Nằm ở phía bắc Tây Nguyên, với vị thế địa - chính trị, địa - kinh tế quan trọng, tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, kết cấu hạ tầng từng bước được nâng cấp đồng bộ, Kon Tum có khá nhiều lợi thế để vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa . . . Khảo sát, phân tích và đánh giá một cách bao quát, toàn diện về điều kiện tự nhiên và các đặc điểm kinh tế - xã hội là cơ sở quan trọng để Kon Tum hoạch định chiến lược phát triển phù hợp, khai thác hiệu quả những lợi thế, tiềm năng sẵn có, kết hợp hài hòa giữa phát huy nội lực và thu hút ngoại lực, tạo thành sức mạnh tổng hợp trong quá trình phát triển và hội nhập.
Vị trí địa lý: Kon Tum là tỉnh miền núi vùng cao, biên giới, nằm ở phía bắc Tây Nguyên trong toạ độ địa lý từ 107020'15" đến 108032'30" kinh độ đông và từ 13055'10" đến 15027'15" vĩ độ bắc.
Kon Tum có diện tích tự nhiên 9.676,5 km2, chiếm 3,1% diện tích toàn quốc, phía bắc giáp tỉnh Quảng Nam (chiều dài ranh giới 142 km); phía nam giáp tỉnh Gia Lai (203 km), phía đông giáp Quảng Ngãi (74 km), phía tây giáp hai nước Lào và Campuchia (có chung đường biên giới dài 280,7 km).
Địa hình: phần lớn tỉnh Kon Tum nằm ở phía tây dãy Trường Sơn, địa hình thấp dần từ bắc xuống nam và từ đông sang tây. Địa hình của tỉnh Kon Tum khá đa dạng: đồi núi, cao nguyên và vùng trũng xen kẽ nhau. Trong đó:
(1) Địa hình đồi, núi: chiếm khoảng 2/5 diện tích toàn tỉnh, bao gồm những đồi núi liền dải có độ dốc 150 trở lên. Các núi ở Kon Tum do cấu tạo bởi đá biến chất cổ nên có dạng khối như khối Ngọc Linh (có đỉnh Ngọc Linh cao 2.598 m) - nơi bắt nguồn của nhiều con sông chảy về Quảng Nam, Đà Nẵng như sông Thu Bồn và sông Vu Gia; chảy về Quảng Ngãi như sông Trà Khúc. Địa hình núi cao liền dải phân bố chủ yếu ở phía bắc - tây bắc chạy sang phía đông tỉnh Kon Tum. Ngoài ra, Kon Tum còn có một số ngọn núi như: ngọn Bon San (1.939 m); ngọn Ngọc Kring (2.066 m). Mặt địa hình bị phân cắt hiểm trở, tạo thành các thung lũng hẹp, khe, suối. Địa hình đồi tập trung chủ yếu ở huyện Sa Thầy có dạng nghiêng về phía tây và thấp dần về phía tây nam, xen giữa vùng đồi là dãy núi Chưmomray.
(2) Địa hình thung lũng: nằm dọc theo sông Pô Kô đi về phía nam của tỉnh, có dạng lòng máng thấp dần về phía nam, theo thung lũng có những đồi lượn sóng như Đăk Uy, Đăk Hà và có nhiều chỗ bề mặt bằng phẳng như vùng thành phố Kon Tum. Thung lũng Sa Thầy được hình thành giữa các dãy núi kéo dài về phía đông chạy dọc biên giới Việt Nam - Campuchia.
(3) Địa hình cao nguyên: tỉnh Kon Tum có cao nguyên Kon Plông nằm giữa dãy An Khê và dãy Ngọc Linh có độ cao 1.100 - 1.300 m, đây là cao nguyên nhỏ, chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam.
Khí hậu: Kon Tum thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên. Nhiệt độ trung bình trong năm dao động trong khoảng 22 - 230C, biên độ nhiệt độ dao động trong ngày 8 - 90C.
Kon Tum có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa chủ yếu bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Hàng năm, lượng mưa trung bình khoảng 2.121 mm, lượng mưa năm cao nhất 2.260 mm, năm thấp nhất 1.234 mm, tháng có lượng mưa cao nhất là tháng 8. Mùa khô, gió chủ yếu theo hướng đông bắc; mùa mưa, gió chủ yếu theo hướng Tây Nam.
Độ ẩm trung bình hàng năm dao động trong khoảng 78 - 87%. Độ ẩm không khí tháng cao nhất là tháng 8 - 9 (khoảng 90%), tháng thấp nhất là tháng 3 (khoảng 66%).
Khoáng sản: Kon Tum nằm trên khối nâng Kon Tum, vì vậy rất đa dạng về cấu trúc địa chất và khoáng sản. Trên địa bàn có 21 phân vị địa tầng và 19 phức hệ mắc ma đã được các nhà địa chất nghiên cứu xác lập, hàng loạt các loại hình khoáng sản như: sắt, crôm, vàng, nguyên liệu chịu lửa, đá quý, bán quý, kim loại phóng xạ, đất hiếm, nguyên liệu phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng,... đã được phát hiện. Nhiều vùng có triển vọng khoáng sản đang được điều tra thành lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50.000, cùng với những công trình nghiên cứu chuyên đề khác,... sẽ là cơ sở quan trọng trong công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua khảo sát của các cơ quan chuyên môn, hiện nay, Kon Tum đang chú trọng đến một số loại khoáng sản sau:
(1) Nhóm khoáng sản phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng: nhóm này rất đa dạng, bao gồm: sét (gạch ngói), cát xây dựng, cuội sỏi, đá hoa, đá vôi, đá granít, puzơlan,....
(2) Nhóm khoáng sản vật liệu cách âm, cách nhiệt và xử lý môi trường, bao gồm diatomit, bentonit, chủ yếu tập trung ở thành phố Kon Tum.
(3) Nhóm khoáng sản vật liệu chịu lửa: gồm có silimanit, dolomit, quazit tập trung chủ yếu ở các huyện Đăk Glei, Đăk Hà, Ngọc Hồi.
(4) Nhóm khoáng sản cháy: gồm có than bùn, tập trung chủ yếu ở thành phố Kon Tum, huyện Đăk Hà, huyện Đăk Tô.
(5) Nhóm khoáng sản kim loại đen, kim loại màu, kim loại hiếm: gồm có măngan ở Đăk Hà; thiếc, molipden, vonfram, uran, thori, tập trung chủ yếu ở Đăk Tô, Đăk Glei, Ngọc Hồi, Konplong; bauxit tập trung chủ yếu ở Kon Plông.
(6) Nhóm khoáng sản đá quý: gồm có rubi, saphia, opalcalcedon tập trung ở Đăk Tô, Kon Plông.
Tài nguyên đất của tỉnh Kon Tum được chia thành 5 nhóm với 17 loại đất chính:
(1) Nhóm đất phù sa: gồm ba loại đất chính là đất phù sa được bồi, đất phù sa loang lổ, đất phù sa ngoài suối.
(2) Nhóm đất xám: gồm hai loại đất chính là đất xám trên mácma axít và đất xám trên phù sa cổ.
(3) Nhóm đất vàng: gồm 6 loại chính là đất nâu vàng trên phù sa cổ, đất đỏ vàng trên mácma axít, đất đỏ vàng trên đá sét và biến chất, đất nâu đỏ trên đá bazan phong hoá, đất vàng nhạt trên đá cát và đất nâu tím trên đá bazan.
(4) Nhóm đất mùn vàng trên núi: gồm 5 loại đất chính là đất mùn vàng nhạt có nơi Potzon hoá, đất mùn vàng nhạt trên đá sét và biến chất, đất mùn nâu đỏ trên mácma bazơ và trung tính, đất mùn vàng đỏ trên mácma axít.
(5) Nhóm đất thung lũng: chỉ có một loại đất chính là đất thung lũng có sản phẩm dốc tụ.
Tài nguyên nước:
(1) Nguồn nước mặt: chủ yếu là sông, suối bắt nguồn từ phía bắc và đông bắc của tỉnh Kon Tum, thường có lòng dốc, thung lũng hẹp, nước chảy xiết, bao gồm:
- Sông Sê San: do 2 nhánh chính là Pô Kô và Đăkbla hợp thành. Nhánh Pô Kô dài 121 km, bắt nguồn từ phía nam của khối núi Ngọc Linh, chảy theo hướng bắc - nam. Nhánh này được cung cấp từ suối ĐăkPsy dài 73 km, bắt nguồn phía nam núi Ngọc Linh từ các xã Ngọc Lây, Măng Ri, huyện Đăk Tô. Nhánh Đăkbla dài 144 km bắt nguồn từ dãy núi Ngọc Krinh.
- Các sông, suối khác: phía đông bắc tỉnh là đầu nguồn của sông Trà Khúc đổ về Quảng Ngãi và phía bắc của tỉnh là đầu nguồn của 2 con sông Thu Bồn và Vu Gia chảy về Quảng Nam, Đà Nẵng. Ngoài ra còn có sông Sa Thầy bắt nguồn từ đỉnh núi Ngọc Rinh Rua, chảy theo hướng bắc - nam, gần như song song với biên giới Campuchia, đổ vào dòng Sê San.
Nhìn chung, chất lượng nước, thế năng,... của nguồn nước mặt thuận lợi cho việc xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi.
(2) Nguồn nước ngầm: nguồn nước ngầm ở tỉnh Kon Tum có tiềm năng và trữ lượng công nghiệp cấp C2: 100 nghìn m3/ngày, đặc biệt ở độ sâu 60 - 300 m có trữ lượng tương đối lớn. Ngoài ra, huyện Đăk Tô, Konplong còn có 9 điểm có nước khoáng nóng, có khả năng khai thác, sử dụng làm nước giải khát và chữa bệnh.
Rừng và tài nguyên rừng:
(1) Rừng: đến năm 2008, diện tích đất lâm nghiệp của Kon Tum là 660.341 ha, chiếm 68,14% diện tích tự nhiên. Kon Tum có các kiểu rừng chính sau:
- Rừng kín nhiệt đới hỗn hợp cây và lá rộng: đây là kiểu rừng điển hình của rừng tỉnh Kon Tum, phân bố chủ yếu trên độ cao 500 m, có ở hầu hết huyện, thị trong tỉnh.
- Rừng lá ẩm nhiệt đới: có hầu hết trong tỉnh và thường phân bố ở ven sông.
- Rừng kín á nhiệt đới: phân bố ở vùng núi cao.
- Rừng thưa khô cây họ dầu (rừng khộp): phân bố chủ yếu ở huyện Ngọc Hồi, huyện Đăk Glei (dọc theo biên giới Việt Nam, Lào, Campuchia).
(2) Tài nguyên rừng:
- Thực vật: theo kết quả điều tra bước đầu, tỉnh Kon Tum có khoảng hơn 300 loài, thuộc hơn 180 chi và 75 họ thực vật có hoa. Cây hạt trần có 12 loài, 5 chi, 4 họ; cây hạt kín có 305 loài, 175 chi, 71 họ; cây một lá mầm có 20 loài, 19 chi, 6 họ; cây 2 lá có mầm 285 loài, 156 chi, 65 họ. Trong đó, các họ nhiều nhất là họ đậu, họ dầu, họ long não, họ thầu dầu, họ trinh nữ, họ đào lộn hột, họ xoan và họ trám. Nhìn chung, thảm thực vật ở Kon Tum đa dạng, thể hiện nhiều loại rừng khác nhau trong nền cảnh chung của đới rừng nhiệt đới gió mùa, có 3 đai cao, thấp khác nhau: 600 m trở xuống, 600 - 1.600 m và trên 1.600 m. Hiện nay, nổi trội nhất vẫn là rừng rậm, trong rừng rậm có quần hợp chủ đạo là thông hai lá, dẻ, re, pơmu, đỗ quyên, chua,... ở độ cao 1.500 - 1.800 m chủ yếu là thông ba lá, chua, dẻ, re, kháo, chẹc,... Nhắc đến nguồn lợi rừng ở Kon Tum phải kể đến vùng núi Ngọc Linh với những cây dược liệu quý như sâm Ngọc Linh, đẳng sâm, hà thủ ô và quế. Trong những năm gần đây, diện tích rừng của Kon Tum bị thu hẹp do chiến tranh, khai thác gỗ lậu và các sản phẩm khác của rừng. Nhưng nhìn chung, Kon Tum vẫn là tỉnh có nhiều rừng gỗ quý và có giá trị kinh tế cao.
- Động vật: rất phong phú, đa dạng, trong có nhiều loài hiếm, bao gồm chim có 165 loài, 40 họ, 13 bộ, đủ hầu hết các loài chim; thú có 88 loài, 26 họ, 10 bộ, chiếm 88% loài thú ở Tây Nguyên. Đáng chú ý nhất là động vật ăn cỏ như: voi, bò rừng, bò tót, trâu rừng, nai, hoẵng,... Trong đó, voi có nhiều ở vùng tây nam Kon Tum (huyện Sa Thầy). Bò rừng có: bò tót (hay con min) tên khoa học Bosgaurus thường xuất hiện ở các khu rừng thuộc huyện Sa Thầy và Đăk Tô; bò Đen Teng tên khoa học Bosjavanicus. Trong những năm gần đây, ở Sa Thầy, Đăk Tô, Kon Plông đã xuất hiện hổ, đây là dấu hiệu đáng mừng về sự tồn tại của loài thú quý này. Ngoài ra, rừng Kon Tum còn có gấu chó, gấu ngựa, chó sói.
Bên cạnh các loài thú, Kon Tum còn có nhiều loại chim quý cần được bảo vệ như công, trĩ sao, gà lôi lông tía và gà lôi vằn. Trong điều kiện rừng bị xâm hại, việc săn bắt trái phép ngày một gia tăng, môi sinh luôn biến động đã ảnh hưởng đến sự sinh tồn của các loài động vật, đặc biệt là các loài động vật quý hiếm. Tỉnh Kon Tum đã quy hoạch xây dựng các khu rừng nguyên sinh và đưa vào xếp hạng quốc gia để có kế hoạch khai thác, nghiên cứu và bảo vệ, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ động, thực vật nói riêng, môi trường sinh thái nói chung.