa phương mà còn vươn ra thị trường quốc gia và quốc tế; có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển trong các lĩnh vực khai thác và sản xuất các sản phẩm chủ lực với quy mô lớn nhằm tạo cơ sở cho sự phát triển hàng hóa trong nước và quốc tế; xây dựng và kiện toàn năng lực cốt lõi của mỗi doanh nghiệp trong mỗi ngành nghề kinh doanh dựa trên phân tích chuỗi giá trị của doanh nghiệp và có các giải pháp đầu tư thỏa đáng về năng lực cốt lõi...
 
Liên quan đến vấn đề tái cấu trúc doanh nghiệp, trong một tham luận tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, ông Đặng Xuân Thọ - Giám đốc Sở Tài chính cho rằng, tỉnh cần tập trung chỉ đạo thực hiện hoàn thành Phương án sắp xếp đổi mới doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước giai đoạn 2011-2015 của UBND tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Văn bản 1920/TTg-ĐMDN ngày 24/10/2011. Theo đó, thực hiện cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Du lịch Kon Tum theo hình thức bán toàn bộ vốn Nhà nước hiện có tại doanh nghiệp; thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước đầu tư tại Công ty TNHH MTV Cấp nước về Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước; thực hiện thoái vốn Nhà nước tại Công ty Cổ phần khai thác và xây dựng thủy lợi; chuyển giao Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Hà, Ngọc Hồi sang hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp. Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tăng cường quản trị nội bộ doanh nghiệp Nhà nước theo phong cách quản trị hiện đại, thích hợp với loại hình sản xuất kinh doanh; vận dụng các nguyên tắc quản trị tiên tiến, xác định rõ quy chế quản lý nội bộ và vai trò kiểm soát của Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty và cơ chế kiểm soát nội bộ; tập trung chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm; chú trọng công khai minh bạch trong việc công bố thông tin về hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước…
 
Tái cấu trúc các doanh nghiệp Nhà nước là một đòi hỏi tất yếu, khách quan hiện nay để góp phần đưa kinh tế tỉnh phát triển mạnh, ổn định hơn trong thời gian đến.
 
Bài và ảnh: Văn Nhiên